Khoa học-công nghệ và tăng trưởng kinh tế: bài học quốc tế và trường hợp việt nam

PGS.TS. Võ Thành Danh[1], PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi1,

PGS.TS. Lưu Thanh Đức Hải1, PGS.TS. Phan Đình Khôi1

Liên hệ: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Bài viết được chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Phát triển Khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tổ chức ngày 03/6/2022 tại ĐHQG TP.HCM

 

TÓM TẮT

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu bàn viết để tổng quan về tình hình phát triển khoa học-công nghệ và tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và trên thế giới. Kết quả phân tích cho thấy rằng phát triển khoa học-công nghệ và đổi với sáng tạo đang là xu thế và là các yếu tố quan trọng trong mô hình tăng trưởng kinh tế hiện đại. Thực tế cho thấy còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ tại nhiều quốc gia đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Bài viết cũng đề cập đến các mô hình tăng trưởng kinh tế với gắn với khoa học-công nghệ được xem là gợi ý cho việc lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp với Việt Nam. Dựa trên kết quả phân tích, bài viết đã đề xuất một số hàm ý chính sách để phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới.

TỪ KHOÁ: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, mô hình tăng trưởng,

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

          Theo xu thế thế giới, khoa học-công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng trong các mô hình tăng trưởng (MHTT). Vai trò của KHCN ở Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội đã được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Theo Báo cáo Việt Nam 2035, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2035 nền kinh tế Việt Nam cần thực hiện nhiều thay đổi cho phép tạo ra và huy động nguồn lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển. Chẳng hạn, một trong sáu đột phá lớn cần thực hiện là phát triển đổi mới sáng tạo (ĐMST) – yếu tố được xem là động lực mới và đóng góp quan trọng vào việc định hình MHTT của kinh tế Việt Nam hiện đại. Trong thực tế, sự phát triển KHCN và ĐMST ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng và đóng góp của chúng đối với tăng trưởng kinh tế (TTKT) chưa nhiều. Điều này dẫn đến nhiều câu hỏi vĩ mô lớn như khả năng KHCN và ĐMST của nền kinh tế có như kỳ vọng đặt ra; các chính sách phát triển KHCN và ĐMST hiện nay đang gặp những khó khăn, nút thắt nào; và liệu MHTT hiện đại áp dụng trong trường hợp Việt Nam có là lựa chọn tốt và khả thi không. Trong khuôn khổ của bài tham luận về chính sách phát triển này, đầu tiên chúng tôi xin nêu ra một vài tổng quan trên thế giới và tại Việt Nam về tình hình phát triển KHCN và ĐMST và ảnh hưởng/tác động của chúng lên nền kinh tế nói chung cũng như các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp và khu vực doanh nghiệp. Tiếp theo, các MHTT gắn với yếu tố KHCN và ĐMST được xem là phù hợp cho Việt Nam được trình bày như là những gợi ý lựa chọn. Cuối cùng, những hàm ý chính sách được đề cập xuất phát từ những phát hiện trong phân tích thực trạng KHCN và ĐMST gắn với mục tiêu phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện chuyển đổi MHTT trong giai đoạn tới.

  1. PHÁT TRIỂN KHOA HỌC-CÔNG NGHỆ

2.1. Phát triển Khoa học-Công nghệ trên thế giới

Ở cấp độ nền kinh tế, Romer (1990), đã phát triển một mô hình phân tích trong đó lĩnh vực KHCN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy TTKT. Kết quả phân tích cho thấy vốn con người quyết định tốc độ tăng trưởng đồng thời hội nhập vào thị trường thế giới góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong khi quy mô dân số lớn là không đủ để tạo ra TTKT. Nghiên cứu của Lucas (1988) cho thấy TTKT là một hàm của tích lũy vốn con người. Tác giả cho rằng rằng vốn con người được định nghĩa là trình độ và kỹ năng của người lao động tác động đến năng suất lao động (NSLĐ). Việc đầu tư cho KHCN, R&D, giáo dục và nguồn nhân lực có kỹ năng có vai trò quan trọng nhất để tạo ra sự đổi mới và TTKT. Về vai trò của ĐMST đối với TTKT, Sefer và ctv (2011) nghiên cứu tác động của KHCN và ĐMST đến khả năng cạnh tranh và TTKT của các quốc gia trên thế giới. Kết quả phân tích từ bộ dữ liệu WEF-GCI 2010-2011, cho thấy các quốc gia có chiến lược và chính sách kinh tế dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST có ưu thế vượt trội và lợi thế cạnh tranh không chỉ về năng lực cạnh tranh toàn cầu mà còn về TTKT và phát triển kinh tế. Romer (1986) xây dựng một mô hình phân tích về sự thay đổi công nghệ nội sinh cho thấy tăng trưởng dài hạn được thúc đẩy bởi sự tích lũy tri thức. Tri thức được định nghĩa là sản phẩm của một công nghệ nghiên cứu tuân theo quy luật lợi nhuận biên giảm dần. Việc một công ty tạo ra tri thức mới sẽ có tác động tích cực từ bên ngoài đến khả năng sản xuất của công ty khác vì tri thức không được cấp bằng sáng chế hoặc giữ bí mật hoàn toàn. Nghiên cứu cũng cho thấy tri thức có thể tuân theo quy luật lợi nhuận biên tăng dần.

