Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thông tin về môi trường nước, thành phần loài vi tảo trong mô hình vẫn còn rất hạn chế. Một số câu hỏi được đặt ra là những loài tảo khuê ưu thế trong mô hình thay nước thường xuyên này là gì? Có đa dạng không? Giai đoạn ương có khác với giai đoạn nuôi không?... Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ đã đi sâu nghiên cứu về các thông số chất lượng nước và mối liên hệ với thành phần loài của tảo khuê ở các ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo qui trình nuôi 2 giai đoạn. Kết quả cho thấy các thông số môi trường nước biến động khá cao trong chu kỳ nuôi, trong đó một số yếu tố dinh dưỡng trong nước (TAN, NO3-và PO43-) có xu hướng tăng cao vào cuối vụ nuôi. Hàmlượng chlorophyll-a tương quan không có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với các yếu tố nhiệtđộ, pH, độ mặn, độ kiềm, TAN, NO3-và PO43-. Tổng số loài tảo xác định được khá thấp với 17 loài được ghi nhận. Trong đó, tảo khuê có thành phần loài cao nhất (8 loài, 47%), các ngành tảo còn lại từ 2-4 loài (12-24%). Mật độ tảo khuê trung bình ở giai đoạn ương là 2.813.930 ct/L và giai đoạn nuôi là 2.614.583 ct/L. Tảo Thalassiosira sp. hiện diện thường xuyên và chiếm ưu thế (84-99%) qua các đợt khảo sát. Các loài tảo khuê được tìm thấy trong các ao tôm gồm Thalassiosira sp., Cylindrotheca closterium, Nitzschia sp., Amphiprora alata, Navicula sp., Pleurosigma sp., Chaetoceros sp. và Coscinodiscus sp. Kết quả của nghiên cứu góp phần trong việc quản lý chất lượng nước cũng như quản lý tảo trong các ao tôm nước lợ.
(Nguồn: TS. Nguyễn Thị Kim Liên, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ)