Page 268 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 268

Chăn nuôi tuần hoàn là mô hình mới theo lý thuyết, nhưng trong thực
          tiễn, người chăn nuôi đã áp dụng ở từng khâu, và hiện nay thì đang được áp
          dụng phổ biến ở các trang trại theo mô hình tuần hoàn, đây cũng là định
          hướng quan trọng trong tái cơ cấu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
          thôn về chăn nuôi. Một trong những định hướng quan trọng để phát triển
          ngành chăn nuôi là chăn nuôi phải gắn liền với bảo vệ và thân thiện với môi
          trường, muốn đạt được định hướng này thì giải pháp là thực hiện chăn nuôi
          tuần hoàn. Trong đó việc áp dụng các công nghệ đặc biệt là các công nghệ
          của cuộc cách mạng thứ 4 như: công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học…
          đang trở thành bí quyết để thực hiện tốt chăn nuôi tuần hoàn.

               10.3.2  Dinh dưỡng vật nuôi và một số công nghệ mới
               Những thành tựu của khoa học dinh dưỡng vật nuôi của Việt Nam kết
          hợp với các công nghệ được du nhập bởi các công ty thức ăn gia súc đã cho
          phép Việt Nam sánh vai với một số ít nước có công nghiệp thức ăn vật nuôi
          tiên tiến về kỹ thuật và quy mô lớn về số lượng sản phẩm.

               Thành tựu của khoa học dinh dưỡng cho phép các công ty của Việt
          Nam sản xuất được hầu hết các loại thức ăn thỏa mãn nhu cầu của vật nuôi
          theo từng giai đoạn sinh trưởng. Sản phẩm thức ăn vật nuôi hiện nay đã rất
          đa dạng về mẫu mã để người chăn nuôi tự do chọn lựa cho tiêu thụ nội địa
          cũng như xuất khẩu.

               Các công nghệ sản xuất thức ăn vật nuôi đã được đa dạng hóa để thỏa
          mãn tập tính tiêu thụ của từng loại, hạng, lứa tuổi của vật nuôi. Ngoài việc
          thỏa mãn về chất lượng dinh dưỡng của thức ăn các công nghệ mới cũng đã
          được sử dụng nhằm thỏa mãn các đòi hỏi của người chăn nuôi về mặt lý tính
          của thức ăn. Thức ăn viên, thức ăn mảnh được sản xuất theo kích thước phù
          hợp với lứa tuổi của vật nuôi. Tỷ lệ bụi, nát của thức ăn cũng đã được cải
          thiện từng ngày để hạn chế hao hụt trong nuôi dưỡng.

               10.4  CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH HÀNG CHĂN NUÔI Ở ĐBSCL

               10.4.1  Chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo

               Một cách tổng quát, chuỗi giá trị trong chăn nuôi heo ở ĐBSCL bao
          gồm các công đoạn: sản xuất con giống, chăn nuôi heo thịt, thu mua, giết
          mổ và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Chuỗi giá trị trong chăn
          nuôi heo còn có một kênh là sản phẩm phụ tái chế được sử dụng như là
          nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp hoặc năng lượng như phân
          chuồng, phân vi sinh, biogas, điện.


                                                                                257
   263   264   265   266   267   268   269   270   271   272   273