Ở cấp độ doanh nghiệp, Jani và ctv (2010) nghiên cứu xác định các nhân tố then chốt cấu thành sự thành công của ứng dụng tiến bộ KHCN của các DNNVV từ kết quả khảo sát 125 doanh nghiệp tại Singapore. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các nhân tố then chốt ảnh hưởng đến sự thành công trong ứng dụng tiến bộ KHCN ở mỗi công đoạn trong quá trình sản xuất là khác nhau. Murzidah và ctv (2011) tập trung nghiên cứu tầm quan trọng của KHCN đối với các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Malaysia bằng cách khảo sát bán cấu trúc với những người lãnh đạo của các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Morteza và ctv (2011) thực hiện nghiên cứu dựa trên mô hình tương tác để kiểm định các giả thuyết về tác động của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của doanh nghiệp chế tạo với bộ dữ liệu 121 DNNVV ở Iran. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự thành công của việc ứng dụng CNTT bị ảnh hưởng bởi kiến thức và sự quan tâm của tất cả những người sử dụng kể cả giám đốc điều hành và nhân viên trong doanh nghiệp. Nghiên cứu của Michelle (2011) cho thấy mức độ ứng dụng CNTT của các DNNVV ở Trung Quốc là khá thấp. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra những rào cản tài chính và sự thiếu hụt tài năng về CNTT có tác động đến việc thu hút đầu tư cho CNTT trong doanh nghiệp. Mirmahdi và ctv (2012) phân tích các yếu tố ảnh hưởng và xác định các rào cản đối với việc ứng dụng kỹ thuật chế tạo tiên tiến của các DNNVV tại Pakistan. Nghiên cứu đã xây dựng các bối cảnh (môi trường, tổ chức và công nghệ) ảnh hưởng đến việc ứng dụng tiến bộ KHCN trong hoạt động chế tạo của doanh nghiệp.

Về vai trò của chuyển giao và thương mại hoá KHCN, Shin và ctv (2015) đã so sánh và phân tích hiệu quả thương mại hóa các dự án R&D của các bộ, ngành của chính phủ Hàn Quốc để cải thiện hoạt động thương mại hóa KHCN của các dự án R&D. Kết quả nghiên cứu đã đế xuất nhiều giải pháp cho cải tiến hoạt động thương mại hóa tiến bộ KHCN. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng đầu tư và chính sách công của chính phủ là những nhân tố then chốt ảnh hưởng đến việc thương mại hóa tiến bộ KHCN của các dự án R&D. Nghiên cứu của Yun và ctv (2015 chỉ ra rằng việc chuyển giao và thương mại hóa tiến bộ KHCN còn hạn chế ở nhiều trường đại học ở Hàn Quốc. Một số tình huống trong nghiên cứu cho phép xây dựng các giải pháp, chính sách nhằm hạn chế những rào cản trong chuyển giao và thương mại hóa tiến bộ khoa học công nghệ. Nghiên cứu của Pluvia và ctv (2016) đã chỉ ra những thách thức của hệ thống đổi mới tại Brazil. Mặc dù mức độ hỗ trợ công đối với các hoạt động R&D là cao nhưng chính sách vẫn “hướng vào cung” với trọng tâm chính là thúc đẩy năng lực KHCN trong khu vực công. Tác động của chính sách công đối với đổi mới và phát triển KHCN vẫn còn hạn chế do sự liên kết chưa đầy đủ giữa các tổ chức KHCN công và doanh nghiệp.  Tính toán cho thấy đầu tư công vào KHCN lớn hơn ít nhất tám lần so với nguồn lực được triển khai cho đổi mới doanh nghiệp. Cường độ đầu tư cho R&D và tỷ lệ áp dụng công nghệ (cả công nghệ cứng và mềm) đều thấp trong khu vực tư nhân. Tình trạng này đang cản trở các cơ hội tăng năng suất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

2.2. Phát triển Khoa học-Công nghệ ở Việt Nam

Về ứng dụng KHCN trong sản xuất, Trần Công Quân và ctv (2013) thực hiện nghiên cứu đánh giá kết quả áp dụng tiến bộ KHCN cho trồng rừng nguyên liệu công nghiệp nhằm đề xuất các giải pháp ở khu vực Đông bắc – Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng đã có nhiều thành công trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng, đặc biệt là trong cải thiện giống cây trồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vần đề trong chương trình trồng rừng chưa được giải quyết như: sử dụng giống không rõ nguồn gốc hoặc vẫn gieo ươm và trồng rừng bằng hạt, hệ thống các biện pháp quả lý, bảo vệ chưa được áp dụng đồng bộ. Nghiên cứu của Nguyễn Kim Chung (2004) về ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất chỉ ra rằng khi nông hộ sử dụng giống lúa năng suất cao sẽ giúp họ tăng lợi nhuận từ 1.100.000 - 1.600.000 đồng/ha; nếu áp dụng phương pháp sạ hàng thì chi phí giống chỉ còn ở mức 73% so với các mô hình khác và làm cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ còn 35 - 60%. Huỳnh Trường Huy (2007) phân tích tác động của KHCN đến hiệu quả sản xuất lúa từ khảo sát 261 nông hộ sản xuất lúa tại ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu cho thấy nông dân đã áp dụng một số mô hình cải tiến như: giống mới, IPM, sạ hàng, ba giảm - ba tăng, lúa - thủy sản, lúa - màu; trong đó, việc sử dụng giống mới được nông dân áp dụng phổ biến nhất. Nông dân tiếp cận thông tin tiến bộ KHCN phần lớn từ các phương tiện thông tin đại chúng và cán bộ khuyến nông địa phương.

Về ứng dụng KHCN trong doanh nghiệp, Lê Trần Hảo và ctv (2003), thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả ứng dụng KHCN bằng ba loại chỉ tiêu: giá thành sản phẩm, chất lượng hàng hóa và hệ số co giãn đầu tư KHCN. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc đầu tư, ứng dụng KHCN cho phép cải thiện các chỉ tiêu đánh giá trên. Nguyễn Ngọc Đệ (2009) phân tích mô hình cung cấp thông tin tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Vĩnh Long ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình cung cấp thông tin KHCN đã phát huy hiệu quả, hỗ trơ tích cực cho công tác chỉ đạo phát triển kinh tế tại địa phương, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Để nâng cao hiệu quả của chương trình cung cấp KHCN cho người dân cần phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ mạng thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân và phát triển mạng thông tin với phương châm kế thừa, liên kết, và đồng bộ.

Về ĐMST, nghiên cứu của Trần Thị Thùy Linh và ctv (2019) đã chỉ ra những hạn chế trong hoạt động ĐMST của doanh nghiệp Việt Nam như ít đầu tư cho ĐMST, ít quan tâm đến ĐMST, không có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và thiếu nguồn nhân lực ĐMST. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực ĐMST trong doanh nghiệp như đầu tư nguồn lực về con người và tài chính cho hoạt động R&D, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với hoạt động ĐMST, tăng cường hợp tác với các tổ chức bên ngoài để được tư vấn chiến lược thay đổi công ty hoặc để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Dương Ngọc Hồng (2019) phân tích thực trạng khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam. Nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và ĐMST như: cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp và ĐMST, cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh, phát triển công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

2.3. Khoa học-Công nghệ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam        

Có ba tiêu chí được Liên Hiệp Quốc sử dụng để xác định trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Các tiêu chí này bao gồm: thu nhập (GDP) bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và phát triển con người (HDI), với tiêu chí GDP bình quân đầu người là nòng cốt. Theo cách phân loại hệ thống kinh tế thế giới, các nước được chia thành các nước phát triển và các nước đang phát triển. Trong số các nước đang phát triển có những nước chậm phát triển với ba tiêu chí trên ở tình trạng phát triển thấp nhất. Một số nước đang phát triển có những bước phát triển đột phá và có trình độ phát triển cao hơn như các nước công nghiệp mới (NIC) và các nước khối xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Một số nước thuộc nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, đang trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. Nhìn chung, các nước đang phát triển có một số đặc trưng cơ bản như sau: (i) mức sống thấp, (ii) nền kinh tế chịu sự chi phối nhiều bởi nông nghiệp, (iii) tốc độ tăng dân số cao và khả năng bảo đảm các nhu cầu xã hội cho con người thấp, (iv) nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, bao gồm phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ, và thị trường quốc tế. Theo CIEM (2014) thế giới đang xuất hiện những mô hình phát triển mới thay thế cho các mô hình phát triển cũ. Cùng với đó là sự thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế trên phạm vi từng quốc gia và toàn thế giới. Các cấu trúc ngành, nghề sẽ chuyển dịch theo hướng thu hẹp và mất đi các ngành khai thác, chế biến nguyên liệu truyền thống và xuất hiện những ngành khai thác, chế biến nguyên liệu mới thích hợp; các ngành dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất và đem lại nhiều lợi nhuận nhất trong nền kinh tế quốc gia và quốc tế; các công nghệ mới, các xa lộ thông tin, vận tải toàn cầu phát triển, đang thu hẹp lại khoảng cách của các quốc gia, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển các yếu tố của hoạt động tái sản xuất kinh tế, xã hội. Đối với Việt Nam, nền kinh tế đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức, những rào cản lớn đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, thực tế kinh tế thế giới hiện nay đang tạo cho Việt Nam những cơ hội, thời cơ mới để thay đổi mô hình TTKT phù hợp với xu hướng chung của kinh tế toàn cầu. Nhìn lại mô hình TTKT Việt Nam từ khi đổi mới đến nay cho thấy có những đặc trưng sau đây:

