Page 293 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 293

(ii) Sự rối loạn sinh lý sau thu hoạch

               Theo Strano et al. (2017), tốc độ hô hấp và lượng nhiệt được giải phóng
          khỏi quả có ảnh hưởng lớn nhất đến tỷ lệ hư hỏng quả nói chung và quả có
          múi ngay sau thu hoạch. Làm lạnh quả ngay sau thu hoạch, giúp giải phóng
          lượng nhiệt có trong nguyên liệu, cũng như các giải pháp kết hợp tiếp theo
          giúp hạn chế sự thoát hơi nước, điều chỉnh sự hô hấp của quả là vấn đề trọng
          tâm cho quá trình xử lý, sơ chế, bảo quản và vận chuyển quả có múi.

               Tuy nhiên, việc điều khiển nhiệt độ quá thấp là một vấn đề không mong
          muốn trong bảo quản quả có múi, nguyên nhân do sự tổn thương lạnh (chilling
          injury, CI). Đối với quả có múi, nhiệt độ bảo quản ở trên điểm đóng băng
          nhưng dưới 9C (thông thường 0-9C) và thời gian tiếp xúc ở mức nhiệt độ
          này kéo dài là nguyên nhân dẫn đến sự tổn thương lạnh ở quả, tạo những hiện
          tượng sụp bề mặt, tạo những đốm nâu trên bề mặt quả và là nguyên nhân dẫn
          đến sự phát triển của nấm mốc, sự úng thối quả và cả sự già hóa của quả
          (Lafuente & Zacarias, 2006). Mức độ tổn thương lạnh phụ thuộc vào loài,
          giống, giai đoạn trưởng thành và vị trí của cây trồng. Với đặc tính của quả
          thuộc nhóm không có hô hấp đột phát, mức độ chín – mức độ thuần thục của
          quả khi thu hoạch là yếu tố có tác động rất lớn đến khả năng duy trì chất lượng
          quả trong quá trình tồn trữ. Chính vì thế, các yếu tố chính quyết định chất
          lượng quả có múi, đặc biệt là các chất chuyển hóa và những thay đổi chính
          trong quá trình chín của quả đã được tìm hiểu. Các chỉ số thể hiện độ thuần
          thục của quả trong ngành công nghiệp cam quýt thường dựa trên màu vỏ, tỷ
          lệ dịch quả, tỷ lệ chất rắn hòa tan/acid hòa tan nhưng mức độ liên quan của
          chúng có thể khác nhau giữa các giống và yêu cầu cụ thể của thị trường. Đồng
          thời, các thông số này còn chịu tác động bởi điều kiện môi trường, chế độ
          chăm sóc, nuôi dưỡng, nguồn đất hay vị trí canh tác. Bên cạnh các yêu cầu
          thương mại, một định nghĩa toàn diện hơn về chất lượng trái cây cũng đã quan
          tâm đến các đặc tính dinh dưỡng của quả, được xác định bởi sự tương tác
          phức tạp giữa một số thành phần có hoạt tính sinh học (Lado et al., 2018).
          Ngoài ra, điều kiện vệ sinh ngay và sau thu hoạch cũng là yếu tố có tác động
          đến hoạt động của Penicillium spp., làm giảm chất lượng quả (Strano et al.,
          2017). Nhìn chung, để kéo dài thời gian tồn trữ quả có múi, duy trì giá trị
          thương phẩm của quả, việc xử lý, sơ chế kết hợp, bao gồm kiểm soát tốc độ
          hô hấp, ngăn cản sự phát triển của nấm mốc, vi sinh vật gây bệnh trên bề mặt
          quả và cả điều kiện môi trường là các giải pháp phổ biến đã được nhiều nhà
          khoa học nghiên cứu và đề xuất.




          282
   288   289   290   291   292   293   294   295   296   297   298