Page 22 - Toan canh nguon nhan luc DBSCL va vai tro cua truong DHCT
P. 22
“Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của những tổ chức (với quy mô, loại
hình, chức năng khác nhau), có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình
phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, khu
vực và thế giới”. Bên cạnh đó, theo Milkovich and Boudreau (1997) “Nguồn
nhân lực là tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân bảo
đảm nguồn sáng tạo cùng các nội dung khác cho sự thành công, đạt được mục
tiêu của tổ chức”. Với cách tiếp cận này, nguồn nhân lực là người lao động
đang tham gia lao động trực tiếp tại một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp,…
cụ thể. Đây được xem là nhân sự của tổ chức và liên quan chặt chẽ đến vấn
đề quản trị nhân sự.
Qua phân tích cho thấy, quan điểm của những nhà khoa học trong và
ngoài nước tuy có điểm khác nhau trong quan niệm về nguồn nhân lực nhưng
nhìn chung đều phản ảnh được một số đặc điểm quan trọng của nguồn nhân
lực như sau:
Một là, nguồn nhân lực là nguồn lực con người, là bộ phận của dân số
gắn với cung lao động và phản ánh khả năng lao động của xã hội, địa phương
hoặc tổ chức, tạo ra của cải vật chất, tinh thần chủ yếu cho xã hội, quyết định
sự tồn tại, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Hai là, khi đề cập đến nguồn nhân lực của quốc gia, địa phương hay tổ
chức nào, vấn đề quan trọng đầu tiên thường được đề cập là việc xác định số
lượng nguồn nhân lực, hiện tại có bao nhiêu người, dư thiếu bao nhiêu và cần
có thêm bao nhiêu người nữa trong tương lai.
Ba là, là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực với sự tổng hợp của nhiều
yếu tố như trí tuệ, trình độ, sự hiểu biết, đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe, thể
lực,… Trong đó, trí lực, tâm lực và thể lực là 03 yếu tố quan trọng trong việc
xem xét, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực.
Bốn là, cơ cấu nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu khi đánh giá
nguồn nhân lực và được thể hiện trên các phương diện khác nhau như cơ cấu
trình độ đào tạo, giới tính, độ tuổi, lĩnh vực, ngành nghề, chức trách nhiệm
vụ, vùng miền,…
Từ những quan điểm và các cách tiếp cận nêu trên, dưới góc độ tổng
quát, khái niệm nguồn nhân lực có thể được hiểu: nguồn nhân lực là thành tố
hạt nhân trong các nguồn lực, là nguồn lao động bao gồm tổng thể các yếu
tố về số lượng, chất lượng, cơ cấu tạo nên khả năng, tiềm năng của người lao
động và cộng đồng xã hội, có thể huy động vào quá trình phát triển kinh tế -
xã hội ở hiện tại lẫn tương lai.
8