          Một là, tăng trưởng phụ thuộc nhiều hơn vào tăng vốn đầu tư. Tổng đầu tư toàn xã hội liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Tỷ lệ vốn đầu tư /GDP đã tăng từ 35,4% năm 2001 lên đến 41,9% năm 2010; bình quân cho cả giai đoạn 2001- 2010 là xấp xĩ 41%, so với 30,7% trong giai đoạn 1991 – 2000, thuộc loại cao nhất khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Năm 2007, tỷ lệ Vốn đầu tư/GDP của Việt Nam chỉ thấp hơn so với Trung Quốc (44,2%), nhưng cao hơn nhiều so với Hàn Quốc (29,4%), Thái Lan (26,8%), Indonesia (24,9%), Malaixia (21,9%) và Philippin (15,3%). Qua các năm, tỷ trọng này đều có xu hướng giảm ở hầu hết các nước, trong khi ở Việt Nam lại tăng mạnh và luôn duy trì ở mức cao.

          Hai là, hiệu quả đầu tư thấp. Hiệu quả đầu tư thấp, nhất là khu vực kinh tế nhà nước (nắm giữ tới trên 60% tài sản quốc gia). Đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng TFP của Việt Nam cũng thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy mức độ đóng góp của cải thiện công nghệ và NSLĐ cho tăng trưởng của Việt Nam còn thấp.

          Ba là, NSLĐ thấp và tăng chậm. Với mức NSLĐ như hiện nay, Việt Nam còn kém Trung Quốc khoảng 2,6 lần và Thái Lan 4,3 lần, mặc dù NSLĐ của Việt Nam trong thời gian qua đã có chiều hướng tăng đáng kể. Tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2001 - 2015 đạt khoảng 4,8%/năm.

          Bốn là, sức cạnh tranh quốc gia chậm cải thiện. Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao trong những năm qua, nhưng các báo cáo đánh giá và xếp hạng NLCT quốc gia toàn cầu cho thấy, NLCT của Việt Nam chưa được cải thiện.

          Năm là, phát triển con người ở Việt Nam chưa tương xứng với TTKT. Sự lan tỏa của TTKT đến các vùng sâu, vùng xa, đến các đối tượng dễ bị tổn thương chưa thật sự mạnh, sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng lên.

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến TTKT

Các yếu tố đóng góp vào TTKT bao gồm vốn, lao động và năng suất các yếu tổ tổng hợp (TFP). Nếu tăng trưởng chỉ dựa vào vốn thì tăng trưởng chỉ đạt được trong ngắn hạn (Solow, 1956); TTKT phải dựa vào không chỉ tích lũy vốn sản xuất mà còn phụ thuộc nhiều vào tích lũy vốn con người (lao động) (Lucas (1993). Theo Kaldor (1961), KHCN quyết định TTKT. Lucas (1993), Sen (1999) và Stiglitz (2000) đã chỉ ra rằng, chất lượng TTKT bên cạnh việc duy trì một tốc độ tương đối cao, cần bảo đảm nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp TFP, nâng cao NLCT, bảo vệ môi trường và hoàn thiện thể chế.

  Trường hợp ĐBSCL, Võ Thành Danh và cộng sự (2015) cho thấy rằng TTKT của vùng phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ. Tuy nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế vùng và là bệ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng vào ổn định và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng tốc độ tăng và tỷ lệ đóng góp vào tốc độ tăng GDP vùng lại không ổn định. Thực trạng này bắt nguồn từ việc đầu tư cho nông nghiệp (một cách tương đối) ngày càng giảm dần. So sánh tương quan giữa ĐBSCL và các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, Lê Thành Nghiệp và ctv (2000) cho thấy rằng chênh lệch về NSLĐ trong nông nghiệp, ảnh hưởng bởi yếu tố diện tích đất bình quân đầu người, tỷ trọng đất trồng lúa trên đất trồng cây hàng năm và các đặc điểm của vùng, giữa các vùng kinh tế ở Việt Nam có sự khác nhau. Vùng đồng bằng sông Hồng có NSLĐ thấp so với vùng ĐBSCL. Các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ có NSLĐ rất thấp. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ có NSLĐ cao hơn vùng ĐBSCL. Về năng suất đất đai - ảnh hưởng bởi mật độ lao động trên diện tích đất, tỷ trọng đất trồng lúa trên đất trồng cây hàng năm và các đặc điểm của vùng, kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy năng suất đất ở vùng ĐBSCL thấp hơn vùng đồng bằng sông Hồng trong khi vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có năng suất đất thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Công nghiệp ĐBSCL chậm phát triển và chủ yếu là công nghiệp chế biến như: chế biến gạo, chế biến thủy sản, chế biến rau quả, chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế ĐBSCL chưa có sự thay đổi, chuyển dịch lớn.  Ngoài ra, tiềm lực KHCN ở hầu hết các tỉnh/thành trong vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN ở các địa phương. Các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao KHCN không nhiều; mạng lưới thông tin KHCN của vùng chưa phát triển; hoạt động xã hội hoá KHCN, thị trường KHCN chưa phát triển. Nhìn chung, chất lượng TTKT của vùng ĐBSCL có xu hướng giảm sút. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Thách thức của kinh tế ĐBSCL ngày càng lớn do ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nông sản; nguy cơ cạnh tranh ngày càng gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu; chính sách phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương ĐBSCL còn thiếu định hướng chung của toàn vùng. Để đẩy mạnh phát triển, ĐBSCL không chỉ khai thác những giá trị sẵn có như: nông nghiệp, thủy sản, lao động mà còn phải hướng đến chiều sâu như: đào tạo nguồn nhân lực KHCN, ĐMST, …v.v.

2.4. Tăng trưởng kinh tế, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kin

          Theo đánh giá của Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Đảng về đổi mới mô hình TTKT, nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế: “… nhìn chung MHTT về cơ bản vẫn theo mô hình cũ, chậm được đổi mới; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng NSLĐ, ứng dụng KHCN, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tốc độ TTKT đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; NSLĐ và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép, áp lực trả nợ lớn. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược chưa đạt mục tiêu đề ra. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được cải thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại. Việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại còn nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thật sự gắn với đổi mới MHTT; chưa gắn kết chặt chẽ giữa tổng thể với các trọng tâm. Cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn; nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế còn cao, an toàn hệ thống còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế xử lý dứt điểm, triệt để các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu. Ðổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu, tỉ lệ vốn được cổ phần hoá thấp; quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém. Cơ cấu lại nông nghiệp chưa thực sự gắn với xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều bất cập; sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chưa thực chất, hiệu quả thấp. Cơ chế, chính sách điều phối phát triển vùng chưa đủ mạnh. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu tính liên kết, bị giới hạn bởi địa giới hành chính; chưa phát huy được các lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của toàn vùng; một số vùng kinh tế trọng điểm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa phát huy được vai trò đầu tàu, trở thành trung tâm kết nối cho phát triển kinh tế vùng”. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế của mô hình TTKThiện tại, Nghị quyết 05-NQ/TW đã đề ra quan điểm, định hướng đổi mới:

- Đổi mới MHTT là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.

- Đổi mới MHTT theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng NSLĐ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

- Tuỳ theo tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mà kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Chuyển dần từ tăng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và ĐMST. Khai thác và phát huy tối đa nội lực kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực.

- Đổi mới MHTT gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.

- Đổi mới MHTT, nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ trí thức, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

          Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT (2019), mục tiêu, đổi mới MHTT, nâng cao NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các Nghị quyết và các văn bản có liên quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định 64 chỉ tiêu định tính và định lượng. Đếnnăm 2019, có 28,13% mục tiêu dự kiến hoàn thành, 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. MHTT có sự chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng TTKTđã được cải thiện. NSLĐ tăng đều qua các năm, TTKTdịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ngày một lớn và hiệu quả đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR được cải thiện. Tuy nhiên, MHTT hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Để giải quyết những hạn chế này, Bộ KH&ĐT đã đưa ra 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới MHTT, cơ cấu lại nền kinh tế trong 10 năm tới.

 Thứ nhất, cần nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động chất lượng cao.

 Thứ hai, xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên hai trụ cột: cải cách thể chế về bảo vệ quyền tài sản và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước.

 Thứ ba, rà soát và cắt giảm mạnh cơ chế phân bổ xin cho khép kín đối với các nguồn lực do Nhà nước kiểm soát. Đặc biệt, cần sớm cải cách cơ bản luật pháp về quản lý đất đai để phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất.

 Thứ tư, xây dựng chính sách phát triển và xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

 Thứ năm, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư.

 Thứ sáu, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước.

 Thứ bảy, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

 Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định “chi tiêu thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách”.

