ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG NÔNG NGHIỆP – BƯỚC CHUYỂN CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG NÔNG NGHIỆP – BƯỚC CHUYỂN CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Title: Promoting high technology application in agriculture – A movement for economic development in the Mekong Delta

Nguyễn Thúy Duy1 và Hồ Thị Hà2*

1Tạp chí Cộng sản

2Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Cần Thơ

*Người chịu trách nhiệm về bài viết: Hồ Thị Hà (email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

Nguyen Thuy Duy1 and Ho Thi Ha2

1Communist Review

2School of Political Science, Can Tho University

*Correspondence: Ho Thi Ha (email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

 

 

ABSTRACT

The Mekong Delta (Northern Delta) - "The Southernmost Region - The Citadel of the Fatherland" holds a very important position in politics, economy, society, security, and defense and trade with ASEAN countries. The Mekong sub-region is, at the same time, the largest granary and center of seafood and fruit production in the country, playing an important role in ensuring national food security and export. For many years now, provinces and cities in the Mekong Delta have focused on developing agriculture and rural areas in the direction of "ecological agriculture, modern countryside, civilized farmers" based on high technology applications in the cultivation and production process has created many products of high economic value, contributing to improving people's lives. Through the implementation of the application of technology in agricultural production, many new models, and good practices have been popularized and replicated in many localities. Therefore, in the coming time, the whole region needs to deploy more solutions that are more integrated in practice.

Keywords: High technology, agriculture, economy, Mekong Delta

 

 

TÓM TẮT

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc” giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Công, đồng thời, là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Từ nhiều năm nay, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào quy trình nuôi trồng và sản xuất đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân. Qua triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được phổ biến và nhân rộng ở nhiều địa phương. Do đó, thời gian tới toàn vùng cần triển khai thêm nhiều giải pháp phù hợp hơn trong thực tiễn.

Từ khóa: công nghệ cao, nông nghiệp, kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long

 

  1. GIỚI THIỆU

Đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước[1]. Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi với đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước[2]; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên. Vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều,…

Phát triển công nghệ cao được xem là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Xác định rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ưu việt như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật,… vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả.

  1. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TẠI VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã và đang làm thay đổi căn bản phương thức quản lý và cách thức sản xuất, góp phần giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu các tác động bất lợi từ môi trường, nguồn nhân lực,... Do đó, ĐBSCL - trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, cần đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế của vùng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021, tốc độ tăng GRDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước[3]. ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% tổng sản lượng cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (83,51%), 1,472 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%)[4]. Nhận thức rõ về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đối với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng ĐBSCL triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây được xem là cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp nghiệp của vùng, nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, toàn ngành nông nghiệp của ĐBSCL đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật với việc ứng dụng công nghệ trong lai tạo giống lúa cực sớm (các giống OMCS), với lợi thế có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-100 ngày với năng suất, chất lượng cao và một số nhóm giống OM còn cho sản phẩm gạo thơm, có khả năng chống chịu tốt với phèn, mặn nên được nông dân lựa chọn để gieo trồng, nhất là trong vụ hè thu. Không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng lúa gạo ở vùng này không ngừng tăng. Để có được hạt gạo chất lượng, phải nói đến công nghệ hạt giống. ĐBSCL đã có những bước tiến đáng kể trên lĩnh vực này, tiêu biểu với các loại lúa đặc sản có chất lượng cao như: IR64, OM 1490, VN 95-20, MTC 250, lúa thơm đặc sản ST 25, lúa nàng thơm Chợ Đào, Jasmine,… phục vụ xuất khẩu ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng lớn về diện tích, sản lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, không chỉ có thế mạnh về lúa gạo mà còn là vựa trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước. Nhờ áp dụng khoa học - công nghệ vào trong việc ươm và lai tạo giống, nhiều giống cây ăn quả cho năng suất và chất lượng cao đã được tạo ra, như: giống bưởi da xanh; xoài cát Hoà Lộc; sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hoá, 6 Ri; vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim (Tiền Giang). Một số loại trái cây ngon, chất lượng cao, nổi tiếng tạo nên thương hiệu như nhãn tiêu, xoài cát (Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang), quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cam sành Tam Bình (Vĩnh Long),… Phát triển thành vùng chuyên canh, quy mô lớn, sản lượng hàng hóa nhiều, theo mô hình kinh tế trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn; đẩy mạnh và phát huy thế mạnh của vùng, nhằm bảo đảm chất lượng trái cây an toàn trước và sau thu hoạch, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Nuôi trồng, chế biến thuỷ sản cũng là thế mạnh của ĐBSCL. Vùng nước lợ thuộc các huyện Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nông dân đã khai hoang và chuyển hơn 40 nghìn ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Ở đây có nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, tôm lúa,… nhưng nuôi tôm theo công nghệ vi sinh đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều trang trại, nuôi tôm thẻ công nghiệp theo tiêu chuẩn AB, đạt năng suất từ 8 – 10 tấn/ha. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm có ưu điểm là tạo được môi trường nước sạch, bổ sung men tiêu hóa và chất vi lượng làm tăng khả năng hấp thụ thức ăn của tôm, hạn chế dịch bệnh, tôm phát triển nhanh, năng suất cao, chi phí thấp, từ đó thu hút hàng chục nghìn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL áp dụng công nghệ vi sinh cho thu nhập cao.

  1. HIỆU QUẢ KINH TẾ TỪ NHỮNG MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi được nông dân tích cực triển khai thực hiện mang lại hiểu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống cho nông dân, tiêu biểu như:

Mô hình trồng chuối ứng dụng công nghệ cao: Với việc áp dụng quy trình sản xuất chuối theo hướng công nghệ cao như: trồng từ cây giống nuôi cấy mô (khỏe, sạch sâu bệnh), chăm sóc theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, có lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và tự động hóa một số khâu trong thu hoạch nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà lưới kín: Đây là mô hình khá thành công đối với một số trang trại, cơ sở trên địa bàn vùng ĐBSCL. Dưa lưới được trồng trong điều kiện nhà kín, có lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và phương pháp sản xuất theo quy trình thủy canh đã đem lại năng suất và hiệu quả khá cao. Hay mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới tự động kết hợp biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ đã cho năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha, và doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/ha. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên gần đây đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: mô hình kinh tế dưới tán rừng; mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh; xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải. Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” được các địa phương chú trọng đã kích hoạt tài nguyên bản địa kết hợp với giá trị văn hoá địa phương. Nhiều sản phẩm nông nghiệp trong vùng đã xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản (dưa lưới, chuối,…), Hàn Quốc, Dubai (UAE) và Malaysia (chuối). Ngoài ra, công ty còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị như: MM Mega Market, Saigon Coop, Big C, Aeon, Lotte,...

Hiện nay, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư. Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà còn cả trong lĩnh vực chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát triển kinh tế toàn vùng. Việc áp dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ hiện đại giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí; giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để nên đã được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi hiện nay. Hầu hết các trang trại chăn nuôi công nghệ cao đều được xây dựng để đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm sú và cá tra.

Xác định rõ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là cơ hội cho phát triển nông nghiệp trong tương lai, nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho người dân và doanh nghiệp; phát triển Trung tâm dịch vụ cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp; tuyên truyền công nghệ cao. Song song đó, ngành chức năng của từng địa phương đã tập trung đưa ra các giải pháp tạo mô hình liên kết, tăng chuỗi liên kết cho sản xuất, đến nay đã hình thành được các hợp tác xã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình kinh tế tập thể được quan tâm củng cố và phát triển, có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả được mở rộng đầu tư, kinh doanh. Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tuy trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu,... nhưng những kết quả đạt được có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đem lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đã đề ra, qua đó đã góp phần đạt được kết quả trên nhiều mặt. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay chưa thật sự trở thành phong trào mạnh, chưa có sự tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL; quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm mới, mang tính đặc thù, độc đáo; hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều; việc thu hút vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều thách thức; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao. Song thực tế cho thấy, nguồn nhân lực có chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt ở vùng kinh tế kém phát triển. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học, công nghệ, xây dựng quy mô nền nông nghiệp công nghệ cao và thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh chưa tương xứng với chi phí đầu tư.

  1. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG THỜI GIAN TỚI

Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 18-6-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu” nêu rõ: “Mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị”. Do đó, thời gian tới, ĐBSCL cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và các hoạt động chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thông qua đầu mối là Sở Nông Nghiệp, các tỉnh và thành phố cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông), phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học (điển hình là Trường Đại học Cần Thơ), các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài tập hợp các dữ liệu, tài liệu, mô hình đã có, nghiên cứu, lựa chọn các mô hình, các quy trình, công nghệ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và tình hình sản xuất của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân loại bỏ các tập quán sản xuất lạc hậu, các giống cây trồng, vật nuôi năng suất thấp; chuyển giao, nhân rộng, tổ chức sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp họ chủ động nâng cao nhận thức về thực hành nông nghiệp tốt và cam kết tuân thủ theo các quy trình nuôi trồng do nhà khoa học và doanh nghiệp hướng dẫn; chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, nhà khoa học và doanh nghiệp tiếp nhận các kiến thức mới về thị trường, kỹ thuật canh tác mới, cách nuôi trồng khoa học. Tập trung nâng cao chất lượng sản xuất tại các cơ sở, vùng sản xuất giống hiện có, đồng thời rà soát, điều chỉnh bổ sung các vùng sản xuất giống nông nghiệp tập trung nhằm tạo ra cây, con giống có chất lượng tốt, năng suất cao, sạch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến góp phần tạo ra một nền nông nghiệp số, tự động hóa từ tưới tiêu cho đến hệ thống cảm biến nhằm phát hiện sớm những bất thường trong sản xuất để dự báo thông tin nhằm có những giải pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch như khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm tăng giá trị của nông phẩm trong xuất khẩu.

