Page 42 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 42

Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng có hai mặt, lợi và hại. Vấn đề đặt ra là
          không chỉ nghiên cứu những tác động tiêu cực mà cần phải chú ý đến cả những
          mặt tích cực để từ đó đề xuất giải pháp phù hợp. Nhằm làm cho ĐBSCL thích
          ứng được với biến đổi khí hậu. Cần phải nhìn nhận, phân biệt được tác động
          tốt, xấu, đề xuất biện pháp quy hoạch thủy lợi thỏa đáng vừa đảm bảo an ninh
          lương thực, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (Viện, 2011).


               2.2  SỬ DỤNG ĐẤT Ở ĐBSCL
               2.2.1  Sử dụng đất cho phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL

               Diện tích đất tự nhiên của ĐBSCL là 4,09 triệu ha. Theo số liệu thống
          kê đất đai năm 2020 (Hình 2.5), đất nông nghiệp chiếm 3,4 triệu ha (chiếm
          khoảng  82,79%;  đất  phi  nông  nghiệp  có  656  nghìn  ha  (chiếm  khoảng
          16,03%), đất chưa sử dụng còn 48,04 nghìn ha (chiếm 1,17%).

               ĐBSCL được xem là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm
          của cả nước. Sản xuất lúa, cây ăn trái và thủy sản của khu vực luôn chiếm vị
          trí hàng đầu của cả nước. Do đó, những thập kỷ vừa qua, kinh tế của vùng
          vẫn dựa vào lợi thế của sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, ngành nông nghiệp
          chiếm khoảng 32,3% GDP của ĐBSCL (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
          thôn (Bộ NN&PTNT, 2020) với khoảng hơn 2/3 diện tích đất của ĐBSCL
          được đang sử dụng cho mục đích nông nghiệp.

               ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước (chiếm
          khoảng 20% thị phần lúa gạo toàn cầu, với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 là
          khoảng 2 tỷ USD) góp phần đưa Việt Nam nằm trong ba nước xuất khẩu gạo
          hàng đầu thế giới, cùng với Thái Lan và Ấn độ. Xuất khẩu trái cây của đồng
          bằng tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua với kim ngạch xuất khẩu
          năm 2016 khoảng 1,1 tỷ USD (Bộ NN&PTNT, 2020).
               Đối với thủy sản, kim ngạch xuất khẩu cao (khoảng 7 tỷ USD) nhưng
          lợi nhuận cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị thủy
          sản không cao, do lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tình hình dịch bệnh,
          sử dụng hóa chất, chất cấm và thuốc kháng sinh trong nuôi trồng, chi phí cho
          hoạt động xuất khẩu gia tăng (vận tải và logistic,…), và thuế chống bán phá
          giá và các biến động thị trường. Hầu như toàn bộ sản lượng cá tra xuất khẩu
          đến từ ĐBSCL với sản lượng hơn 1 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu năm
          2016 là khoảng 1,7 tỷ USD. Sản xuất tôm của vùng chiếm hơn 80% sản lượng
          của cả nước, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, với kim
          ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 3,15 tỷ USD) (Bộ NN&PTNT, 2020).



                                                                                 31
   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47