Page 318 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 318

11.3.4  Mô hình ứng dụng hiệu quả cho một số ngành hàng nông
          thủy sản

               Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định
          hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình
          Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là xu thế tất yếu nhằm
          đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy
          thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.
          Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, xem chất thải là tài
          nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán
          từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn
          có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái
          tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất.

               Kinh tế tuần hoàn trong chế biến nông thủy sản sau thu hoạch là quá
          trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phẩm, phụ phẩm của
          quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến
          bộ kỹ thuật, các công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ hóa
          lý,... Nhờ đó, việc chế biến nông thủy sản sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên
          một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch,
          tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt
          tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con
          người. Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn năm 2018 đã
          thể hiện sự chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong
          lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng giống như nền kinh tế nói
          chung, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đến nay chưa đầy đủ và đúng nghĩa,
          song một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã và đang xuất hiện trong
          nghiên cứu lẫn trong sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội cho kinh tế tuần hoàn
          trong chế biến dần dần phát triển.

               Từ xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn, trong 10 năm gần đây các nhóm
          nghiên cứu trong lĩnh vực bảo quản và chế biến ở Trường Đại học Cần Thơ
          đã và đang tạo ra những sản phẩm mới với nguyên liệu đầu vào là các phụ,
          phế phẩm của công nghiệp chế biến nhằm sử dụng một cách triệt để tài nguyên
          quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị nông thủy sản. Mô
          hình nghiên cứu chế biến tôm và cá lóc theo hướng kinh tế tuần hoàn được
          mô tả trong Hình 11.5 và Hình 11.6.






                                                                                307
   313   314   315   316   317   318   319   320   321   322   323