Page 258 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 258
giết mổ hiện đại đang tăng dần quy mô để tăng năng lực giết mổ và tạo ra
sản phẩm có chất lượng vệ sinh ngày càng cao hơn.
Đứng trước sự phát triển ngày càng nhanh của cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0, ngành chăn nuôi ĐBSCL cần có sự đổi mới lớn về đào tạo
nguồn nhân lực đủ kỹ năng phục vụ cho sự phát triển.
Chăn nuôi hữu cơ là xu hướng tất yếu của thế giới nhằm tạo ra sản
phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng và chăn nuôi phải là một nền sản
xuất tuần hoàn để tạo ra nhiều sản phẩm với giá trị gia tăng ngày càng cao
cũng như ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường. Không phải trong tương
lai mà ngay từ bây giờ người chăn nuôi phải tìm cách thực hiện các quy
trình này để gia tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Phụ
phẩm của chăn nuôi phải được tái sử dụng như là nguyên liệu cho các quy
trình tái chế phù hợp để tạo ra sản phẩm mới có giá trị hơn. Phương châm
của nền kinh tế chăn nuôi tuần hoàn hiệu quả là “nguyên liệu đầu vào phải
mua thì tất cả sản phẩm đầu ra phải bán được”.
Hiện nay, một số trang trại chăn nuôi ở ĐBSCL đã sử dụng chất thải
chăn nuôi làm phân bón, làm thức ăn để nuôi thủy sản nhưng nước thải vẫn
chưa được xử lý tốt. Sự phát triển các công nghệ hiện nay đã cho phép
người chăn nuôi áp dụng để xây dựng một nền chăn nuôi tuần hoàn hiệu
quả. Phân vật nuôi sẽ được dùng làm nguyên liệu ủ phân chuồng, phân vi
sinh sử dụng cho trồng trọt. Nước thải sẽ được dùng ủ biogas để sử dụng lại
trong chuồng nuôi hay sản xuất điện khí sinh học. Để thực hiện được ý
tưởng này việc quy hoạch các khu công nghiệp chăn nuôi cần được chính
quyền các tỉnh triển khai nhanh chóng để mời gọi các nhà đầu tư.
10.2 CÔNG TÁC GIỐNG TRONG CHĂN NUÔI Ở ĐBSCL
10.2.1 Vai trò của con giống
Con giống là đầu vào của công nghệ chăn nuôi. Con giống có vai trò
quyết định sự thành bại của nghề chăn nuôi. Con giống sạch bệnh sẽ quyết
định sự thành công của người chăn nuôi và chất lượng của con giống sẽ
quyết định sự chấp nhận của thị trường sản phẩm.
Trải qua một thời gian dài thích nghi với những thay đổi về thị hiếu
tiêu dùng cũng như công nghệ sản xuất, người chăn nuôi ĐBSCL đã chọn
tạo, du nhập được các giống vật nuôi hiện nay có khả năng thỏa mãn được
nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa cũng như chuẩn bị tốt cho các quy
trình chăn nuôi phục vụ xuất khẩu.
247