ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Hồ Thị Hà1* và Nguyễn Thúy Duy2

1Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Cần Thơ

2Tạp chí Cộng sản

*Người chịu trách nhiệm về bài viết: Hồ Thị Hà (email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

 

TÓM TẮT

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với ưu thế về Nông – Lâm – Ngư nghiệp và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua các tỉnh và thành phố trong Vùng đã chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới. Trong bài tham luận này, nhóm tác giả đi sâu phân tích cơ hội và thách thức, đồng thời đề xuất các giải pháp góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số tại vùng ĐBSCL hiện nay.

Từ khóa: Chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế - xã hội, Đồng bằng sông Cửu Long

ABSTRACT

With the advantages of agriculture, forestry, and fishing as well as developed socio-economic infrastructure, the Mekong River Delta is one of the key economic regions in the south. Over the years, the provinces and cities in the region have undergone significant digital transformations across all sectors, yielding numerous significant outcomes and addressing the demands of integration and development in the new era. In this article, the writers thoroughly examine the potential and difficulties and provide solutions to support digital transformation in the Mekong Delta.

Keywords: Digital transformation, economy - society, industrial revolution 4.0, the Mekong Delta

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

 Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước. Trong những năm qua, với tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, ĐBSCL đã vươn lên, trở thành vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2022), đóng vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu đến sinh kế của người dân. ĐBSCL lại có nguy cơ “tụt hậu” xa hơn so với cả nước. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi số vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu tất yếu, khách quan nhằm nhanh chóng đưa vùng phát triển kịp với các vùng khác trong cả nước. Tuy nhiên, để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ĐBSCL cần nhận diện những thời cơ và thách thức để có những giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

  1. NỘI DUNG
    • Khái niệm và vai trò của chuyển đổi số

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), … để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty (Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, 2022).

Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào sự thành công chung của chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ, doanh nghiệp và cuộc sống của người tiêu dùng. Đối với Chính phủ, chuyển đối số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước. Đối với doanh nghiệp, những lợi ích dễ dàng nhận biết nhất của chuyển đổi số với doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, lãnh đạo dễ dàng báo cáo kịp thời và tối ưu hóa được năng suất công việc cho nhân viên… Theo đó, mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến chủ yếu là: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng… Những điều này làm tăng tính hiệu quả cũng như sự cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Đối với người tiêu dùng, chuyển đổi số cũng đang dần tác động vào trong cuộc sống khi có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Các giao dịch như: ngân hàng, mua sắm,… hoàn toàn có thể thực hiện qua mạng mà không cần phải đến tận nơi thực hiện.

Trước những lợi ích to lớn của chuyển đổi số, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần phân tích, đánh giá những thời cơ, thách thức để từ đó xây dựng cho mình những phương hướng, giải pháp cụ thể trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương.

  • Thời cơ và thách thức đối với vùng ĐBSCL trong quá trình chuyển đổi số

Về thời cơ

Thứ nhất, dưới sự định hướng của Đảng, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với mục tiêu tổng quát:

Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.... Định hướng đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…” (Bộ Chính trị, 2019, tr. 2-3).

Kế thừa và phát huy tinh thần đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã khẳng định: “Phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...Thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong quản trị quốc gia, quản trị nhà nước, sản xuất kinh doanh, tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên quốc gia...” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr. 132-133). Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Đảng, Chính phủ,các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL đã chủ động đề ra các nghị quyết nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi số tại địa phương mình, điển hình như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ “Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025”; Nghị quyết số 07-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình số 553/CTr-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh An Giang về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 195-KH/TU của Ban Thường Vụ tỉnh ủy Đồng Tháp về thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Thứ hai, toàn thể hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân vùng Tây Nam Bộ nhận thức nhanh chóng và kịp thời về chuyển đổi số. Họ có ý chí, khát vọng đưa ĐBSCL phát triển giàu mạnh, góp phần hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, khi có chủ trương của Đảng, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL đã nhanh chóng xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch triển khai ứng dụng, chuyển đổi số tại địa phương mình. Đồng thời, tuyên truyền, kêu gọi, hỗ trợ người dân thực hiện quá trình chuyển đổi số vào quá trình sản xuất và kinh doanh, cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ ba, ĐBSCL không phải chịu quá nhiều áp lực và tổn thất lớn khi chuyển đổi công nghệ và mô hình cũ. Bởi trong những năm qua, vùng đã khai thác tốt thế mạnh về tự nhiên và kinh tế, xã hội để đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, thủy sản, trái cây…, đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu. Với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp vùng ĐBSCL tích hợp được thế mạnh của mô hình cũ, cải tạo những bất cập để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian mà không cần bỏ ra chi phí quá lớn cho các dịch vụ vận chuyển, chăm sóc khách hàng, kết nối logistic…. Đồng thời, khi nghiên cứu, triển khai các mô hình chuyển đổi số cho vùng ĐBSCL, giữa chính quyền và các nhà mạng, các hãng công nghệ lớn sẽ nghiên cứu, cung cấp, triển khai các gói dịch vụ phù hợp, tiện dụng cho người tiêu dung vùng ĐBSCL, nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng công nghệ của người dân.

