Tính cấp thiết và cơ sở pháp lý

1.1. Tính cấp thiết

Thế giới ngày nay đang bước vào thời đại của sự phát triển nhanh chóng, sâu rộng và mạnh mẽ của cách mạng khoa học – công nghệ (KH-CN), đặc biệt cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); thời đại của toàn cầu hóa, của hội nhập – hợp tác và phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức. Bên cạnh, thế giới cũng đang phải đối phó với những thách thức to lớn mang tính toàn cầu như an ninh - an toàn lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh,…. Vì vậy, đẩy mạnh hợp tác vì thế là xu hướng tất yếu để giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Đối với Việt Nam, đường lối phát triển đất nước của của Trung ương Đảng đã được xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ……. phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn….” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - Bổ sung, phát triển năm 2011).

Đại hội Đảng lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021 – 2025) đã xác định mục tiêu đến năm 2025 của Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 làà nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là “vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của quốc gia; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông, thủy sản cho thị trường thế giới; là trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp điện năng, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp tầm quốc gia; là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mêkông mang tầm quốc gia và quốc tế; và là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh”. Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/1/2018, đã xác định mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là “Phát triển ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á; phát triển ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước; Phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của ĐBSCL nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê-kông, đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Trước thách thức của biến đổi khí hậu , nước biển dâng và thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông cũng như nhu cầu phát huy thế mạnh để phát triển thịnh vượng của vùng, Nghị quyết 120 của Chính phủ (17/11/2017) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định mục tiêu đến 2050 là “Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Hạ tầng thông tin và truyền thông, mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước được xây dựng đồng bộ. Hệ thống các cơ sở văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục, thể thao ở mức cao so với cả nước; kinh tế phát triển năng động và hiệu quả với cơ cấu kinh tế phù hợp”.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 của nước ta, trong đó, ĐBSCL sẽ “tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng mạng đô thị vùng tạo động lực cho phát triển. Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; nghiên cứu, xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... Tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”.

Với tầm quan trọng của ĐBSCL, Quyết định Số 825/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 12/6/2020) về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 đã được ban hành nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành viên của Hội đồng được quy định tại Quyết định Số 1054/QĐ-TTg ngày 02/7/2021, trong đó, có Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ là đại điện cho cơ sở Đào tạo, Khoa học và Công nghệ của vùng.

Thực hiện thành công chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ và phù hợp, trong đó, có vai trò rất quan trọng của các cơ quan/ngành các cấp, từ Trung ương đến địa phương, Viện nghiên cứu và Trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức xã hội thông qua tăng cường các hoạt động hợp tác phát triển.

Ở vị trí trung tâm của vùng Ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của vùng. Sứ mệnh của Nhà trường “Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của quốc gia. Trường Đại học Cần Thơ là nhân tố động lực có ảnh hưởng quyết định cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.” Trường Đại học Cần Thơ hướng đến tầm nhìn “Trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học được ghi nhận trong khu vực và thế giới”. Hiện nay, Trường có 16 đơn vị đào tạo, với 109 ngành đào tạo bậc đại học, 48 ngành bậc cao học và 19 ngành bậc tiến sĩ, với tổng số 44.500 sinh viên và 2.500 học viên sau đại học. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn là hoạt động rất quan cho phát triển Trường và vùng ĐBSCL với 400-500 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án chuyển giao công nghệ các cấp hàng năm. Trường hiện có đội ngũ cán bộ 1.825 người, trong đó có 15 giáo sư, 143 phó giáo sư, 486 tiến sĩ và 578 thạc sĩ. Hợp tác quốc tế là thế mạnh của Trường, với trên 250 Viện - Trường và nhiều cơ quan, tổ chức tài trợ trên thế giới như WORLD BANK, ADB, EU, VLIR, DANIDA, WWF, GIZ, USAID, AUSAID, ACIAR, JICA, KOICA,... Đặc biệt, hiện nay Trường đang tích cực triển khai dự án nâng cấp Trường Đại học cần Thơ, giai đoạn 2015-2022, do JICA hỗ trợ với sự phối hợp với 9 Trường đối tác Nhật Bản. Mục tiêu tổng quát của Dự án là nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường và các lĩnh vực liên ngành này cũng sẽ đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Qua 7 năm triển khai các hoạt động, Dự án đã đạt nhiều thành tựu rất to lớn trong tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ; làm nền tảng cho tiếp tục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật – pha 2 (TC2), đồng thời làm nền tảng quan trọng cho Trường ĐHCT phát huy nguồn lực, tiếp tục phát triển và thực hiện sứ mênh của mình trong phát triển ĐBSCL.

Phát huy vai trò và sứ mệnh của Trường đối với ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ chủ trương không ngừng gắn kết, hợp tác phát triển toàn diện với các địa phương trong vùng. Ngoài ra, Nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp, công ty trong nước và trong ĐBSCL. Nhà Trường là thành viên năng động của nhiều mạng lưới Viện - Trường, tổ chức, cơ quan trong nước và quốc tế.

Từ cuối thập niên 1970s đến nay, Trường Đại học Cần Thơ luôn thể hiện vai trò tiên phong và nối kết hợp tác để phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội của vùng. Đặc biệt, Trường là nhân tố quan trọng nối kết hợp hợp tác cùng địa phương phát triển giống lúa cao sản ngắn ngày, cải tạo đất phèn, phát triển sản xuất lúa cao sản, và sản xuất thủy sản. Ngoài ra, Trường cũng đã đóng góp trong việc đang dạng hóa và công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp – thủy sản hướng tới tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thu nhập cho nông dân, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng vị thế của các ngành hàng này ở thị trường thế giới.

Trong bối cảnh với cơ hội và thách thức mới, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng của Đảng và Chính phủ, Trường Đại học Cần Thơ, với nguồn lực và vị thế của mình, cần nối kết và hợp tác với đối tác liên quan trong và ngoài nước để thực hiện trách nhiệm xã hội như đã cam kết trong sứ mệnh, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và và đất nước nói chung. “Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL - Tầm nhìn 2045” (Sustainable Development of the Mekong Delta - SDMD Outlook 2045) vì thế được thành lập và vận hành, hướng đến đáp ứng hiệu quả các vấn đề trên.

1.2. Cơ sở pháp lý

Thành lập Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL - Tầm nhìn 2045 dựa trên căn cứ pháp lý sau:

- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2021.

- Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Theo quyết định số 6004/QĐ-BGDĐT, ngày 21/9/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Phát triển tổng thể Trường Đại học Cần Thơ.

- Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/1/2018 về việc “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

- Quyết định Số 825/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Ngày 12/6/2020) về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025

- Quyết định số 1054/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ (ngày 02/07/2021) về thành viên Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025

- Phát biểu của Nguyên Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH lần thứ ba, ngày 13 tháng 3 năm 2021 tại TP. Cần Thơ sơ kết NQ 120: “Giao cho Trường Đại học Cần Thơ tổ chức diễn đàn đối thoại khoa học phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045”.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Cần Thơ lần thứ XII, 2020-2025

- Báo cáo tổng 02/07/2021 kết Hội nghị SDMD 2021 (Trường Đại học Cần Thơ và JICA tổ chức ngày 30/3/2021 tại Thành phố Cần Thơ).

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 86

Hôm qua 114

Trong tuần 814

Trong tháng 4568

Tất cả 77456