Ảnh hưởng của việc kết hợp florfenicol và axít chlorogenic để điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus

Tôm thẻ chân trắng L. vannamei hiện nay là một trong những đối tượng nuôi thủy sản quan trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên do sự tăng trưởng quá nhanh của các mô hình nuôi thâm canh và quá trình suy thoái môi trường sinh thái, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã và đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ví dụ như bệnh đốm trắng do virus WSSV và bệnh do vi khuẩn nhóm Vibrio. Ở một số quốc gia nuôi tôm, ví dụ như ở Thái Lan từ năm 2013, ngành công nghiệp nuôi tôm trải qua nhiều đợt bùng phát nghiêm trọng dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp gây ra bởi vi khuẩn V. parahaemolyticus (VPAHPND), sau đó lây lan khắp châu Á. Hiện tại, có nhiều biện pháp khác nhau để kiểm soát và ngăn gừa bệnh VPAHPND, trong đó phòng và trị bệnh bằng thuốc kháng sinh được xem là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ gây ô nhiễm môi trường, tích tụ dư lượng và gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Gần đây có nhiều nghiên cứu kết hợp thuốc kháng sinh với thảo dược để trị bệnh trên động vật thủy sản. Việc kết hợp thuốc kháng sinh với thuốc có nguồn gốc từ thảo dược có thể làm giảm khả năng kháng thuốc và tăng hiệu quả điều trị.

Florfenicol là kháng sinh chloramphenicol thế hệ 3. Florfenicol có tác dụng ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn từ đó tiêu diệt vi khuẩn. Florfenicol ít có tác dụng phụ, phổ diệt khuẩn rộng, và hiệu quả diệt khuẩn cao do đó đang được sử dụng rộng rãi để phòng và trị bệnh trên động vật thủy sản. Florfenicol hiện đã được một số quốc gia như các nước châu Âu, Canada, Trung Quốc, và Hàn Quốc cấp phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Axít chlorogenic là một polyphenol được tạo ra bởi quá trình este hóa axít quinic và axít caffeic. Nó được tìm thấy chủ yếu trong trái cây, rau củ, và cà phê. Axít chlorogenic có nhiều đăc tính sinh học như: chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn và kháng virus. Thêm vào đó axít chlorogenic còn có tác dụng điều hòa quá trình miễn dịch và bảo vệ tuyến gan tụy. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy việc bổ sunng axít chlorogenic vào thức ăn có thể cải thiện tăng trưởng, tăng khả năng chống oxy hóa, và điều hòa quá trình miễn dịch ở một số đối tượng thủy sản như: rùa (Trionyx sinensis), cá chép (Cyprinus carpio), và tôm thẻ chân trắng (L. vannamei). Điều đó cho thấy cả florfenicol và axít chlorogenic đều có khả năng điều trị bệnh trên động vật thủy sản. Tuy nhiên việc nghiên cứu tác dụng kết hợp hay hiệu quả kết hợp của 2 loại thuốc này trên động vật thủy sản đặc biệt là trên tôm thẻ chân trắng vẫn chưa được nghiên cứu. Chính vì thế mà nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của việc kết hợp florfenicol và axít chlorogenic lên tỷ lệ sống, khả năng miễn dịch và cấu trúc của tuyến gan tụy của tôm thẻ chân trắng L. vannamei được tiến hành.

Trong nghiên cứu này, tôm thẻ chân trắng có kích cỡ trung bình 4.53 ± 0.18 g đực bố trí thành 7 nghiệm thức: (1) đối chứng: không gây cảm nhiễm; (2) gây cảm nhiễm với VPAHPND; (3) FFC: gây cảm nhiễm với VPAHPND sau đó trị bằng florfenicol với liều 15 mg/kg; (4) CGA: gây cảm nhiễm với VPAHPND sau đó trị bằng axít chlorogenic với liều 200 mg/kg; (5) kết hợp liều thấp: gây cảm nhiễm với VPAHPND sau đó trị bằng kết hợp axít chlorogenic 100 mg/kg và florfenicol 7.5 mg/kg; (6) kết hợp liều trung bình: gây cảm nhiễm với VPAHPND sau đó trị bằng kết hợp axít chlorogenic 200 mg/kg và florfenicol 15 mg/kg; và (7) kết hợp liều cao: gây cảm nhiễm với VPAHPND sau đó trị bằng kết hợp axít chlorogenic 400 mg/kg và florfenicol 30 mg/kg. Tôm được gây cảm nhiễm bằng cách tiêm 10 μl vi khuẩn VPAHPND với mật độ 107 CFU/ml (tương đương với 1/2 liều gây chết trong 24h) vào cơ. Phương pháp điều trị là trộn thuốc vào thức ăn và cho ăn liên tục trong 5 ngày. Kết quả cho thấy, so với sử dụng từng loại riêng lẻ thì việc kết hợp axít chlorogenic và florfenicol giúp cho tôm có tỷ lệ chết thấp hơn rõ rệt sau 5 ngày gây cảm nhiễm. Hơn nữa, ở các nghiệm thức sử dụng kết hợp florfenicol và axít chlorogenic thì mật độ vi khuẩn Vibrio thấp hơn đồng thời các chỉ số miễn dịch của tôm cao hơn so với các nghiệm thức sử dụng đơn lẻ từng loại thuốc. Ngoài ra, cấu trúc tuyến gan tụy của tôm ở nhóm sử dụng kết hợp florfenicol và axít chlorogenic tốt hơn so với nhóm sử dụng đơn lẻ từng loại thuốc. Như vậy, việc sử dụng kết hợp 2 loại thuốc florfenicol và axít chlorogenic có tác dụng cải thiện tỷ lệ sống, sức kháng bệnh và khả năng miễn dịch của tôm khi gây cảm nhiễm bằng vi khuẩn VPAHPND so với sử dụng từng loại thuốc. Ngoài ra, kết quả cho thấy, khi sử dụng kết hợp 2 loại thuốc thì có thể giảm lượng florfenicol sử dụng, từ đó giảm dư lượng kháng sinh tích tụ trong tôm và môi trường.

(TS. Trần Nguyễn Hải Nam, Khoa Phát triển nông thôn, Đại Học Cần Thơ, lược dịch từ nguồn: https://doi.org/10.1016/j.aquaculture.2021.737462; truy cập ngày 14/08/2022)

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 10

Hôm qua 99

Trong tuần 837

Trong tháng 4591

Tất cả 77479