Page 66 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 66
năm 2050 là 23 cm và năm 2100 là 55 cm, nguy cơ ngập ở ĐBSCL cũng cao
hơn so với các khu vực khác (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021). Quản trị
tài nguyên và môi trường là một khái niệm liên quan đến cấu trúc, quy trình,
luật pháp, chính sách đã thiết kế để đảm bảo đạt được mục tiêu quản lý xã hội
và tài nguyên một cách hiệu quả, minh bạch và có sự tham gia của các bên
liên quan, kể cả tổ chức chính phủ, phi chính phủ và cộng đồng địa phương
(Independent Evaluation Group – The World Bank [IEG-WB], 2007; Hill,
2013); trong bài viết này, các chính sách về sử dụng, bảo vệ tài nguyên và
môi trường ĐBSCL thời gian qua được phân tích, đánh giá nhằm đề xuất các
giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên trong bối cảnh nhiều biến
động ở tương lai.
4.2 KHUNG PHÂN TÍCH
Trong nghiên cứu này, khung lý thuyết của Pahl-Wostl (2009) được áp
dụng. Theo đó phân tích quản trị tài nguyên và môi trường gồm 4 hợp phần
chính là bối cảnh, tiến trình, kết quả và phản hồi (Hình 4.1). Trước tiên, bối
cảnh ở địa bàn nghiên cứu cần phải được phân tích. Việc phân tích bối cảnh
không chỉ bao gồm tổ chức, thể chế, luật lệ, chính sách hiện hành, biện pháp
can thiệp mà còn quan tâm đến các yếu tố về điều kiện sinh thái, tài nguyên
môi trường và kinh tế-xã hội. Điều cần quan tâm là phải bao gồm tất cả mọi
tổ chức, kể cả chính thức và phi chính thức từ cấp trung ương đến địa phương.
Bối cảnh sẽ ảnh hưởng đến tiến trình, tiến trình này bao gồm thực tế triển khai
công việc, đội ngũ thực hiện, chức năng của các bên có liên quan, cũng như
mối quan hệ hợp tác giữa họ với nhau, kể cả quan hệ hàng ngang và hàng dọc.
Giám sát và đánh giá của cộng đồng trong tiến trình này cũng phải được bao
gồm. Tiếp theo là kết quả quản trị, gồm chất lượng công việc, chất lượng hợp
tác, hiệu quả sử dụng tài nguyên và hành động của cộng đồng. Cuối cùng, kết
quả này sẽ phản hồi lại bối cảnh và ảnh hưởng đến kết quả quản trị tài nguyên
trong tương lai. Như vậy, quản trị tài nguyên và môi trường được xem xét ở
trạng thái động vì nó luôn biến đổi theo các điều kiện bất định của môi trường
cũng như những can thiệp của các bên liên quan.
55