Page 226 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 226

b) Công nghệ nuôi tôm biển

               Diện tích và sản lượng nuôi tôm biển
               Nuôi tôm biển ở nước ta đang phát triển nhanh cả về quy mô lẫn mức độ
          thâm canh. Các hình thức quản lý trang trại cũng ngày càng được cải tiến. Nếu
          như những năm 1970, nuôi tôm của cả nước chủ yếu theo hình thức quảng canh
          thì mô hình quảng canh cải tiến xuất hiện từ những năm 1980, mô hình nuôi
          tôm bán thâm canh và thâm canh bắt đầu từ những năm 1995 và mô hình nuôi
          tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh từ năm 2010. Bên cạnh các mô hình nuôi
          tôm đơn, nhiều mô hình nuôi tôm kết hợp như tôm - rừng, tôm - lúa cũng phát
          triển trong những năm 1980 và phát triển rộng rãi cho đến nay (Quynh, 1992;
          Preston & Clayton, 2003; Nien, 2005; Hai et al., 2015).
               Về diện tích và sản lượng nuôi tôm biển, nghề nuôi tôm biển ở nước ta
          bắt đầu từ năm 1970, đến năm 1991, cả nước có 230.000 ha và sản lượng đạt
          56.000 tấn. Sự bùng nổ của nghề nuôi tôm thương phẩm được đánh dấu từ
          năm 2000 khi Nghị quyết 09/2000/NQ-CP của chính phủ Việt Nam được ban
          hành, theo đó các địa phương được phép chuyển đổi một phần diện tích đất
          trồng lúa, làm muối năng suất thấp, đất hoang hóa sang nuôi trồng thủy sản
          mà tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Năm 2005, tổng diện tích đạt đến 600.479 ha
          và sản lượng 304.257 tấn, chủ yếu là tôm sú. Đến năm 2006, ngành thủy sản
          đã cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình
          Thuận, nhưng vẫn chưa cho phép nuôi tại khu vực ĐBSCL. Năm 2006, diện
          tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 18.441 ha, sản lượng đạt được 57.185 tấn và
          tôm sú 580.550 ha với sản lượng 247.944 tấn. Đến năm 2008, Bộ Nông nghiệp
          và Phát triển Nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN&PTNT cho phép
          nuôi tôm chân trắng tại vùng ĐBSCL, từ đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng
          phát triển nhanh chóng. Năm 2013, sản lượng tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu
          vượt sản lượng tôm sú. Đến năm 2021, diện tích nuôi tôm sú là 626.000 ha,
          sản lượng đạt 265.000 tấn, còn tôm thẻ chân trắng tăng với 121.000 ha, đạt
          sản lượng vượt bậc 655.000 tấn (Hình 9.15).

















                                                                                215
   221   222   223   224   225   226   227   228   229   230   231