 Thứ chín, đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

          Ngoài ra, Ngân hàng thế giới (2019) đã khuyến nghị rằng MHTT dựa vào tăng năng suất, trong đó phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ĐMST là mô hình TTKT mà Việt Nam có thể lựa chọn nhằm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Do vậy, cần có một quá trình đổi mới hiệu quả với lộ trình phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, điều quan trọng là môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp có điều kiện tối ưu để ĐMST. Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình TTKT theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, trong giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2045 Việt Nam cần chuyển đổi MHTT từ chiều rộng sang chiều sâu. TTKT lấy hiệu quả thước đo là NSLĐ, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển từ việc gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất, sang nâng cao NSLĐ và tăng cường ứng dụng KHCN vào quá trình ĐMST.

2.4. Các mô hình tăng trưởng kinh tế đề xuất cho Việt Nam

          Theo lược khảo tài liệu bởi Võ Thành Danh (2020), MHTT của Việt Nam hiện nay vẫn còn dựa nhiều vào đầu tư – phản ảnh MHTT theo chiều rộng. Nhược điểm của MHTT này đã được đánh giá là TTKT phụ thuộc rất lớn vào mức độ huy động nguồn lực lao động, đất đai, vốn trong khi hiệu quả của nó lại không tương xứng khi đầu tư có xu hướng dàn trãi, ít đầu tư trọng tâm, trọng điểm dẫn đến hiệu quả thấp và có suất đầu tư cao. Điều này dẫn đến NSLĐ thấp và sức cạnh tranh quốc gia kém. Theo Báo cáo Việt Nam 2035, có hai trong số bốn xu thế phát triển của thế giới là xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế và sự xuất hiện của công nghệ mới cùng với các mô hình kinh doanh mới. Có thể thấy rằng các MHTT tương lai của các quốc gia được gắn chặt với khả năng ứng dụng KHCN. Nói cách khác, KHCN sẽ là nền tảng cho các MHTT của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Về mặt lý thuyết, trong khuôn khổ của bài tham luận này, các MHTT sau đây được xem là lựa chọn phù hợp trong điều kiện Việt Nam.

Mô hình tăng trưởng dựa trên KHCN. Đây là MHTT giải thích tỷ lệ tăng trưởng trong dài hạn của một nền kinh tế trên cơ sở các yếu tố nội sinh (khác với các yếu tố ngoại sinh của MHTT tân cổ điển Solow). Lý thuyết tăng trưởng này giải thích vai trò của yếu tố KHCN (nội sinh) trong các MHTT của nó. Đó là, nó nhấn mạnh KHCN là kết quả của đầu tư, tăng trữ lượng vốn (K), và đặc biệt là vốn con người (H). Trong mô hình này, TTKT được thúc đẩy bởi quá trình tích lũy liên tục vốn vật chất (K), vốn con người (H) và vốn kiến thức (hay tri thức-Kn). Romer (1990) cho rằng vốn con người (H) cùng với vốn tri thức (Kn) sẽ tạo ra ý tưởng và kiến thức, tri thức (hay KHCN) mới. Mô hình cho rằng ý tưởng (và do đó tri thức) còn quan trọng hơn vốn vật chất (K). Bên cạnh đó, M. Porter (1990) đã mô tả các MHTT quốc gia lần lượt theo ba cấp độ. Đầu tiên là MHTT theo chiều rộng. Trong hàm sản xuất Y = F(K, L), tăng trưởng (dY) chủ yếu được tạo ra từ việc thêm vào (hay tăng trưởng) của các yếu tố đầu vào (dK, dL). Theo MHTT này, kết quả là một sự cố gắng cắt giảm chi phí để nền kinh tế đạt được một mức độ hiệu quả được cho. Kế tiếp là MHTT theo chiều sâu, đó là tăng trưởng (dY) được dựa trên yếu tố sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên được huy động trong nền kinh tế (d(K/L)). Tiếp theo và cao hơn là MHTT dựa vào sự sáng tạo (ĐMST, CNTT, …), ở đó yếu tố đầu vào đảm bảo cho tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn chính là vốn con người, tri thức mới, khả năng sáng tạo, … hơn là các yếu tố nguồn lực, tài nguyên truyền thống.

Mô hình tăng trưởng dựa trên vốn thông tin. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đã có nhiều bằng chứng cho thấy vốn CNTT  đóng góp lớn vào TTKT, đặc biệt là ở Hoa Kỳ (các nghiên cứu của Pradhan và ctv, 2018; Jorgenson và ctv (2000 and 2008); Jorgenson, 2001). Ở phạm vi toàn cầu, Pilat (2014) đã cung cấp các tổng quan tài liệu về bằng chứng liên quan đến đóng góp của vốn CNTT vào TTKT. Các nghiên cứu này chỉ ra rằng vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 vốn CNTT đã làm tăng NSLĐ trong nền kinh tế. Như là một thí dụ, tại tỉnh Vĩnh Long ở ĐBSCL, nghiên cứu của Võ Thành Danh và ctv (2021) cho thấy tác động của Vốn CNTT và Vốn KHCN là lớn với hệ số co dãn lần lượt là 6,23 và 6,79. Trong khi đó, hệ số co dãn của hai yếu tố sản xuất là Lao động (L) và Vốn vật chất (K) là rất nhỏ, do đó mức độ ảnh hưởng của hai đại lượng này hầu như không nhiều đối với sự thay đổi của tốc độ TTKT. Phân tích này cho thấy trong MHTT mới được khuyến nghị cho tỉnh Vĩnh Long, KHCN và ĐMST có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm các nguồn lực mới và hướng đi mới cho nền kinh tế Vĩnh Long trong thời gian tới.

  1. HÀM Ý CHÍNH SÁCH

          Các nghiên cứu lược khảo trên cho thấy vai trò của KHCN và ĐMST được kiểm nghiệm trong thực tế cả trong nước và thế giới. Trong xu thế phát triển, đầu tư cho KHCN và ĐMST được xem là động lực dài hạn thúc đẩy tăng trưởng của một nền kinh tế; KHCN quyết định TTKT (Kaldor 1961). Dựa trên cơ sở phân tích này, các tác giả đề xuất các hàm ý chính sách sau đây:

- Chuyển đổi nhanh MHTT từ chiều rộng (sử dụng nhiều nguồn lực) sang MHTT theo chiều sâu (sử dụng hiệu quả nguồn lực) và đồng thời xây dựng MHTT dựa trên sự sáng tạo với KHCN và ĐMST là động lực tăng trưởng chính.

- Xây dựng lộ trình cụ thể phát triển KHCN và ĐMST, trong đó hai mục tiêu hiệu quả và công bằng được định vị, hoán vị theo các giai đoạn khác nhau để tập trung nguồn lực đầu tư cho KHCN, ĐMST và khuếch trương kết quả cho toàn nền kinh tế[2]; ưu tiên cho những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

- Phát triển thị trường KHCN và ĐMST theo quan điểm lấy thị trường để, về lâu dài, tạo ra nguồn lực phát triển thay thế dần nguồn lực đầu tư công cho KHCN.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng KHCN như mạng thông tin, hệ thống tiếp cận, sử dụng mạng thông tin KHCN, phát triển các công nghệ nguồn, công nghệ mới, hệ thống cung cấp dịch vụ tư vấn KHCN, ĐMST, khởi nghiệp cho doanh nghiệp.

- Xây dựng chính sách phát triển KHCN và ĐMST gắn với tất cả các chính sách phát triển kinh tế, các chương trình, dự án phát triển, các chính sách ưu tiên phát triển các ngành kinh tế chủ lực có hàm lượng KHCN, ĐMST cao.

- Xây dựng chính sách về tạo lập môi trường khởi nghiệp, ĐMST, chính sách thu hút các doanh nghiệp KHCN, ĐMST, khởi nghiệp; chính sách liên kết giữa các tổ chức KHCN với doanh nghiệp; các trung tâm KHCN quốc gia và cấp vùng.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN, ĐMST.

- Xây dựng chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp KHCN đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, logistics, …

  1. KẾT LUẬN

          Trong xu thế phát triển của thế giới, các quốc gia đang có nhiều cơ hội để được chia sẻ và tận dụng các thành tựu của CMCN 4.0 và KHCN với các công nghệ mới, phương thức sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới, ... Nhiều năm qua Việt Nam đã xem KHCN có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và nhiều chính sách phát triển KHCN đã được triển khai. Tuy nhiên, sự phát triển của KHCN và ứng dụng KHCN chưa thật sự đạt nhiều kết quả như kỳ vọng. Để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, KHCN và ĐMST được xem là nguồn lực mới trong MHTT mới giúp Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển tốt hơn. Dựa trên các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế, một số hàm ý chính sách đã được đề xuất trong bài tham luận này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Báo cáo Việt Nam 2035, 168 trang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019). Báo cáo Năng suất lao động và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam

CIEM (2014). Cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm vừa qua. Trung tâm thông tin tư liệu – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Huỳnh Trường Huy (2007). Phân tích tác động của khoa học kỹ thuật đến hiệu quả sản xuất lúa tại Cần Thơ và Sóc Trăng

Jani Rahardjo and Salleh bin Yahya (2012). Advanced Manufacturing Technplogy Implementation Process in SMEs: Critical Success Factors. Journal Teknik Industri, Vol. 12, No.2, 12-2010

Jorgenson D, Mun S. and Samuels J (2016). The Impact of Informatio Technology on Postwar U.S. Economic Growth, Telecommunications Policy, 40 (5), 398-411

