Page 155 - Toan canh nguon nhan luc DBSCL va vai tro cua truong DHCT
P. 155
của trường đại học vẫn có thể được khái quát là khả năng của trường được
hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng và mục tiêu do
trường đặt ra (Hoa, 2022).
Như vậy, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH có thể hiểu là khả năng của cơ
sở GDĐH được hoạt động theo cách mình lựa chọn để thực hiện sứ mạng và
mục tiêu do cơ sở GDĐH đặt ra trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực
của cơ sở GDĐH.
5.1.2 Mục đích của việc thực hiện quyền tự chủ trong cơ sở giáo
dục đại học
Mục đích của việc để các cơ sở GDĐH được tự chủ là các cơ sở này sẽ
vận hành tốt hơn nếu họ được quyết định hoạt động của chính mình. Tự chủ
sẽ tạo động lực để các cơ sở GDĐH đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong
hoạt động giáo dục và đào tạo, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa
các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. Vì
vậy, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình
nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, tức từ nhà
nước kiểm soát (state control) sang nhà nước giám sát (state supervison)
(Fielden, 2008). Nhiều quốc gia trên thế giới đã trao quyền tự chủ cho các
trường đại học như Nhật Bản thông qua Đạo luật Hiệp hội Đại học Quốc gia
năm 2003 trao quyền tự chủ về mặt pháp lý cho tất cả các trường đại học với
quyền lực nhiều hơn cho Giám đốc/Hiệu trưởng và Ban quản trị trường;
Singapore cũng thông qua một luật tương tự vào năm 2005 trao quyền tự chủ
cho 3 trường đại học của nước này hay Bang Nord Rhein-Westfalia, Đức cũng
trao quyền tự quyết định cho 33 trường đại học trong việc tuyển dụng các
giáo sư và các khóa đào tạo của trường (Hoa, 2022).
Mục đích của tự chủ còn hướng đến việc giúp các trường đại học thay
đổi tư duy, đổi mới phong cách, phương pháp làm việc và sẵn sàng chấp nhận
thách thức. Tự chủ đại học yêu cầu các trường đại học phải năng động và chủ
động trong việc lựa chọn, quyết định cách thức thực hiện các mục tiêu, sứ
mạng đã đặt ra của trường. Để thực hiện tự chủ đại học, trường đại học cần
xoá bỏ sự trông chờ, ỷ lại để phát huy tối đa sức mạnh và lợi thế cạnh tranh
của nhà trường và bản thân từng cán bộ - giảng viên (Tá, 2018). Tuy nhiên,
tự chủ đại học không có nghĩa là thương mại hóa giáo dục mà tự chủ giúp
trường đại học phát huy tối đa năng lực để tăng tính cạnh tranh nhằm nâng
cao chất lượng đào tạo, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển nhân lực và
khoa học của xã hội (Tá, 2018).
141