Để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nghề sản xuất giống tôm sú phát triển theo hướng an toàn sinh học thì việc ứng dụng công nghệ biofloc trong sản xuất giống tôm sú để tạo ra con giống chất lượng cao phục vụ cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững là rất cần thiết.Biofloc có vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng nước trong bể ương tôm, an toàn sinh học, làm thức ăn trực tiếp cho tôm, tăng cường dưỡng chất tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây các nhà khoa học tại Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu ương ấu trùng tôm sú theo công nghệ biofloc và đã xây dựng được qui trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc đạt tỷ lệ sống của postlarvae 12> 60%, năng suất >120.000 postlarvae/m3, trong suốt quá trình ương không sử dụng thuốc kháng sinh hay hóa chất, hạn chế thay nước, kiểm tra tôm Postlarvae sạch các loại bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), bệnh còi (MBV). Qui trình này đã ứng dụng chuyển giao cho nhiều trại sản xuất giống tôm sú tại tỉnh Cà Mau đạt được kết quả rất tốt. Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ cũng đang ứng dụng qui trình này tập huấn và chuyển giao công nghệ cho các địa phương, các trại giống, các công ty và các doanh nghiệp tôm giống.