Page 40 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 40
triệu tấn phù sa. Chính lượng nước và khối lượng phù sa đó trong quá trình
bồi đắp lâu dài đã tạo nên ĐBSCL ngày nay (Bình, 2015).
Chế độ thủy văn của vùng ĐBSCL có 3 đặc điểm nổi bật (Hiền, 2012):
▪ Nước ngọt và lũ lụt vào mùa mưa chuyển tải phù sa, phù du, ấu trùng;
▪ Nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất nhiễm phèn;
▪ Nước mặn vào mùa khô ở vùng gần phía biển.
Trong những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn là vấn đề lớn của
vùng. Thông thường từ trung tuần tháng 3 hoặc tháng 4, hạn hán, xâm nhập
mặn mới diễn ra, nhưng năm 2011, ngay từ giữa tháng 2, nhiều địa phương
trong vùng ĐBSCL đã phải đối phó với hạn, mặn (Viện, 2011). Nước trên các
sông Cổ Chiên, Cửa Đại, Hàm Luông bị nhiễm mặn 4‰ sâu vào nội địa 30-
35 km, hơn 1.000 ha lúa bị thất thu. Trên cửa Trần Đề, nước mặn cũng đã lấn
sâu khoảng 30 km. Tình trạng xâm nhập mặn cũng diễn ra phức tạp vào mùa
khô năm 2016 và năm 2020. Rõ ràng xâm nhập mặn đang đe dọa vựa lúa lớn
nhất của cả nước và sẽ xảy ra rất gay gắt trong thời gian tới, tình trạng thiếu
nước ngọt tại những vùng tiếp giáp với khu vực ven biển sẽ còn gia tăng.
2.1.3 Biến đổi khí hậu
Trong khoảng hai thập niên vừa qua, các dấu hiệu của biến đổi khí hậu
và nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ hơn lên vùng đồng bằng, nhiều hiện
tượng thiên tai, thời tiết bất thường đã được ghi nhận. Hầu hết mọi hoạt động
canh tác nông nghiệp đều bị chi phối lớn bởi các yếu tố khí hậu, thời tiết. Sự
bất thường của thiên nhiên sẽ gây nên những tổn thất về năng suất và sản
lượng hoặc làm gia tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Mức độ
gia tăng về tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan đến khu
vực sẽ làm gia tăng mối đe dọa an ninh lương thực và tạo nên những biến
động tiêu cực đến cộng đồng nông thôn như hiện tượng suy giảm nguồn tài
nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác và cư trú. Hiện nay và trong
tương lai, các luồng di dân từ nông thôn lên các vùng đô thị sẽ diễn ra nhanh
hơn và tạo ra những hệ lụy xấu về mặt xã hội cũng như môi trường (Tuấn và
ctv., 2012). Nhiều báo cáo và dẫn chứng khoa học đã chỉ ra rằng Việt Nam,
đặc biệt vùng ĐBSCL, là một trong các “điểm nóng” về biến đổi khí hậu và
nước biển dâng trên thế giới, gây nên nhiều tổn thương cho sinh kế của người
dân (Chaudhry & Ruysschaert, 2008; IPCC, 2007; Watkins, 2007).
29