Ba là, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững nhằm mở ra các cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ. Thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa (logistics) từ khâu sản xuất - chế biến - bảo quản - thị trường tiêu thụ, để phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần thay đổi, điều chỉnh kỹ thuật tất cả các khâu trong quá trình sản xuất – chế biến, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu nông phẩm sang châu Âu, châu Mỹ, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị cho nông phẩm vùng ĐBSCL hiện nay.

Bốn là, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tổ chức và đào tạo các ngành nghề đáp ứng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương như: công nghệ sinh học; kỹ thuật nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản; chế tạo máy móc phục vụ sản xuất; sơ chế, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản,… Muốn vậy, phải quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, kết hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng vùng ĐBSCL, nhất là những trường đại học có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản lâu năm như Trường Đại học Cần Thơ để đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tạo mối liên kết với các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong vùng, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật, nhân lực của doanh nghiệp, người quản lý, kỹ thuật viên hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng công tác đào tạo tay nghề ngắn hạn và thường xuyên cho nông dân tham gia để thực hiện sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với các doanh nghiệp xây dựng, xúc tiến quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận “OCOP”, khuyến khích triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Năm là, xây dựng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại địa phương của mình, nhằm giúp các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu này có ưu đãi cao nhất về mặt bằng, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Hỗ trợ chi phí thiết kế đồng ruộng, cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chi phí đo đạc, lập hồ sơ, chuyển đổi đất đai giữa các tổ chức, hộ nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, không chỉ giúp các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu an tâm, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất tại địa phương, mà còn ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nông dân từ khâu hỗ trợ giống, kỹ thuật nuôi trồng đến khâu thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Thường xuyên kiểm tra và đo lường chất lượng sản phẩm để có những điều chỉnh kịp thời để hỗ trợ người nông dân. Còn người nông dân được tiếp cận với những thành tựu mới nhất trong sản xuất nông nghiệp, an tâm sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, giúp hạn chế đến chấm dứt tình trạng lo lắng “được mùa mất giá” dẫn đến chạy theo thị trường, tự phát trong trồng trọt và chăn nuôi. Đối với địa phương thì đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp - hình thành hệ thống logistics nhằm tăng giá trị nông phẩm và gia tăng hiệu quả kinh tế.

Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với quá trình phát triển bền vững của ĐBSCL. Nhằm nâng cao nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong vùng ĐBSCL; đổi mới tư duy, thay đổi tập quán sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao, bảo đảm các yêu cầu, quy định về chất lượng sản phẩm trong quá trình hội nhập. Tạo điều kiện tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ nước ngoài (thông qua hội nghị, hội chợ, triển lãm,… tại nước ngoài). Cần tiếp cận nhanh thông tin về các nghiên cứu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, thị trường,... trong sản xuất, thương mại để chỉ đạo và quản lý các ban ngành hoạt động hiệu quả.

Bảy là, tăng cường khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Thực hiện trí thức hóa, chuyên nghiệp hóa nông dân trở thành những doanh nhân ở nông thôn, biết sản xuất và kinh doanh giỏi. Hiện đại hóa, hợp tác hóa nông nghiệp và đô thị hóa, văn minh hóa nông thôn nhằm nâng cao thu nhập của nông dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

  1. KẾT LUẬN

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện nay là một đòi hỏi khách quan của thực tiễn, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, mà còn giúp nông dân giảm bớt được những tác hại của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh về chất lượng và giá trị của nông phẩm trong khu vực và quốc tế. Qua đó, giúp nông dân vùng ĐBSCL nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói nghèo, hạn chế tình trạng di dân và ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thông chính trị từ Đảng, Nhà nước đến người dân các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nông nghiệp. Đây là con đường duy nhất giúp ĐBSCL giữ vững được vị trí “là vựa lúa lớn của cả nước” và nhiệm vụ “đảm bảo an ninh lương thực và trọng điểm xuất khẩu nông phẩm của cả nước”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chính phủ, Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. https://www.mard.gov.vn/Pages/phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-vung-dong-bang-song-cuu-long.aspx (accessed Jun. 08, 2022).

Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị Số: 10/CT-TTg, ngày 18-6-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu

VCCI-Fulbright, Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020, Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.

Tổng cục Thống kê (2017-2020), Niên giám thống kê 2016-2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội

 

[1] Xem: Bài phát biểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[2] Phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. https://dangcongsan.vn/, ngày 27/6/2022

 

[3] Thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. https://dangcongsan.vn/, ngày 14/3/2022

[4] Nhiều lợi thế, vì sao Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển nhanh?. https://tienphong.vn/, ngày 06/3/2022

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 59

Hôm qua 118

Trong tuần 441

Trong tháng 3353

Tất cả 69071