Page 280 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 280
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2022, xuất khẩu tôm của
Việt Nam năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020. Bước sang
6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm dạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng
kỳ và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản (gần 5,8 tỷ USD). Tuy
nhiên, các sản phẩm xuất khẩu tập trung phần lớn ở dạng sản phẩm đông
lạnh. Điều này thể hiện ở việc cả nước hiện có đến 350 cơ sở chế biến tôm
ở quy mô công nghiệp.
Cùng với tôm, cá tra cũng là mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của
Việt Nam, đây là nguồn thủy sản được khai thác chủ yếu tại khu vực ĐBSCL.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (2020), tổng diện tích thả nuôi cá tra
của ĐBSCL ước đạt 5.700 ha và tổng sản lượng thu hoạch đạt 1,56 triệu tấn,
trong đó các tỉnh có diện tích nuôi lớn, sản lượng cá tra tăng mạnh là Đồng
Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ. Diện tích nuôi tôm sú vùng ĐBSCL
chiếm 94,3%, tôm thẻ chân trắng chiếm 75,8% so với nuôi tôm cả nước; tương
ứng sản lượng tôm sú vùng ĐBSCL chiếm 94,7%, tôm chân trắng chiếm
74,4% so với sản lượng nuôi tôm của cả nước. Cùng với tôm và cá tra, các
thủy sản nội đồng khác, điển hình như cá rô, cá rô phi, cá điêu hồng và đặc
biệt là cá lóc đang được nuôi tự phát với quy mô ngày càng mở rộng ở nhiều
địa phương trong khu vực ĐBSCL.
11.1.1 Thành tựu đạt được trong chế biến
Nhu cầu thực phẩm toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là thủy sản, đã
góp phần thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gia tăng đáng kể. Theo
đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2021, dựa trên dữ liệu của Hiệp hội
chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Nam và ctv., 2021), các thành tựu
đã đạt được trong lĩnh vực phát triển thủy sản của ĐBSCL là:
(1) Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng từ 1,8 tỷ USD năm 2000 lên gần
8,6 tỷ USD năm 2019, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản lớn
thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy. Các thị trường xuất khẩu chính là EU,
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.
(2) Cá tra là ngành hàng xuất khẩu chính của ĐBSCL. Đây là nguồn
thủy sản được nuôi ở quy mô lớn, tạo được chuỗi cung ứng cá tra hoàn chỉnh.
Các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra và từ nguồn phụ phẩm đã được chú
trọng tốt.
(3) Tôm (chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng) chiếm khoảng
40-45% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là cá tra, chiếm khoảng 20-22%.
Thủy sản nuôi trồng chiếm khoảng 60-65% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản
năm 2019.
269