Page 337 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 337
12.2.2.3 Khâu chăm sóc, tưới tiêu
Khâu chăm sóc lúa thường là nhổ cỏ, dặm lúa thủ công, tưới tiêu nước
phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa hoặc dùng hóa chất diệt cỏ
là phổ biến. Để bảo vệ cây trồng nông dân dùng thuốc hóa học phun xịt trên
ruộng thủ công hoặc sử dụng bình phun thuốc loại đeo vai có động cơ. Một
số vùng nông dân dùng các máy tự chế để phun với diện tích lớn (Hình 12.4a).
a) b) c)
Hình 12.4. a) Máy phun thuốc chế tạo bởi cơ khí địa phương,
b) Drone phun thuốc và rải phân, c) Bộ phận bón phân kết hợp trên máy cấy lúa
Khâu bón phân ở ĐBSCL chủ yếu được làm thủ công. Do phân hóa học
có nhiều loại ở các dạng khác nhau và thời điểm bón cũng khác nên cần những
loại máy đa dạng tương ứng mới đáp ứng được nhu cầu phong phú trong canh
tác lúa ở các địa phương. Đầu thế kỷ 21, máy sạ phân hóa học đeo vai được
áp dụng và ngày càng phổ biến nhờ giảm được lao động vất vả và đạt được
năng suất cao. Những năm gần đây, mô hình dùng drone trong phun thuốc và
bón phân được thử nghiệm đưa vào sử dụng (Hình 12.4b). Hệ thống phun
thuốc và bón phân tích hợp trên các máy khác như máy cấy lúa (Hình 12.4c),
máy sạ hàng hay sạ cụm cũng đã được đưa vào sử dụng giúp giảm đáng kể
chi phí sản xuất và lao động nặng nhọc.
12.2.2.4 Khâu thu hoạch
Việc canh tác lúa 2 - 3 vụ trong năm và xuống giống theo lịch thời vụ
để tránh rầy nên dẫn đến áp lực thu hoạch đồng loạt diện tích lớn nên cần phải
CGH khâu thu hoạch. Ở ĐBSCL từ những năm cuối của thế kỷ 20 và thập
niên đầu của thế kỷ 21, máy gặt đập liên hợp được từng bước đưa vào sử dụng
(Đạt, 2010 ). Nhiều máy đã được chế tạo trong nước và nhập khẩu từ Trung
Quốc, tuy nhiên chất lượng không ổn định và năng suất thấp nên không đáp
ứng được yêu cầu sản xuất. Vào cuối thời điểm đó, các máy gặt đập liên hợp
(GĐLH) của Nhật Bản xuất hiện mặc dầu với giá cao nhưng chất lượng làm
việc vượt trội đã dần chiếm lĩnh thị trường cho đến ngày nay.
326