Chiếm khoảng 18% dân số cả nước, ÐBSCL với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi và nguồn lao động dồi dào được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.

Lâm Bá Khánh Toàn

Xây dựng nguồn nhân lực phục vụ ĐBSCL phát triển bền vững

Nghị quyết 120 đã khẳng định rõ vai trò của vùng đồng bằng với sự đóng góp tới 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, vùng bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu như tình trạng hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và những tác động của dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển bền vững của vùng. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần tìm ra “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề về phân loại, đào tạo nguồn nhân lực, xác định cơ cấu nền kinh tế phù hợp của vùng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững...

Chiếm khoảng 18% dân số cả nước, ÐBSCL với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi và nguồn lao động dồi dào được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 120 đã khẳng định rõ vai trò của vùng đồng bằng với sự đóng góp tới 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, vùng bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu như tình trạng hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và những tác động của dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển bền vững của vùng. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần tìm ra “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề về phân loại, đào tạo nguồn nhân lực, xác định cơ cấu nền kinh tế phù hợp của vùng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững...

Một số vấn đề nguồn nhân lực ĐBSCL

Với khoảng 10 triệu lao động, chiếm khoảng 59% dân số vùng, ÐBSCL đang có nguồn lao động tiềm năng tương đối dồi dào với so với các khu vực khác. Tuy nhiên, quá trình phát triển nguồn nhân lực của vùng phục vụ phát triển bền vững vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định.

Trước hết, chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo, bồi dưỡng nghề còn rất cao. Theo thống kê năm 2019, lực lượng lao động của vùng đã qua đào tạo là thấp nhất nước với 13,6% so với tỷ lệ trung bình cả nước là 22,8%. Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có tâm lý chủ quan với tiềm năng, khí hậu thổ nhưỡng ôn hòa, đất đai màu mỡ… Hiện nay với sự tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài đã tác động rất lớn đời sống của người nông dân trong thời gian gần đây. Phải chăng đã đến lúc người dân đồng bằng cần có cái nhìn thẳng thắn, thay đổi nhận thức để có những ứng xử phù hợp đối với giáo dục, đào tạo nghề hướng tới phục vụ phát triển vùng trong thời kỳ mới.

Thị trường lao động của khu vực chưa đủ sức hấp dẫn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có tay nghề. Ðặc thù của vùng là phát triển kinh tế nông nghiệp và những ngành công nghiệp thâm dụng như giày da, may mặc hay chế biến thủy sản. Khu vực chưa có môi trường phát triển của lực lượng lao động trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ cao và công nghiệp. Ðặc biệt, mức thu nhập trung bình vùng lại quá thấp (3,588 triệu đồng/tháng) so với khu vực lân cận là Ðông Nam Bộ (5,709 triệu đồng/tháng) nên điều tất yếu là hiện tượng xuất cư lao động lớn. Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ðại học Fulbright thì trong giai đoạn 2009-2019 đã có khoảng 1,1 triệu người rời bỏ khu vực, tỷ lệ này lớn hơn cả sự tăng trưởng dân số tự nhiên của vùng. Có thể thấy đây là vấn đề đáng báo động về việc “chảy máu chất xám”, mất nguồn lao động chất lượng cao của ÐBSCL để có thể phục vụ cho quá trình phát triển bền vững của vùng.

Quá trình đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo của ÐBSCL chưa được chú trọng đúng mức. Mặc dù luôn bị đánh giá là vùng trũng về giáo dục của cả nước, nhưng thực tế ÐBSCL có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, từ hệ thống đào tạo nghề bậc trung cấp cho đến cao đẳng, đại học thậm chí là sau đại học. Nhiều trường đại học đa ngành đóng góp phát triển nguồn nhân lực cho vùng như Trường Ðại học Cần Thơ, Trường Ðại học Trà Vinh, Trường Ðại học Ðồng Tháp, Trường Ðại học An Giang... Thậm chí một số ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản của Trường Ðại học Cần Thơ được Bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Ðại học theo lĩnh vực chuyên môn của QS công bố vào năm 2020 xếp hạng nhất tại Việt Nam và nhóm hạng 251-300 trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo bài bản thì nguồn nhân lực được đào tạo và cơ hội việc làm, nhu cầu lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng lại có sự khập khiễng rất lớn.