Kaldor N. (1961). Capital accummulation and economic growth. Macmulan and Co Ltd, chapter 10

Lê Thành Nghiệp and Lê Hữu Quy (2000). Measuring the impact of Doi Moi on Vietnam’s Gross Domestic Product. Asian Economic Journal 14, pp. 317-3332

Lê Trần Hảo và Lê Thanh Hà (2003). Đánh giá hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường, Đánh giá hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - tỉnh Đồng Tháp

Lucas R. (1988).  On The Mechanics Of Economic Development, Journal Of Monetary Economics, 3-42

Lucas R. (1993). Making a Miracle. Econometrica 61(2), pp. 251-272

Michelle W.L.Fong (2011). Chinese SMEs and Information Technology Adoption.  Issues in Informing Science and Information Technology, Vol. 8, 2011

Mirmahdi Darbanhosseiniamirkhiz and Wan Khairuzzaman Wan Ismail (2012). Advanced Manufacturing Technology Adoption in SMEs: an Integrative Model. Journal of Technology Management & Innovation, 2012

Morteza Ghobakhloo, Daniel Arias Aranda, Jose Benitez Amado (2011). Information technology implementation success within SMEs in developing countries: An interactive model, POMS 22nd Annual Conference: Operations management

Murzidah Ahmad Murad and John Douglas Thomson (2011) The importance of technology diffusion in Malaysian Manufacturing SMEs,. The IACSIT Press, Singapore

Ngân hàng Thế giới (2019). Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045

Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Đảng về đổi mới mô hình TTKT, nâng cao chất lượng tăng trưởng, NSLĐ, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Nguyễn Kim Chung (2004). Chuyển giao qui trình kỹ thuật sản xuất lúa và so sánh hiệu quả kinh tế với qui trình sản xuất lúa của nông dân

Nguyễn Ngọc Đệ (2009). Đánh giá mô hình cung cấp thông tin tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Vĩnh Long

Pluvia Zuniga, Fernanda de Negri, Mark A.Dutz, Dirk Pilat, Andre Rauen (2016). Conditions for Innovation in Brazil: A Review of key issues and policy challenges. Institute for Applied Economic Research- Ipea, 2016.

Porter M.E. (2008). Lợi thế cạnh tranh. Nhà xuất bản Trẻ.

Pradhan R, Norman N and Bele S. (2014). Economic Growth and the Development of Telecommunications Infrastructure in the G-20 Countries:  A Panel-VAR Approach, Telecommunications Policy, 38, 634-649

Romer D. (1986). Increasing Returns and Long-Run Growth. Journal Of Political Economy. 1002-1037

Romer D. (1990).  Endogenous Technological Change. Journal of Political Economy. 71-101

Sefer Sener and Ercan Saridogan (2011). The Effects of Science- Technology- Innovation on Competitiveness and Economic Growth, Procedia Social and Behavioral Sciences. 815-828

Sen A. (1999). Development as Fredoom. Published in the United States by Anchor Books

Shin Dong Ho, Kim Mi Sun, Lee Byeong Hee and Kim Jae Soo (2015). Factor analysis for Improved Commercialization of Technologies Developed on Korea National R&D Projects. Indian Journal of Science and Technology, Vol. 8, 2015

Solow R. (1956). A Contribution to the Theory of Economic Growth. Quarterly Journal of Economics 70(1), pp. 65-94

Stiglitz J. (2000). Economics of the Public Sector. W.W. Norton & Company

Trần Công Quân và Đặng Kim Vui (2013). Kết quả áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho trồng rừng nguyên liệu công nghiệp ở vùng Đông Bắc – Việt Nam

Võ Thành Danh, Nguyễn Hữu Đặng, Lê Tín, Ong Quốc Cường (2015). Đề tài cấp thành phố: Giải pháp CDCCKT Thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. UBND TP. Cần Thơ

Võ Thành Danh, Ong Quốc Cường, Trương Thị Thuý Hằng, Nguyễn Thị Lương, Phan Thị Ánh Nguyệt, Bùi Lê Thái Hạnh, Phan Văn Phùng, Huỳnh Văn Tùng (2021). Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí khoa học Đại học Cửu Long, số 23 (9-2021), 26-37

Võ Thành Danh (2022). Nghiên cứu xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030. Báo cáo tổng kết nhiệm vụ khoa học công nghệ đề tài cấp tỉnh.

Yun Jeong Choi, Byungcheol Kim, Jeongsik Lee and Jongtaik Lee (2015). Study for Technology Commercialization Ecosystem Models through Case Studies in the Southern Region of the United States. Indian Journal of Science and Technology, Vol. 8

 

 

[1] Trường Đại học Cần Thơ

[2] Theo bài học kinh nghiệm về cải cách kinh tế Trung Quốc.

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 69

Hôm qua 103

Trong tuần 298

Trong tháng 1603

Tất cả 80435