Khoa Thủy sản đã nghiên cứu 3 chủng vi khuẩn Streptomyces TV1.4, CM2.4 và DH3.4 (được phân lập từ ao tôm ở Trà Vinh và Cà Mau) có khả năng phân hủy hữu cơ và kháng bệnh được chọn thực hiện thí nghiệm nhằm tìm ra điều kiện phát triển tốt nhất để áp dụng qui mô lớn hơn. Các vi khuẩn này được nuôi điều kiện nhiệt độ, pH, độ mặn, các nguồn C và nguồn N khác nhau trong môi trường m-ISP2 C. Sau đó, nguồn C và N phù hợp nhất đươc chọn để xác định nồng độ tối ưu cho sự phát triển của các chủng vi khuẩn này. Thí nghiệm được bố trí trong ống nghiệm chứa môi trường m-ISP2 và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Tốc độ tăng trưởng của vi khuẩn được đánh giá thông qua giá trị hấp thụ quang OD ở bước sóng 600 nm. Kết quả cho thấy chủng TV1.4 phát triển tốt nhất ở pH 7, nhiệt độ 30℃, độ mặn 10‰, starch 2%, tryptone 2%. Chủng CM2.4 phát triển tốt nhất ở pH 8, nhiệt độ 40℃, độ mặn 10‰, starch 1%, tryptone 1% và chủng DH3.4 phát triển tốt pH 7, nhiệt độ 35℃, độ mặn 10‰, starch 1% và tryptone ở nồng độ 2%. Trong 3 chủng nghiên cứu chủng Streptomyces TV1.4 là chủng vi khuẩn tốt nhất có thể sản xuất thành probiotic thương mại.
Ảnh hưởng của nguồn C lên lên tăng trưởng của các chủng TV1.4, CM2.4 và DH3.4
(Nguồn: PGS.TS. Phạm Thị Tuyết Ngân, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ)