ĐBSCL hiện đang đối mặt với vấn đề nghịch lý của sự phát triển. Đó là, một vùng kinh tế có nhiều lợi thế tiềm năng - đặc biệt là nông nghiệp, nhưng lại không phát triển mạnh được từ nông nghiệp, thậm chí một nền nông nghiệp chưa chịu thay đổi theo xu thế nông nghiệp hiện đại đang trở thành gánh nặng cho triển vọng phát triển.

Võ Thành Danh

Kiến tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

PGS.TS. Võ Thành Danh

Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ

 

I GIỚI THIỆU CHUNG

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm quốc gia với hơn 12% diện tích và 19% dân số cả nước, tạo ra khoảng 15% GDP của cả nước và đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa cao độ, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các yếu tố khác đến từ hoạt động của con người trong sử dụng và khai thác tài nguyên một cách tùy tiện, thiếu tính bền vững.

Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã xác định yêu cầu cần có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược và các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ để phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện mới. Đó là, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn và là địa điểm thu hút đầu tư quốc tế theo hướng: (i) phát triển nền kinh tế số, phát triển các dịch vụ giáo dục, y tế tốt hơn; (ii) tận dụng các cơ hội, xu hướng phát triển trên thế giới trong các lĩnh vực như phân tích xã hội, dịch vụ máy tính, khoa học đời sống, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo và (iii) đầu tư trọng điểm vào giáo dục và dạy nghề. Cũng theo tầm nhìn này, ĐBSCL được định hướng để trở thành một vùng trù phú, hướng đến phát triển kinh tế bền vững và thích ứng hơn, dựa trên ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản có giá trị cao hơn, các ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ tiên tiến, bao gồm các dịch vụ công nghệ thông tin, du lịch sinh thái, hạ tầng và cộng đồng có tính thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, một trong bốn quan điểm phát triển theo tinh thần Nghị quyết này là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh; chuyển hóa những nguy cơ, thách thức thành cơ hội để phát triển.

ĐBSCL hiện đang đối mặt với vấn đề nghịch lý của sự phát triển. Đó là, một vùng kinh tế có nhiều lợi thế tiềm năng - đặc biệt là nông nghiệp, nhưng lại không phát triển mạnh được từ nông nghiệp, thậm chí một nền nông nghiệp chưa chịu thay đổi theo xu thế nông nghiệp hiện đại đang trở thành gánh nặng cho triển vọng phát triển. Nói cách khác, mặc dù ĐBSCL có nhiều lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại không có lợi thế cạnh tranh, chưa chủ động xây dựng được nền nông nghiệp mạnh. Điều này cho thấy vai trò của các chính sách, chiến lược phát triển ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và cũng như chưa tạo ra được những đột phá trong phát triển. Nội dung chính của bài viết này tập trung vào phân tích các điều kiện phát triển, nghịch lý phát triển và tìm kiếm những đột phá chiến lược, các động lực phát triển trong điều kiện của ĐBSCL. Từ những quan điểm phát triển trong điều kiện mới và tình hình mới nêu trên, vấn đề nhận dạng, xác định các động lực phát triển mới cho ĐBSCL là đòi hỏi cấp thiết trong thực tế và cần được minh chứng bằng các lý luận khoa học nhằm phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững trong thời gian tới. Mục tiêu của bài viết là: (i) hệ thống cơ sở lý luận về phát triển, đặc biệt là các nguyên lý phát triển kinh tế vùng; (ii) phân tích, đánh giá thực trạng phát triển, tập trung vào những hạn chế, nút thắt phát triển của ĐBSCL và (iii) đề xuất các hàm ý chính sách phát triển ĐBSCL theo hướng ổn định, bền vững.

II PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Khung nghiên cứu

Cơ sở phân tích của bài viết này được thực hiện theo khung phân tích như Hình 1. Theo đó, kết hợp phân tích lợi thế so sánh với phân tích kinh tế vùng và đối sánh với phân tích thực trạng phát triển ĐBSCL cho phép nhận dạng các điểm nghẽn phát triển cần giải quyết. Tiếp theo, từ các mục tiêu phát triển (sứ mệnh, tầm nhìn) và chiến lược phát triển đặt ra cho vùng trong từng giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050 để xác định các can thiệp chính sách thích hợp nhằm tạo động lực phát triển mới cho ĐBSCL trong giai đoạn mới.

Hình 1: Khung lý thuyết về kiến tạo động lực phát triển ĐBSCL

2.2 Lý thuyết về lợi thế so sánh

Một trong các lý thuyết lợi thế so sánh có thể được sử dụng phù hợp trong bối cảnh bài viết này là Lý thuyết lợi thế so sánh của Heckscher – Ohlin (Mô hình Heckscher-Ohlin-Samuelson hay Mô hình Heckscher-Ohlin-Vanek). Theo mô hình này, một quốc gia sẽ sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều một cách tương đối các yếu tố sản xuất dồi dào với chi phí thấp và nhập khẩu những mặt hàng mà việc sản xuất mặt hàng đó đòi hỏi sử dụng nhiều các yếu tố khan hiếm và chi phí cao đối với quốc gia đó. Một cách tương đối, Mô hình Heckscher – Ohlin cũng có thể được áp dụng cho trường hợp nền kinh tế vùng như ĐBSCL với tư cách là một vùng đồng nhất (xem thêm về nguyên lý phát triển kinh tế vùng dưới đây). Như vậy, theo Mô hình Heckscher – Ohlin, việc quyết định sản xuất và trao đổi như thế nào của vùng ĐBSCL phụ thuộc vào mức độ dồi dào hay khan hiếm tài nguyên một cách tương đối so với các vùng kinh tế trọng điểm khác của Việt Nam và kể cả phương diện thương mại quốc tế. Đối với ĐBSCL, vùng có lợi thế so sánh về tài nguyên nông nghiệp, Mô hình Heckscher – Ohlin gợi ý một định hướng chiến lược phát triển về xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, mang tầm vóc quốc gia và cả thế giới.

2.3 Nguyên lý phát triển kinh tế vùng

Theo lý thuyết kinh tế vùng (Hoover & Fisher 1949; Richardson 1979), ba đặc trưng của kinh tế vùng bao gồm những vấn đề sau đây: (i) lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên (natural-resource advantages), (ii) cấu trúc của nền kinh tế vùng (economies of concentration), và (iii) chi phí chuyển dịch (costs of transport and communication). Dựa trên ba đặc trưng này, phân tích kinh tế vùng bao gồm: (i) kết nối sản xuất, kết nối thị trường; (ii) kinh tế không gian; (iii) chuyển dịch nội vùng và ngoại vùng; (iv) phát triển đô thị vùng; và (v) chiến lược và chính sách phát triển vùng. Đặc biệt, cả tính đồng nhất và đa dạng của vùng đều tạo nên tính đặc thù, độc đáo của vùng kinh tế đó để tạo ra lợi thế so sánh chung của toàn vùng thông qua chiến lược, chính sách phát triển vùng; đó là, hình thành các yếu tố kết nối (agglomerative factors) để tạo ra động lực phát triển cho toàn vùng từ việc bố trí, khai thác nguồn lực, tổ chức sản xuất đến thị trường (nội vùng và ngoại vùng) dựa trên các quy luật thị trường. Nguyên lý kinh tế vùng cho phép bố trí không gian kinh tế của vùng bao gồm sử dụng đất và phát triển không gian đô thị theo hướng hiệu quả, tối ưu.

2.4 Trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long

Dựa trên hai căn cứ về lợi thế so sánh và phát triển kinh tế vùng trong bối cảnh của ĐBSCL, có những vấn đề về động lực phát triển sau đây cần được nhận dạng:

Một là, về lợi thế so sánh vùng, đây là yếu tố quan trong để lựa chọn các chiến lược phát triển phù hợp, bền vững cho ĐBSCL. Với sự dồi dào, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên biển và đa dạng sinh học, ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, với hệ thống sông rạch chằng chịt – một lợi thế giao thông thủy chỉ vài nơi trên thế giới có được , ĐBSCL có thể phát huy tốt yếu tố “địa lợi” trong việc tổ chức vận chuyển hàng hóa với chi phí thấp, kết nối dễ dàng giữa khu vực sản xuất với khu vực tiêu thụ. Điều này giúp phát triển thị trường dễ dàng và hiệu quả hơn so với những nơi ít có hệ thống giao thông thủy thuận lợi như vậy. Kế đến, ĐBSCL là vùng kinh tế lớn có vị trí địa lý-chính trị quan trọng của đất nước, giáp với tuyến đường biển (cả Biển Đông và Biển Tây) và tuyến đường bộ kết nối với các nước ASEAN; đây thật sự là “mỏ vàng” mà ĐBSCL đang sở hữu nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Tất cả các lợi thế so sánh nêu trên của vùng ĐBSCL chưa được đầu tư, khai thác hợp lý nên lợi thế so sánh của vùng ĐBSCL chưa chuyển thành lợi thế cạnh tranh của vùng, thậm chí một số yếu tố lợi thế nêu trên đang quay ngược lại tạo ra không ít trở ngại cho sự phát triển của vùng trong thời gian qua. Chẳng hạn, hạ tầng giao thông đường bộ kém phát triển do hạn chế của vùng sông rạch chằng chịt làm cho “chiều sâu thị trường” bị giới hạn và khó thu hút đầu tư bao gồm đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ĐBSCL.

Hai là, các vấn đề có tính nguyên lý về phát triển kinh tế vùng chưa được giải quyết và đầu tư đúng mức. Đầu tiên, để tạo ra một vùng kinh tế có tính đồng nhất từ sản xuất đến thị trường cần có hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối đồng bộ trong nội vùng và ngoại vùng. Điều này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển các ngành kinh tế chủ yếu. Cơ cấu ngành kinh tế giữa các khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ còn lạc hậu, chậm thay đổi theo xu thế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Kế đến là chưa có một chiến lược đầu tư đúng mức, hiệu quả để xây dựng ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế có tính khác biệt mang lại lợi thế so sánh về đa dạng trong sản xuất, các cụm sản xuất, khu vực sản xuất quan trọng của vùng. Về nguyên lý phát triển kinh tế vùng, cả hai yếu tố đồng nhất và khác biệt của vùng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn nhất cho vùng khi chúng được hoạch định và đầu tư đúng.

Ba là, tư duy phát triển gán cho ĐBSCL phải gánh vác về an ninh lương thực cho cả nước trong thời gian dài dẫn đến chiến lược đầu tư của vùng chủ yếu hướng về đầu tư để khai thác tài nguyên nông nghiệp, phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó đầu tư nhiều vào hệ thống thuỷ lợi (Phan Khánh, 2005). Điều này làm cho cơ cấu đầu tư giữa các ngành kinh tế không cân đối và thiếu một chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Nhiều đầu tư trước đây còn manh mún, cục bộ dẫn đến hiệu quả đầu tư bị hạn chế ở mức độ toàn vùng. Từ khi Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành đến nay, chiến lược đầu tư phát triển ở ĐBSCL đã có sự thay đổi . Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên cho tư duy mới về phát triển ĐBSCL trong bối cảnh phát triển mới.

III THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG ĐIỄM NGHẼN PHÁT TRIỂN

3.1 Thực trạng phát triển

Trong giới hạn của bài viết này, một số hạn chế về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL được trình bày dưới đây:

Một là, tăng trưởng kinh tế toàn vùng ĐBSCL còn chậm và mô hình tăng trưởng kinh tế chậm đổi mới. Theo Võ Hùng Dũng (2012), tăng trưởng kinh tế ĐBSCL đang tụt dần. Theo góc độ nền kinh tế địa phương, tính đến năm 1986, quy mô nền kinh tế vùng ĐBSCL gấp 1,5 lần quy mô nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm sau, đến năm 2000 xu hướng đã đảo ngược; đó là, quy mô nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã gấp 1,5 lần quy mô nền kinh tế vùng ĐBSCL. Một trong những kết luận quan trọng trong nghiên cứu này chỉ ra rằng do quy mô khai thác thì nhiều nhưng đầu tư phát triển cho vùng thì thấp . Bên cạnh đó, thực trạng tăng trưởng kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp và mô hình tăng trưởng chủ yếu là theo chiều rộng (Hà Thanh Toàn, 2015; Chính phủ, 2017; Võ Thành Danh, 2021, 2016, 2014). Mặt khác, quá trình thu hút vốn đầu tư phát triển toàn vùng bị hạn chế, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngay cả đối với khu vực nông nghiệp – một lợi thế của ĐBSCL (Phạm Vân Đình, 2006). Điều này dẫn đến trong thời gian dài, tích tụ vốn của ĐBSCL rất thấp trong khi đầu tư phát triển, đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ĐBSCL (Võ Hùng Dũng, 2012; Võ Thành Danh, 2016).

Hai là, đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng như hệ thống giao thông, cảng biển, logistics chưa đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng trong thời gian qua. Đặc biệt, việc thiếu và không đồng bộ về hạ tầng giao thông đã làm cho nền kinh tế ĐBSCL vẫn mang đặc trưng chính là phát triển theo hướng cục bộ địa phương và sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo xu thế phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại. Hệ thống hạ tầng giao thông phụ thuộc nhiều và chủ yếu dựa vào hệ thống kết nối đường bộ quốc gia; đó là, hầu hết các sản phẩm của ĐBSCL hiện vẫn phải phân phối qua Thành phố Hồ Chí Minh trước khi được chuyển đi những thị trường trong nước và thế giới. Hệ thống giao thông thủy nhìn chung chưa được phát triển. Hệ thống cảng biển phần lớn có quy mô nhỏ, thiếu những cảng biển mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Hệ thống logistics do vậy chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của một vùng kinh tế có lưu lượng vận chuyển hàng hoá lớn trong số bảy vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Ba là, sự phát triển giữa các khu vực kinh tế trong nền kinh tế vùng không đạt được sự cân đối và bền vững. Đóng góp của khu vực nông nghiệp vẫn còn lớn đối với nhiều nền kinh tế ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Thành tựu lớn nhất trong phát triển công nghiệp là công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành chế biến nông sản ĐBSCL còn thấp. Tỷ trọng kinh tế Khu vực III mặc dù cao nhưng lại là kết quả đặc trưng của nền kinh tế nhỏ lẻ, không phải là xu thế mà sự phát triển tuân theo quy luật phát triển với các giai đoạn phát triển tuần tự, nối tiếp nhau trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - thương mại, dịch vụ (Hà Thanh Toàn, 2015; Võ Thành Danh, 2016). Đặc biệt, ĐBSCL chưa có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, ngay cả liên quan trực tiếp với ngành nông nghiệp của mình.

Bốn là, xu hướng di dân và chuyển dịch lao động của ĐBSCL là ra ngoài vùng (net out-migration), đặc biệt là di dân đến vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Điều này gây ra áp lực thiếu nguồn lực lao động cho phát triển công nghiệp tại chỗ. Mặt khác, với ý nghĩa tích cực hơn, vấn đề chuyển dịch lao động ra ngoại vùng sẽ góp phần tạo ra một thị trường lao động hiệu quả hơn và đồng thời tạo cơ hội cho quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp diễn ra nhanh hơn dưới áp lực của thiếu hụt lao động, nhất là lao động nông nghiệp.

Năm là, ĐBSCL vẫn có sự tụt hậu về phát triển giáo dục so với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng (Chính phủ, 2017; Võ Thành Danh, 2016).

Sáu là, bên cạnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tác động lớn từ thượng nguồn của sông Mê Công gây ra nhiều áp lực lên con người, nguồn lực, tài nguyên, môi trường và hệ sinh thái đồng bằng. Điều này đòi hỏi một nguồn đầu tư phát triển lớn để giảm thiểu tác động, chống chịu với thiên tai (khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển) cho mục tiêu phát triển bền vững của ĐBSCL (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020; Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2014).

3.2 Những điểm nghẽn phát triển

Dựa trên các luận cứ phát triển về lợi thế so sánh, phát triển kinh tế vùng và đối sánh với những phân tích, đánh giá thực trạng phát triển của ĐBSCL, một số nhận định về các điểm nghẽn phát triển mà ĐBSCL đang đối mặt được đưa ra như sau:

Một là, các chiến lược phát triển ĐBSCL đến nay chưa khai thác hết lợi thế về vị trí địa lý - chính trị đặc biệt của một khu vực đồng bằng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch lớn, nhỏ, chằng chịt mà không ít nơi có được để bố trí, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù mang bản sắc độc đáo của vùng.