ÐBSCL vẫn chưa có một chính sách toàn diện cho nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững của vùng. Mặc dù, nguồn nhân lực được xem là điều kiện tiên quyết cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tuy nhiên hiện nay các cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành một chính sách riêng để tập trung phát triển nguồn nhân lực của vùng. Các địa phương vẫn chưa có sự thống kê, bố trí và phân loại người lao động thành nhóm ngành nghề để có chính sách, chương trình đào tạo cụ thể, phù hợp để góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng trong thời gian tới.

Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL

Mục tiêu phát triển bền vững trong Nghị quyết 120/NQ-CP đã xác định rõ “Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng…”. Thực hiện yêu cầu trên, nguồn nhân lực ở ÐBSCL cần được hoạch định phát triển theo hướng tiến bộ trong tư duy cũng như áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới và các yếu tố quan trọng khác để vận dụng trong thực tiễn và đa phần các mục tiêu đều gắn liền đến vấn đề nguồn nhân lực và doanh nghiệp với sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội. Một vài gợi ý về quá trình phát triển nguồn nhân lực cần được quan tâm như sau:

Thứ nhất, cần chú trọng đầu tư toàn diện và bài bản cho quá trình đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao và đào tạo nghề đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất. Theo đó, các địa phương cần định hướng giáo dục nghề đảm bảo cho người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp cận việc làm cơ bản. Ðẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp để nâng cao về năng suất, thu nhập, sẵn sàng về lao động với kỹ năng nghề nghiệp gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao từ kỹ thuật đến lãnh đạo để quản trị sự thay đổi của vùng trước thiên nhiên.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao, có tay nghề nhằm đóng góp năng lực, trí tuệ cho phát triển bền vững vùng trước các thách thức của biến đổi khí hậu. Giải pháp này cần sự chung tay từ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cho đến cả hệ thống cơ quan nhà nước. Phải nhanh chóng củng cố chính sách an sinh xã hội, phúc lợi về y tế cơ sở cùng nhà ở, giáo dục cho trẻ em cũng như các hỗ trợ đặc thù cho lao động nữ nhằm góp phần giải tỏa áp lực đối người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong giai đoạn tăng cường sản xuất và kinh doanh phục hồi sau dịch.

Thứ ba, các địa phương tại ÐBSCL cần thực hiện ngay công tác thống kê phân loại lao động dựa trên trình độ, kinh nghiệm và ngành lĩnh vực thành các nhóm để có chích sách phù hợp. Việc phân tích và thống kê nhóm lao động sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là xác định rõ ngành, lĩnh vực nào đang thiếu hụt lao động, ngành nào hiện đang dư thừa nguồn nhân lực do sự chuyển dịch lao động từ vùng kinh tế Ðông Nam Bộ. Từ đó đề ra định hướng cho hoạt động xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, tiến hành tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề... một cách hiệu quả nhất, đảm bảo hiệu quả của năng suất lao động khi người lao động thực hiện các công việc đúng với chuyên môn đào tạo và đúng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Cuối cùng, xây dựng chương trình hành động tổng thể về nguồn nhân lực hướng tới việc xây dựng nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp hiện đại của vùng ÐBSCL. Lợi thế của vùng về điều kiện tự nhiên cần được phát huy tối đa gắn với phát triển kinh tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, gắn kết giữa các vùng trồng với các nhà máy chế biến. Lấy phát triển nền công nghiệp phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp, từ đó việc giảm sức lao động của nhân công cũng như ổn định thị trường, rút ngắn khoảng cách giữa người nông dân và các doanh nghiệp thu mua, tạo một chuỗi giá trị sản xuất mang lại giá trị cao hơn từ các sản phẩm nông nghiệp, tránh được tình trạng được mùa nhưng mất giá và ngược lại như trước nay.

Tác giả: Lâm Bá Khánh Toàn

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

MẠNG XÃ HỘI


Facebook
Youtube
Instagram

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 161

Hôm qua 270

Trong tuần 1342

Trong tháng 7502

Tất cả 36296