Page 237 - SDMD CNKT va CNTT trong tien trinh CNH_HDH DBSCL
P. 237
dù quá trình chín và đổi màu thịt đang diễn ra. Việc bao trái với các vật liệu
khác nhau cũng có thể làm thay đổi màu sắc trong thịt quả. Vị trí trái thu
hoạch trên cây với mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khác nhau cũng dẫn
đến màu vỏ và tốc độ trưởng thành sinh lý khác nhau. Đây có thể là nguyên
nhân số lượng công trình liên quan đến thị giác máy tính trong lĩnh vực đánh
giá chất lượng trái cây có phần khiêm tốn hơn so với phương pháp phân tích
quang phổ trong thời gian gần đây (Hình 11.5).
Một số kết quả khảo sát tổng quan về đánh giá nông sản dựa trên thị
giác máy tính được trình bày bởi (Tripathi & Maktedar, 2020). Nhìn chung,
thị giác máy tính được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực phân loại trái cây
dựa vào các tiêu chí bên ngoài. Ứng dụng thị giác máy tính để dự đoán hay
đánh giá tiêu chí chất lượng bên trong gặp một số hạn chế và cần lưu ý đến
mức độ tương quan giữa các tiêu chí nội quả với đặc tính bên ngoài của trái.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tính khả thi và hiệu quả của việc kết hợp thị giác
máy tính với phương pháp phân tích quang phổ để việc đánh giá các chỉ tiêu
chất lượng nội quả như SSC, độ chín, độ cứng (Devassy & George, 2021;
Velásquez et al., 2024b).
11.4.3 Công nghệ đặc tính âm học
Phương pháp không phá hủy dựa trên công nghệ đặc tính âm học đã
được áp dụng khá sớm thông qua việc đánh giá một vài thông số truyền dẫn
để xác định mối quan hệ định lượng với độ chín, độ cứng và các đặc tính liên
quan đến chất lượng khác của trái cây. Đáp ứng âm thanh cũng được sử dụng
để phân loại độ trưởng thành, độ chín của trái cây. Công nghệ này cũng có
thể được áp dụng để đo độ rỗng ruột của một số loại trái cây như dưa hấu
(Zhang et al., 2019b; Tran et al., 2024) và xác định các khiếm khuyết bên
trong quả (Mao et al., 2016; Wiktor et al., 2016) Kỹ thuật này có ưu điểm là
giá thành thấp, độ nhạy và khả năng đáp ứng cao. Tuy nhiên, nó có một số
hạn chế nhất định là tốn nhiều thời gian và dễ bị nhiễu từ môi trường xung
quanh (Jie & Wei, 2018). Công nghệ này tỏ ra hiệu quả khi áp dụng cho một
số loại trái cây có vỏ dày, hay bề mặt gồ ghề như sầu riêng (Timkhum &
Terdwongworakul, 2012) (Kharamat et al., 2020). Ưu điểm, nhược điểm và
khả năng ứng dụng công nghệ này được trình bày chi tiết trong nghiên cứu
tổng quan của Ding et al. (2021).
11.4.4 Khứu giác điện tử
Khứu giác điện tử (electric nose), một giải pháp chi phí thấp đã được
áp dụng trên nhiều loại quả như: đào, lê, dâu, táo, xoài, chuối, nho, cà chua
223