Tập hợp bộ gen của tôm sú (Penaeus monodon) ở cấp độ nhiễm sắc thể tạo điều kiện xác định các gen liên quan đến tăng trưởng

Cải thiện di truyền động vật nuôi thủy sản (cá, giáp xác) thông qua chọn lọc có sự hỗ trợ của chỉ thị phân tử và chọn lọc dựa trên bộ gen đang là hướng mới trong di truyền chọn giống hiện nay, mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển bền vững của nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ một số ít loài giáp xác nuôi đã được nghiên cứu bộ gen hoàn chỉnh.

Tôm sú, Penaeus monodon, là một trong những loài giáp xác được nuôi phổ biến nhất với sản lượng trung bình hàng năm (tính trong mười năm qua) trên toàn cầu khoảng 500.000 tấn, chiếm 9% tổng sản lượng giáp xác trên thế giới. Nghề nuôi tôm sú phát triển nhưng sản lượng nuôikhông ổn định do thiếu kiến ​​thức về sinh học và di truyền để cải thiện những đặc điểm mong muốn như tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thành thục sinh sản mà không phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ tự nhiên.Những nghiên cứu trước trên bộ gen của tôm sú chưa có sự liên tục và hoàn chỉnh cần thiết để chú thích bộ gen chính xác do tính chất lặp lại cao của bộ gen và khó khăn về kỹ thuật trong việc sàng lọc DNA có trọng lượng phân tử cao và chất lượng cao. Uengwetwanit et al. (2021) đầu tiên báo cáo kết quả về sự tập hợp thành công toàn bộ bộ gen chất lượng cao ở cấp độ nhiễm sắc thể của tôm sú thông qua việc sử dụng kết hợp công nghệ “long-read Pacific Biosciences” (PacBio) và“long-range Chicago và Hi-C”. Bộ gen tập hợp bao phủ 2,39 Gb (chiếm 92,3% kích thước bộ gen ước tính) và chứa 44 nhiễm sắc thể đơn bội. Các đoạn DNA lặp lại (Repetitive DNA) chiếm phần lớn (62,5%) trong bộ gen, tỉ lệ này đạt cao nhất so với các loài giáp xác khác. Bộ gen tập hợp chất lượng cao này cho phép xác định các gen liên quan đến tốc độ tăng trưởng nhanh ở tôm sú thông qua việc so sánh bộ phiên mã (transcriptome, là tập hợp các mRNA) gan tụy của tôm sinh trưởng chậm và tôm lớn nhanh. Kết quả đã xác định được một số gen liên quan đến tăng trưởng. Bộ gen chất lượng cao này cung cấp nguồn thông tin có giá trị để cải thiện di truyền và chọn giống tôm sú nói riêng và nhóm tôm biển (họ Penaeidae) nói chung. Bên cạnh đó, bộ gen của tôm sú còn được dùng trong các nghiên cứu về tác động sinh thái, khả năng tiến hóa và thích nghi của tôm, góp phần vào sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

(PGS.TS. Dương Thúy Yên, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ lược dịch từ nguồn: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/1755-0998.13357)

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 108

Hôm qua 118

Trong tuần 490

Trong tháng 3402

Tất cả 69120