Thứ tư, ĐBSCL cũng có sự phát triển nhanh chóng trong hạ tầng công nghệ thông tin, tỷ lệ người dân sử dụng Internet tăng nhanh, mạng 3G, 4G, 5G đang từng bước phủ sóng về tận vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê của Unicef, vùng ĐBSCL trong năm 2020 – 2021, phần trăm hộ gia đình sở hữu đài, tivi, điện thoại cố định, điện thoại di động, máy tính và có thể truy cập internet tại nhà lần lượt là: Đài (8%), Tivi (87%), Điện thoại cố đinh (4%), Điện thoại di động (97%), máy tính tại nhà (20%), Internet tại nhà (72%). So với cả nước, phần trăm hộ gia đình ở ĐBSCL có tivi, điện thoại và internet cao hơn mức trung bình của cả nước (unicef, 2021). Đồng thơi, vùng lại có nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ. Chính trị ổn định, vị trí địa lý bằng phẳng và có nhiều tài nguyên để phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, du lịch… Đây chính là những điều kiện để ĐBSCL đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội

Về thách thức

Bên cạnh những thời cơ như đã phân tích, ĐBSCL cũng phải đối mặt với những thách thức, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số như sau:

Thứ nhất, tư duy và thói quen canh tác, sản xuất cũ. Hiện nay, một bộ phận cư dân Miền Tây đã sử dụng các phương tiện và thiết bị hiện đại, kết hợp với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Tuy nhiên, phần lớn nông dân ở đây vẫn có thói quen canh tác cũ, sử dụng các thiết bị, phương tiện thô sơ, lạc hậu, tư duy dựa trên kinh nghiệm truyền thống, cùng với tâm lý tận thu và tận khai thác nguồn tài nguyên, dẫn đến nhiều tài nguyên đang có nguy cơ cạn kiệt. Tư duy và tập quán này đang kìm hãm quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số ở các tỉnh và thành phố, ảnh hưởng đến việc tăng năng suất lao động và gia tăng hiệu quả kinh tế. Do đó, đòi hỏi Quốc Hội, Chính phủ cần điều chỉnh để đưa vào các văn bản pháp luật, nghiêm cấm việc sử dụng các phương tiện đánh bắt và khai thác mang tính hủy diệt. Đồng thời, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị hướng dẫn đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, phải có sự tuyên truyền của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để giáo dục cho nhân dân thấy được lợi ích từ việc chuyển đổi số đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL trước những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu hiện nay.

Thứ hai, về hành lang pháp lý. Thể chế, khung pháp lý và hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp của các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số, còn vướng nhiều thủ tục pháp lý, gây phiền hà và tốn kém cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số như: việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, bổ sung, sửa đổi ngành nghề kinh doanh, thủ tục hành chính thuế, hải quan, trong khi thời gian giải quyết thủ tục quá dài. Ngoài ra, việc cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, tận tình cũng là một trong những yếu tố tăng thêm phiền hà cho doanh nghiệp. Sự chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính có thể đẩy doanh nghiệp đến sự mệt mỏi, chán chường, thậm chí dẫn tới thua lỗ, phá sản. Đồng thời, sự đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo trong chuyển đổi số của vùng chưa được chính quyền các tình/thành quan tâm đúng mức, nên chưa tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Thứ ba, về nguồn nhân lưc chất lượng cao tham gia chuyển đổi số. Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin của vùng ĐBSCL còn thiếu và yếu, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phục vụ quá trình chuyển đổi số của các tỉnh và thành phố trong vùng, bởi ĐBSCL đang là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Trong khi vùng đang khát nguồn lực chất lượng cao thì một bộ phận cư dân có trình độ đại học trở lên lại di dân lên các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn. Mặt khác, tỷ lệ các doanh nghiệp và người dân hiểu biết về công nghệ thông tin, phục vụ quá trình chuyển đổi số còn khá thấp. Điều này đã cản trở quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số ở vùng ĐBSCL hiện nay.

