Nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS) – Mô hình nuôi tôm đô thị, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và sản phẩm sạch

Ngày 30/09/2022, tại Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ, hội thảo - tập huấn giới thiệu “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài” (CTU-RAS)” đã được tổ chức trong khuôn khổ Dự án hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), với sư hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và dự án MAIC và dự án DeMAASERD.

Tham gia hội thảo tập huấn đợt này có 60 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật các Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Chi cục thủy sản, Trung tâm khuyến nông tất cả các tỉnh nước lợ ở ĐBSCL và các hợp tác xã trong vùng triển khai dự án (Tỉnh Sóc Trăng). Chủ trì hội thảo có GS TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, và PGS TS Lê Quốc Việt, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Hải sản.

Chương trình hội thảo tập huấn gồm (i) Tham quan giới thiệu mô hình nuôi tôm CTU-RAS đang triển khai tại  Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ và (ii) Hội thảo về các xu hướng tiếp cận mới trong phát triển nuôi tôm biển công nghệ cao và bền vững; trao đổi các kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo mô hình CTU-RAS của Trường Đại học Cần Thơ thời gian qua; và thảo luận, đề xuất hợp tác ứng dụng mô hình vào sản xuất trong thời gian tới.

            Tiếp theo Hội thảo, giới thiệu mô hình CTU-RAS trong hệ thống ao lót bạt, đã được triển khai trước đây tại Trại thực nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ tại Vĩnh Châu (https://sdmd2045.ctu.edu.vn/maic/t-a-dam-h-i-th-o-t-p-hu-n/107-hoi-thao-ve-mo-hinh-moi-va-tien-tien-nuoi-tom-the-chan-trang-sieu-tham-canh-trong-he-thong-tuan-hoan-ket-hop-da-loai-ctu-ras), hội thảo kỳ này giới thiệu mô hình CTU-RAS có thiết kế mới, phù hợp với nhiều điều kiện và qui mô khác nhau, có thể ứng dụng ở vùng đô thị nôi địa hay vùng ven biển, bao gồm các hệ thống với các bể nổi nuôi tôm (100m3) và bể lọc sinh học đa loài (36m3).

            Qua 3 năm nghiên cứu và triển khai với các qui mô khác nhau, hệ thống tuần hoàn CTU-RAS cho thấy rất khả thi về vận hành, ổn định về kết quả. Tôm nuôi trên bể hay ao lót bạt (10-500m3), với mật độ 250 – 300 con/m3, thời gian 56 – 84 ngày nuôi, tỷ lệ sống của tôm trên 80%, năng suất 35-45 tấn/ha/vụ; 3-4 vụ /năm, lượng thức ăn viên sử dụng từ 1,03 – 1,14 và lượng bí đỏ 0,23 – 0,35 kg/ kg tôm thương phẩm. Đặc biệt, ưu điểm quan trong của hệ thống CTU-RAS là:

  • Thân thiện môi trường (tuần hoàn nước hoàn toàn; nước thải và chất thải được xử lý qua lọc sinh học)
  • An toàn sinh học, hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh
  • Giảm sử dụng và giảm chi phí thức ăn, khoáng và hóa chất, nước
  • Sản phẩm sạch, tự nhiên, chất lượng cao, an toàn thực phẩm (không dùng kháng sinh, sử dụng thức ăn thiên nhiên là bí đỏ)
  • Có khả năng thích ứng tốt với Biến đổi khí hậu (do kiểm soát và ổn định tốt môi trường)
  • Có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào quản lý, vận hành.
  • Có khả năng triển khai ở các qui mô nhỏ - lớn khác nhau, nông hộ - công ty, ở vùng ven biển hay đặc biệt là vùng đô thị nội địa, phục vụ sản phẩm sạch, chất lượng cao và tươi sống cho đô thị.  

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đánh giá rất tích cực về mô hình mới này. Trong khuôn khổ hỗ trợ của GIZ, mô hình CTU – RAS đang được bắt đầu triển khai với qui mô nông hộ tại Sóc Trăng. Các khóa tập huấn, chuyển giao công nghệ sẽ được tiếp tục triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.

 

Đại biểu tham quan hệ thống nuôi tôm tuàn hoàn (CTU-RAS) qui mô bể 40m3 tại Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ

 

Đại biểu tham quan hệ thống nuôi tôm tuần hoàn (CTU-RAS) qui mô bể 100m3 tại Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ

 

Cho tôm ăn bí đỏ - Công trình nghiên cứu và ứng dụng quan trọng của Trường Đại học Cần Thơ

GS Trần Ngọc Hải giới thiệu về xu hướng mới trong nuôi tôm công nghê cao và bền vững và mô hình CTU-RAS

PGs TS Lê Quốc Việt giới thiệu kết quả nghiên cứu, triển khai và qui trình CTU-RAS

 

Các đại biểu thảo luận sôi nổi và đề xuất hợp tác triển khai

 

 

   

Tôm sạch – Sản phẩm nuôi tại Trường Đại học Cần Thơ

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 15

Hôm qua 99

Trong tuần 842

Trong tháng 4596

Tất cả 77484