Page 140 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 140
Sau khi có Luật HTX năm 2012 ra đời, các HTX dần định hình sản xuất
theo ngành hàng có lợi thế của địa phương. Cùng với chính sách hỗ trợ HTX
của Chính phủ, HTX nông nghiệp tham gia với doanh nghiệp để cải tiến chuỗi
giá trị nông sản trong khâu cung ứng dịch vụ đầu vào, sản xuất và thu gom
bán phẩm thô cho doanh nghiệp. Năm 2021, có 22% tổng số HTX có liên kết
với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn (2021). Tuy nhiên, thực tế, hoạt động HTX chủ yếu là tổ chức dịch
vụ sản xuất như tưới tiêu, bón phân, xịt thuốc và đầu mối trung gian để cung
cấp vật tư sản xuất và bán sản phẩm cho doanh nghiệp hơn là liên kết kinh
doanh chính quy. Sự thay đổi chính sách sản xuất và kinh doanh nông nghiệp
cần chuyển dịch về tổ chức sản xuất và kinh doanh trong chuỗi cung ứng và
chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, hình thành vùng nguyên liệu, liên kết các
khâu trong chuỗi (như trình bày ở Hình 7.1), truy xuất thông tin nguồn gốc
sản phẩm là cần thiết. HTX là yếu tố quan trong để liên kết nông dân ở khâu
sản xuất và hình thành vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, chỉ tiêu thành tích, thiếu
thể chế hỗ trợ hoạt động và năng lực kinh doanh của HTX yếu là vấn đề quan
trọng hạn chế phát triển HTX nông nghiệp của vùng.
Kinh nghiệm về mô hình hoạt động của HTX nông nghiệp Nhật Bản có
giá trị tham khảo cho phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL trong
giai đoạn tới. Đặc điểm chung của HTX nông nghiệp Nhật Bản là hình thức
kinh doanh tổng hợp dưới hình thức hợp tác, bao gồm kỹ thuật sản xuất, dịch
vụ và thương mại (sản xuất, kinh doanh nông sản, tín dụng, bảo hiểm,...) và
ngay cả chế biến chứ không chỉ khâu sản xuất tại ruộng của nông dân. Ngày
nay, HTX nông nghiệp ở Nhật Bản mở rộng hoạt động nhiều chức năng và
kinh doanh đa ngành, không chỉ là nông nghiệp, bao gồm phát triển cửa hàng
và hệ thống siêu thị nông sản. Xu hướng phát triển HTX là là giảm số lượng,
tăng quy mô, chức năng hoạt động và chất lượng (Cần & Toàn, 2018; Sato,
2018). Đây là đặc điểm trái ngược với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói
riêng (Hình 7.6).
129