Hai là, ĐBSCL đang thiếu tính kết nối vùng (cả nội vùng và ngoại vùng), chưa khai thác hết lợi thế so sánh của vùng với tư cách là một vùng đồng nhất và với tư cách là một vùng có nhiều sự khác biệt, đặc trưng tạo ra sự đa dạng của toàn vùng trong một hệ thống kinh tế - xã hội thống nhất.

Ba là, nguồn lực tích lũy nội bộ cho đầu tư phát triển của vùng ĐBSCL còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển của vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, cảng biển, logistics còn thiếu, yếu và chưa kết nối đồng bộ trong nội vùng với ngoại vùng. Điều này gây ra nhiều bất cập trên thị trường, sản xuất manh mún, gián đoạn giữa sản xuất với sản xuất và giữa sản xuất với tiêu thụ hàng hoá. Kết quả là, chi phí sản xuất và chi phí chuyển dịch – transfer costs (chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản, chi phí logistic,…) bình quân của vùng còn cao, chưa đạt hiệu quả về kinh tế.

Bốn là, nhiều hạng mục đầu tư phát triển chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu phát triển của vùng, chưa đầu tư đúng trọng điểm, đầu tư còn phân tán, thiếu tập trung do thiếu chính sách liên kết vùng.

Năm là, ĐBSCL còn thiếu những đột phá chính sách có tính liên ngành và liên tỉnh. Những thách thức và cơ hội, tiềm năng liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi những chính sách theo cách tiếp cận vùng hơn là tính địa phương. Những can thiệp (hay chính sách) cho đến nay phần lớn mang tính cục bộ, riêng lẻ ở từng tỉnh hoặc được tổ chức theo từng ngành. Điều này có nghĩa là chưa có nhiều giải pháp, chính sách ở cấp độ vùng dẫn đến tính hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư phát triển thậm chí có thể gây ra những tác động tiêu cực không lường trước được, dễ rơi vào những đầu tư hối tiếc, làm chệch hướng phát triển bền vững của vùng.

IV GIẢI PHÁP KIẾN TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

4.1 Giải pháp chung

Xu thế phát triển kinh tế hiện nay trên thế giới đòi hỏi sự đổi mới tiếp tục nền kinh tế Việt Nam theo cách tiếp cận phát triển bền vững, nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Xã hội công nghiệp 5.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong trường hợp của nền kinh tế vùng ĐBSCL, các phân tích ở trên đã mô tả thực trạng phát triển và các điểm nghẽn phát triển làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Trong phạm vi bài viết này, các giải pháp kiến tạo động lực phát triển vì mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL được đưa ra như sau:

Một là, cần xây dựng mô hình phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL theo ba trụ cột Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Căn cứ vào các tiêu chí phát triển bền vững quốc gia, các chỉ tiêu phát triển, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cần được cân đối, đồng bộ hóa trong mô hình phát triển này. Điều này đòi hỏi các chính sách về chuyển dịch nguồn lực nội ngành và chuyển dịch nguồn lực giữa các ngành theo hướng tăng năng suất lao động, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ cao và đổi mới mô hình tăng trưởng bằng cách ưu tiên tăng cường đầu tư cho các nguồn lực mới (khoa học và công nghệ, giáo dục, công nghệ số,…) bên cạnh duy trì các nguồn lực truyền thống như vốn và lao động.

Hai là, thực thi có hiệu quả và hiệu lực các chính sách liên kết vùng giữa các tỉnh ĐBSCL nhằm tạo ra những cụm kinh tế - xã hội phát huy được lợi thế so sánh của từng cụm liên kết trong nội vùng và kết nối với nhau trong toàn vùng. Phát huy vai trò của Hội đồng điều phối ĐBSCL trong việc sử dụng và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển ưu tiên cho các dự án cấp vùng.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm về giao thông, cảng biển, logistics nội vùng và ngoại vùng nhằm tạo lối ra rộng lớn cho hàng hoá của toàn vùng.

Bốn là, phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số.

Năm là, đẩy mạnh phát triển giáo dục dạy nghề cùng với giáo dục bậc cao, phát triển dịch vụ giáo dục. Hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KHCN bậc cao.

Sáu là, phát triển công nghiệp chế biến, chế biến nông sản; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phục vụ cho ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.

Bảy là, phát triển nông nghiệp số cùng với đầu tư phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số.

