Page 187 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 187
Hiện khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình nhà màng, nhà lưới trồng rau
từ kiểu đơn giản cho đến hiện đại, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, rất nhiều
cánh đồng trồng rau màu sử dụng màng phủ nông nghiệp, một số nông dân
vùng chuyên canh đã trồng cây rau ghép và đã xuất hiện một số ít vườn ươm
cây giống rau ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng với hệ thống gieo hạt
tự động, nhiều cơ sở sản xuất rau đã được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn
thực hành nông nghiệp tốt (GAP), một số mô hình trồng rau hữu cơ bước đầu
đã thu được thành công nhất định, khắc phục được phần nào ảnh hưởng của
biến đổi khí hậu và dịch hại, đã cung cấp cây giống tốt, nâng cao năng suất,
chất lượng, độ an toàn. Bên cạnh nâng cao kỹ thuật sản xuất, còn liên kết các
nông dân với nhau thành HTX và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản
phẩm, tạo ra hướng phát triển rau màu bền vững.
8.4.2 Chuỗi giá trị ngành hàng cây rau màu
Sản lượng rau ở ĐBSCL năm 2021 gần 4,8 triệu tấn rau màu các loại
(chiếm 46% tổng sản lượng của các tỉnh phía Nam, ước tính trong quý I/2022,
lượng vượt cung ở ĐBSCL lên đến khoảng 1,6 triệu tấn, trong khi đó ở các
tỉnh miền Đông Nam Bộ lại thiếu hụt đến 140 nghìn tấn (Bộ NN&PTNT,
2022). Câu chuyện này đặt ra cho các tác nhân tham gia trong CGT rau màu
phải suy nghĩ đến việc mở rộng kênh phân phối nội địa đến các địa phương
khác nằm ngoài vùng ĐBSCL, thậm chí xa hơn nữa phải tính đến việc xuất
khẩu một số loại rau màu sang các quốc gia khác. Hoặc phải nghĩ đến việc
phát triển các sản phẩm GTGT từ rau màu để giải quyết bài toán vượt cung
này. Bên cạnh bài toán vượt cung, ngay cả với lượng sản phẩm đã tiêu thụ
được, những tác nhân tham gia trong CGT rau màu còn phải đối phó với rất
nhiều khó khăn từ nội bộ của ngành hàng và những thách thức từ môi trường
kinh doanh bên ngoài dẫn đến. Qua kết quả phân tích CGT một số sản phẩm
của các nhà khoa học, cũng như đánh giá của những chuyên gia trong ngành
trong những năm gần đây cho thầy, có một số khó khăn và thách thức đã tạo
nên những điểm nghẽn làm kìm hãm sự phát triển của CGT ngành hàng rau
màu ở ĐBSCL.
Những điểm nghẽn chính có thể được kể đến bao gồm: i) Mối liên kết
ngang và dọc của các tác nhân tham gia trong CGT rau màu còn rất hạn chế,
do vậy chưa xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung để tạo tiền đề
cho việc liên kết với người mua (công ty/doanh nghiệp chế biến xuất khẩu,
chủ vựa lớn ở các thành phố lớn, siêu thị,…). Trong khi nhà nước có rất nhiều
chính sách để khuyến khích vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm nông sản nói chung và rau màu nói riêng. Hệ quả của sự yếu kém này
176