Page 321 - Toan canh nguon nhan luc DBSCL va vai tro cua truong DHCT
P. 321

12.1.2  Hưởng ứng của các cơ sở giáo dục trong đào tạo nguồn
          nhân lực

               Để có lực lượng lao động với kỹ năng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị
          trường lao động, Việt Nam cần có hệ thống giáo dục và đào tạo hoàn thiện,
          kết nối, liên thông, vận hành hiệu quả hơn. Việt Nam sẽ cần một mô hình tăng
          trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để
          hiện đại hóa - công nghiệp hóa, cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này đòi
          hỏi cần phải có một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một thị trường lao
          động cho phép học tập suốt đời và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với
          mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục -
          đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế
          bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế thị trường lao động được điều
          chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường đó. Đây cũng là hướng đi
          cần thiết để tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ, nhằm đổi mới và
          nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối
          với mọi người dân.

               Công tác quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao, nghề trọng điểm
          ở Việt Nam cần được thực hiện kịp thời làm cơ sở cho việc chuẩn bị, tổ chức
          đào tạo nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và
          quốc tế. Năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được nâng cao, kỹ năng
          nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ở các trường nghề được nâng lên, nhất
          là ở các chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp
          không ít khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân chính là nguồn lực đầu tư cho
          giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo nhân lực tay nghề cao nói riêng còn
          thấp. Hàng năm, việc hỗ trợ đầu tư cho các trường còn dàn trải, chưa tập trung
          cho các cơ sở có khả năng sớm đạt các tiêu chí trường chất lượng cao, chưa
          có quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân lực có tay nghề cao
          sát với thị trường lao động. Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh
          nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa hoàn thiện.
          Bản thân các trường thực hiện việc triển khai tự chủ chưa đồng bộ và mạnh
          mẽ. Để nâng cao chất lượng đào tạo nói chung cũng như các trường nghề chất
          lượng cao hoạt động hiệu quả, các hội đồng kỹ năng ngành, nghề cần được
          thành lập để làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo
          nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp làm căn cứ cho các cơ
          sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động
          của doanh nghiệp.




                                                                                307
   316   317   318   319   320   321   322   323   324   325   326