Page 70 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 70
theo bờ biển Đông, và những mảnh sót lại của đất than bùn ở vùng U Minh
(Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021). Với địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ
mang lại tiềm năng phát triển nông nghiệp cho vùng. Trong những năm gần
đây, việc sử dụng đất ở ĐBSCL đã có những biến đổi cho phù hợp với điều
kiện tự nhiên, phân vùng sinh thái và nhu cầu thị trường và nhu cầu nước
phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của khu vực. ĐBSCL được phân thành ba
vùng theo quy hoạch sử dụng đất bao gồm: (1) vùng an toàn là vùng có độ an
toàn cao trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn và có thị trường ổn định;
(2) vùng chuyển đổi là vùng nguy cơ cao, độ an toàn thấp trước tác động của
lũ, ngập, xâm nhập mặn và biến động thị trường; (3) vùng linh hoạt là vùng
chưa có đủ thông tin về tác động của hạn mặn, tình trạng úng ngập và khả
năng cấp ngọt (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021). Theo chiến lược phát triển,
ĐBSCL xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo; tăng tỷ trọng
giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo (Quyết định
287/QĐ-TTg, 2021). Theo đó, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai hình thành
các hộ nông dân quy mô lớn, tổ chức nông hộ thành các hợp tác xã kiểu mới,
liên kết với doanh nghiệp. Theo định hướng quy hoạch đến năm 2030, diện
tích nhóm đất sản xuất nông nghiệp và nhóm đất khác sẽ giảm để chuyển sang
đất lâm nghiệp nhằm đạt mục tiêu tăng độ che phủ rừng và đất đô thị. Theo
quy hoạch, đất sản xuất nông nghiệp ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 sẽ giảm
123,86 nghìn ha, đất phi nông nghiệp tăng 146,65 nghìn ha và đất chưa sử
dụng giảm 22,78 nghìn ha (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2021). Theo định
hướng chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ĐBSCL sẽ phát triển
ba vùng lớn như sau:
• Vùng thượng đồng bằng: Phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có tính
đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và
cá tra theo hướng hiện đại, bền vững; là vùng đóng vai trò điều tiết
và hấp thu lũ cho ĐBSCL;
• Vùng giữa: Phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm
chuyên canh trái cây lớn nhất của vùng và cả nước; phát triển một số
vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp
và thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải;
• Vùng ven biển: Phát triển nền nông nghiệp dựa chính vào nước mặn
và lợ, phát huy lợi thế thủy sản; khuyến khích trồng lúa gạo đặc sản
vào mùa mưa có nước ngọt và khuyến khích hệ thống luân canh mặn
- ngọt theo mùa phù hợp điều kiện đặc thù theo mùa của vùng. Vùng
59