Khử trùng nước bằng Ozone tốt hơn so với khử trùng nước bằng tia UV khi nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopeaneus vannamei) trong hệ thống tuần hoàn (RAS)

Nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopeaneus vannamei) trong hệ thống tuần hoàn (RAS) hiện nay đang được phát triển rộng rãi ở nhiều nước. Ưu điểm của nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn là giảm lượng nước sử dụng, có tác động thấp đến môi trường, và có thể nuôi được ở mật độ rất cao từ đó có thể nâng cao năng suất nuôi tôm. Ngoài ra nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn còn có ưu điểm nữa là có thể nuôi được ở những vùng xa biển. Cơ chế cốt lõi của hệ thống tuần hoàn là phát triển và duy trì hệ vi sinh vật trong hệ thống để duy trì và cải thiện chất lượng môi trường nuôi. Hệ vi sinh vật trong hệ thống chủ yếu là nhóm vi khuẩn chuyển hóa đạm và nhóm các vi khuẩn dị dưỡng (nhóm vi khuẩn dị dưỡng là nhóm vi khuẩn có lợi nếu tồn tại ở mật độ vừa phải trong hệ thống).

Tuy nhiên khi nuôi tôm trong hệ thống tuần hoàn với mật độ cao thì dần dần lượng vật chất hữu cơ có nguồn gốc chủ yếu từ phân tôm, thức ăn dư thừa sẽ tích tụ với lượng lớn và làm mất cân bằng hệ vi sinh trong hệ thống từ đó làm tăng lượng vi khuẩn tổng và vi khuẩn nhóm Vibrio gây bệnh cho tôm. Do đó để quản lý tốt hệ thống tuần hoàn thì cần phải làm giảm lượng vi khuẩn và làm cân bằng hệ vi sinh của hệ thống. Tia UV và ozone thường được sử dụng để làm giảm lượng vi khuẩn trong hệ thống tuần hoàn. Tia UV có tác dụng làm bất hoạt vi khuẩn, tuy nhiên độ đục của nước có thể làm giảm tác dụng diệt khuẩn của tia UV. Ozone là chất có tính oxy hóa mạnh và cũng được dùng trong hệ thống tuần hoàn để tiêu diệt vi khuẩn, virus và ký sinh. Bên cạnh đó ozone còn có tác dụng cải thiện chất lượng nước do nó có tác dụng oxy hóa các vật chất vô cơ và hữu cơ lơ lửng trong môi trường.

Một nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tia UV ở hai liều lượng khác nhau (7W và 9W) cũng như ảnh hưởng của việc sử dụng ozone lên hệ vi sinh trong hệ thống tuần hoàn nuôi tôm thẻ chân trắng đã được thực hiện. Hệ thống thí nghiệm bao gồm 6 hệ thống tuần hoàn, mỗi hệ thống gồm 3 bể nuôi (mỗi bể có thể tích 70 L), một bể lọc sinh học và một bể lắng (tổng thể tích 70 L). Tôm được nuôi ở độ mặn 15 ‰ với mật độ 100 con/m2. Trong thí nghiệm sử dụng tia UV, máy tạo tia UV được đặt sau bể lọc sinh học và bể lắng, nước từ bể nuôi sau khi qua bể lọc và bể lắng được bơm qua thiết bị tạo tia UV rồi đi vào bể nuôi với tốc độ 159,25 L/giờ (tương đương với 56,88 %/giờ). Trong thí nghiệm sử dụng ozone thì máy tạo ozone được đặt trong bể lọc nhưng có ngăn cách với màng lọc, nồng độ ozone được duy trì ở mức 5 – 50 mg/giờ bằng cách điều chỉnh điện thế oxy hóa khử (redox potential) trong bể nuôi ở mức 350 mV; nước sau khi xử lý bằng ozone được bơm qua thiết bị tách đạm và lọc than hoạt tính đẻ loại bỏ ozone thừa trước khi vào màng lọc. Kết quả thí nghiệm cho thấy ozone có tác dụng ổn định hệ vi sinh trong nước, trong màng lọc và trong giáp đầu ngực của tôm; làm giảm lượng nitrite và làm thúc đẩy quá trình phân rã nitrate trong nước. Trong khi đó việc sử dụng tia UV có thể là thay đổi thành phần vi sinh trong hệ thống và có hiệu quả kém hơn trong việc cải thiện chất lượng nước. Từ đó, ozone được khuyến cáo sử dụng để xử lý nước trong hệ thống tuần hoàn.

(TS. Trần Nguyễn Hải Nam, Khoa Phát triển nông thôn, Đại Học Cần Thơ, lược dịch từ nguồn: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jfd.13238; truy cập ngày 14/07/2022)

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 86

Hôm qua 118

Trong tuần 468

Trong tháng 3380

Tất cả 69098