Dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản ĐBSCL”, trong khuôn khổ Chương trình “Dự án Nông nghiệp và thực phẩm” gọi tắc là MAIC - RAF, do tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung, (CSIRO) Úc tài trợ. Ngày 17/3/2022 thảo thuận được ký kết giữa Trường Đại học Cần Thơ (CTU) và tổ chức CSIRO. Theo đó, dự án được thực hiện từ tháng 03/2022. Dự án này là một trong những hoạt động của Chương trình Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long SDMD 2045.
Mục tiêu của dự án là nhằm xây dựng diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, những đổi mới sáng tạo trong nuôi tôm nước lợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sự tham gia của nhiều đối tác bao gồm người nuôi tôm, công ty/doanh nghiệp thủy sản, cơ quan quản lý thủy sản, Hiệp hội thủy sản, Viện/Trường, ngân hàng, tổ chức phi chính phủ (NGOs) tại Việt Nam và cựu sinh viên ngành thủy sản. Sự thành công của dự án sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của nghề nuôi tôm của vùng.
Dự án hoạt động với nhiều hình thức khác nhau bao gồm tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp, hoặc các diễn đàn, chia sẽ thông tin qua các nền tảng xã hội như là website, facebook và zalo. Các hoạt động chính của hoạt động bao gồm: (i) Tổ chức định kỳ các seminar học thuật, hội thảo, tọa đàm; (ii) chia sẽ các bản tin kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến của ngành tôm; (iii) Tư vấn các vấn đề kỹ thuật trong nuôi tôm-lúa luân canh và nuôi tôm công nghệ cao. Các chủ đề trao đổi gồm có:
- Hiện trạng, hạn chế và giải pháp cho công nghiệp nuôi tôm ĐBSCL;
- Biến đổi khí hậu và sự thích ứng của công nghiệp nuôi tôm;
- Những công nghệ, cải tiến mới trong nuôi tôm;
- Công nghệ xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững;
- Truy xuất nguồn gốc, chứng nhận trong nuôi tôm và xuất khẩu;
- Chuyển đổi số trong nuôi tôm;
- Chuỗi sản xuất và quản lý tổng hợp trong nuôi tôm.