Tám là, khai thác và đẩy mạnh phát triển du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc vùng ĐBSCL.

Chín là, hoàn thành quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL với các mục tiêu phát triển bền vững và các đột phá chính sách với một cơ chế phát triển đặc thù cho ĐBSCL.

4.2 Các giải pháp đột phá

Nhằm thúc đẩy nhanh sự chuyển đổi nền kinh tế vùng ĐBSCL và chuẩn bị đầy đủ cho quá trình phát triển lâu dài, trong giai đoạn 2022-2030, các giải pháp đột phá sau đây được đề xuất:

Một là, xây dựng và triển khai nhanh cơ chế chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp phát triển nền kinh tế nông nghiệp giá trị gia tăng cao (value added agri-economy) với phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió và năng lượng mặt trời) và nền kinh tế dựa trên du lịch xanh (green tourism economy) theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP, cụ thể:

+ Nhanh chóng xây dựng các vùng, liên vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn đối với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản, cây ăn trái, lúa chủ yếu theo hướng chuyên môn hoá cao độ.

 

Nguồn: Bộ Xây dựng (2018)

Hình 2: 06 vùng sinh thái nông nghiệp ở ĐBSCL

 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

Hình 3: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở ĐBSCL

+ Phát triển nhanh nền công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) tại vùng ven Biển Đông, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

Hình 4: Các dự án năng lượng ở ĐBSCL

+ Tập trung nguồn vốn đầu tư công phát triển hạ tầng kinh tế du lịch, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ và thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là hai địa phương có điều kiện tạo đột phá và thúc đẩy mau chóng du lịch toàn vùng ĐBSCL.

v

 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

Hình 5: Quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL

 

Hai là, thực hiện nhanh các dự án đầu tư giao thông lớn kết nối nội vùng bao gồm hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông ven biển làm tiền đề cho phát triển thị trường toàn vùng.

 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021)

Hình 6: Phát triển đường bộ, trung tâm đầu mối và cảng ở ĐBSCL

Ba là, tập trung đầu tư vào dịch vụ giáo dục tại thành phố Cần Thơ – là địa phương hạt nhân cung cấp nguồn nhân lực và ứng dụng KHCN chung cho toàn vùng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (2021). Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014). Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Bộ Xây dựng (2018). Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2018-2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Chính phủ (2017). Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại học Cần Thơ (2021). Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long: SDMD forum. Website: https://sdmd2045.ctu.edu.vn - Facebook: https://facebook.com/sdmd2045

Edgar M. Hoover, Joseph L. Fisher (1949). Research in Regional Economic Growth. National Bureau of Economic Research. http://www.nber.org/chapters/c9514

Hà Thanh Toàn (2015). Tổng kết 30 năm đổi mới Thành phố Cần Thơ, giai đoạn 1986-2016. Đề tài NCKH cấp thành phố.

Leamer, Edward E. (1995). The Heckscher-Ohlin Model in Theory and Practice. Princeton Studies in International Economics.

Phạm Vân Đình (Chủ biên) (2006). Nghiên cứu lợi thế so sánh của các sản phẩm đặc trưng ở các vùng sinh thái Việt Nam. NXB Nông nghiệp.

Phan Khánh (2005). Nam bộ 300 năm làm thuỷ lợi. NXB Nông nghiệp.

Richardson, H. W. (1979). Regional Economics. Urbana, University of Illinois Press.

Tony Killick (1995). Nền kinh tế thích nghi. NXB Chính trị Quốc gia.

Võ Hùng Dũng (2012). Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. NXB Đại học Cần Thơ.

Võ Thành Danh (2014). Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đề án cấp thành phố.

Võ Thành Danh (2018). Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030. Đề tài NCKH cấp thành phố.

Võ Thành Danh (2021). Nghiên cứu xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030. Đề tài NCKH cấp tỉnh.

Võ Thành Danh (Chủ biên) (2016). Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long: Thành tựu và thách thức. NXB Đại học Cần Thơ.

William Easterly (2002). Truy tìm căn nguyên tăng trưởng. NXB Lao động – Xã hội.

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

MẠNG XÃ HỘI


Facebook
Youtube
Instagram

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 236

Hôm qua 446

Trong tuần 1813

Trong tháng 11365

Tất cả 28222