Page 282 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 282
chưa được áp dụng. Sản phẩm từ cá nước ngọt chỉ được khai thác chính ở
hai dạng là khô và mắm (đặc biệt là cá lóc), quy trình sản xuất theo phương
pháp truyền thống, thủ công. Vấn đề này có thể thấy rõ ở các làng nghề chế
biến khô cá, mắm cá ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Song song đó, một số
địa phương có số lượng ao nuôi cá nước ngọt gia tăng như ở tỉnh Vĩnh Long,
Trà Vinh nhưng lại không có cơ sở chế biến, sản xuất các sản phẩm tương
ứng (Mười, 2017a, 2017b).
(5) Tôm sú và tôm thẻ chân trắng là nguồn thủy sản xuất khẩu lớn nhất
Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ tôm thẻ chủ yếu ở dạng sơ
chế theo đặt hàng của thị trường nhập khẩu, chủ yếu là Nhật Bản. Việc sơ
chế/chế biến tôm đã tạo ra một lượng lớn phụ phẩm từ đầu tôm, vỏ tôm (chiếm
tỷ lệ cao xấp xỉ 45%) vẫn chưa được khai thác, tận dụng một cách hiệu quả.
Một tỷ trọng rất cao nguồn phụ phẩm tôm còn lại hiện chỉ được tiêu thụ thực
tế như nguồn thức ăn gia súc, giá thu mua rất thấp, thậm chí gần như bằng 0.
Đây cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con
người nếu không được xử lý phù hợp. Ngoài ra, dựa trên thông tin thực tế từ
Công ty cổ phần Chế biến và Xuất khẩu Tôm Việt – Bạc Liêu và Công ty cổ
phần Thủy sản Sóc Trăng, tỷ lệ tôm gãy, tôm loại 2 (chiếm khoảng 2% tổng
sản lượng) có giá bán rất thấp, giảm còn 30-50% giá tôm loại 1, vẫn chưa có
hướng sử dụng hiệu quả.
(6) Các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống như tôm khô, cá khô,
mắm,… chưa chú trọng đến việc bảo quản, giữ ổn định chất lượng nguyên
liệu đầu vào; sử dụng chủ yếu nguồn thủy sản nuôi quy mô nông hộ, sản lượng
nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
(7) Việc phát triển sản phẩm đặc hữu có nhiều lợi thế trong nước từ
nguồn nguyên liệu phụ phẩm thủy sản vẫn chưa được chú trọng. Trừ cá da
trơn, các phụ phẩm từ thủy sản nội đồng khác đều chưa được khai thác. Các
nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chỉ tập trung ở khâu nuôi trồng, chỉ
một số ít các nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến hay tạo ra sản phẩm
mới được thực hiện, tập trung ở khâu xử lý phụ phẩm.
Chính vì vậy, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phù hợp để khai thác
hiệu quả nguồn nguyên liệu tôm và cá nước ngọt ở ĐBSCL, nâng cao giá trị
thương phẩm, góp phần thúc đẩy sự ổn định kinh tế của người nuôi thủy sản
trong vùng là vấn đề cần được quan tâm.
271