Page 81 - Toan canh nguon nhan luc DBSCL va vai tro cua truong DHCT
P. 81
và phần lớn lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể. Thực trạng này
vừa là hệ quả của sự phát triển kinh tế của vùng, đó là các lĩnh vực kinh tế
chưa hấp thu được lao động địa phương, vừa là nguyên nhân dẫn đến những
bất ổn của thị trường lao động liên quan đến chế độ phúc lợi của người lao
động, chất lượng lao động thấp (tỷ lệ chưa qua đào tạo cao), thiếu hụt lao
động có kỹ năng đối với một số lĩnh vực trọng tâm như logistic, dịch vụ du
lịch, nông nghiệp công nghiệp cao,…
Mặc dù không có số liệu thống kê về thu nhập của lao động tại vùng
ĐBSCL, theo số liệu thống kê từ Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm
2021, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động làm việc tại doanh nghiệp
siêu nhỏ chỉ đạt mức 6.940.000 đồng, so với mức 8.066.000 đồng tại doanh
nghiệp nhỏ, hoặc 8.904.000 đồng và 10.176.000 đồng tại doanh nghiệp vừa
và lớn. Điều này cho thấy lao động cần được đào tạo, trang bị kỹ năng để có
cơ hội làm việc trong lĩnh vực kinh tế chính thức và vị trí công việc tốt hơn
nhằm cải thiện thu nhập và thu hưởng được các chế độ an sinh xã hội.
Một trong những chương trình quốc gia được triển khai trong những
năm gần đây nhằm tạo được cơ hội khởi nghiệp và giải quyết việc làm cho
lao động địa phương, lao động nông thôn đó là chương trình mỗi xã một sản
phẩm (one commune - one product [OCOP]), chương trình này dần dần tạo
được cơ hội cho các cơ sở kinh doanh cá thể đầu tư để chuẩn hoá sản phẩm
và mở rộng thị trường tiêu thụ; từ đó sẽ góp phần thu hút lao động địa phương
cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, nguồn nguyên liệu địa phương.
Đồng thời, sự ứng dụng công nghệ thông tin và đơn giản thủ tục hành
chính như đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai báo thuế,… đã góp phần tạo
động lực cho các chủ cơ sở kinh doanh cá thể tự tin, mạnh dạn chuyển đổi
sang đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sự chuyển đổi loại hình kinh doanh
chắc chắn sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động qua đào tạo thông qua
các dịch vụ thuê ngoài hỗ trợ doanh nghiệp.
67