Chọn lọc dựa trên bộ gen đối với tính kháng vi rút gây hội chứng đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng giúp tăng tỷ lệ sống trong thí nghiệm cảm nhiễm

Tạp chí Nature đã công bố nghiên cứu của Lillehammer et al. vào năm 2020 về việc chọn lọc dựa trên bộ gen đối với tính kháng vi rút gây bệnh đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng. Theo đó, vi rút gây hội chứng đốm trắng (WSSV) gây ra thiệt hại lớn cho ngành nuôi tôm trên toàn thế giới. Một giải pháp để quản lý dịch bệnh này là chọn lọc đàn tôm kháng bệnh. Tuy nhiên, hệ số di truyền đối với tính kháng WSSV nói chung là thấp, do đó, cải thiện di truyền bằng phương pháp chọn lọc thông thường mang lại kết quả thấp và mất nhiều thời gian.

Nghiên cứu được thiết kế nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và độ chính xác của phương pháp chọn lọc dựa trên bộ gen để cải thiện tính kháng WSSV ở tôm thẻ chân trắng. Thí nghiệm cảm nhiễm với WSSV được thực hiện (ở giai đoạn tôm giống 3g) và sức đề kháng của tôm được đánh giá dựa trên tình trạng chết hoặc sống (DOA) tại thời điểm 23 ngày sau khi gây cảm nhiễm. Tất cả tôm trong thí nghiệm cảm nhiễm đều được phân tích xác định 18.643 đa hình nucleotide đơn (gọi là SNP). Các SNP này được xác định trước đó khi phân tích và so sánh bộ gen của 2 dòng kháng và mẫn cảm với WSSV. Các cá thể bố mẹ (G0) được chọn dựa trên xếp thứ hạng của giá trị chọn giống di truyền (GBV) về tính kháng WSSV. Từ đó, hai đàn con G1 được tạo ra từ (i) những cá thể có GBV caovà (ii)  cá thể có GBV thấp. Một đàn con thứ ba được tạo ra từ sự giao phối “ngẫu nhiên” của đàn bố mẹ. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống trung bình của 3 nhóm G1 khác biệt có ý nghĩa, tương ứnglà 25% ở nhóm thấp, 38% ở nhóm ngẫu nhiên và 51% ở nhóm có GBV cao. Hệ số di truyền đối với DOA ở G1 cao (h2 = 0,41), chứng tỏ phương pháp chọn lọc dựa trên bộ gen đối với tính kháng WSSV có tiềm năng lớn trong cải thiện di truyền tính trạng này ở tôm thẻ chân trắng.

Hình: Tỉ lệ chết tích lũy của ba nhóm tôm sau 23 ngày cảm nhiễm với WSSV. GBV: giá trị chọn giống di truyền

(PGS.TS. Dương Thúy Yên, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ lược dịch từ nguồn: https://www.nature.com/articles/s41598-020-77580-3)

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

MẠNG XÃ HỘI


Facebook
Youtube
Instagram

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 386

Hôm qua 421

Trong tuần 1517

Trong tháng 11069

Tất cả 27926