Thứ tư, là niềm tin số của người dân trên không gian mạng. Trong quá trình tham gia chuyển đổi số, một số cá nhân, tổ chức vô tình hoặc cố ý làm để lộ thông tin cá nhân, dẫn đến họ gặp những phiền hà, rắc rồi. Mặc dù các cơ quan, tổ chức, nhà mạng ở Việt Nam không ngừng cố gắng nâng cấp các phần mềm nhằm tăng tính bảo mật thông tin của khách hàng, tăng các tiện ích, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số hiện nay từ Chính phủ đến mọi người dân. Nhưng vẫn không tránh khỏi những rủi ro, bởi sự tấn công của các cá nhân và tổ chức tội phạm công nghệ thông tin hiện nay. Vì vậy, khi tham gia chuyển đổi số, các cá nhân hay doanh nghiệp thường lo ngại đến quyền bảo mật riêng tư, các dữ liệu bí mật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của họ, sẽ là thách thức lớn đặt ra cho chuyển đổi số hiện nay.

  • Một số giải pháp nhằm nâng cao quá trình chuyển đổi số cho vùng ĐBSCL hiện nay

Từ những thời cơ và thách thức như đã phân tích trên, để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số tại vùng ĐBSCL theo đinh hướng của Chính phủ, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh và thành phố trong Vùng cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho người dân, trước hết người đứng đầu chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL phải hiểu và thấy được những lợi ích quan trọng của việc chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đồng thời, các tỉnh và thành phố phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho nhân dân hiểu về vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển KT-XH của Vùng. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần xây dựng và thực hiện hiệu quả chuyên mục “Đưa Nghị quyết về chuyển đổi số vào cuộc sống” bằng những tiết mục gần gũi, thiết thực. Các cán bộ làm công tác tuyên truyền nên đi sâu sát vào từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa định hướng và giúp đỡ cho bà con nắm vững các thao tác chuyển đổi số đối với các hoạt động đời sống hàng ngày. Đồng thời, định hướng cho người dân ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản, tận dụng và tiết kiệm tài nguyên. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để đổi mới mô hình, phương thức sản xuất bền vững, hiệu quả. Từ những giải pháp đồng bộ nêu trên sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số đối quá trình sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, từ đó họ sẽ hăng hái tham gia.

Thứ hai, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần hoàn thiện thể chế pháp lý, chính sách, nhằm tạo nền tảng, động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương mình. Để thể chế pháp lý và chính sách là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm đi đến loại bỏ các giấy phép con, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp và nhân dân. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh như: dịch vụ trung tâm dữ liệu; dịch vụ điện toán đám mây; dịch vụ cổng tìm kiếm thông tin trên mạng và dịch vụ tân trang, tái chế, làm mới các sản phẩm phần cứng, điện tử quy mô lớn. Đồng thời, phải có một số giấy phép con như: Kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền; Kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, Kinh doanh dịch vụ định danh và xác định điện tử, Kinh doanh sản phẩm, an toàn dịch vụ thông tin mạng… Trong quá trình làm các thủ tục hành chính đã gây ra sự tốn kém, khó khăn cho các doanh nghiệp.

 Mặt khác, các tỉnh và thành phố cần tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số. Rà soát các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn để kịp thời tuyên dương, phát huy, nhân rộng những mô hình tích cực, đồng thời chấn chỉnh, loại bỏ những hoạt động biến tướng của chuyển đổi số, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần tận dụng triệt để các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IOT) để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Thanh toán thông minh (điện tử); Cảm biến thông minh; Di chuyển thông minh trong đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 “Thanh toán thông minh”, tức là thanh toán thông qua hình thức điện tử qua điện thoại thông minh. Muốn thực hiện được, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần thống nhất sử dụng thanh toán điện tử bằng mã QR-Code, ví dụ như của Viettel Money hoặc ZaloPay, chấp nhận cả thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế chẳng hạn. Việc sử dụng các phần mềm trong thanh toán điện tử, sẽ giúp người dân thuận lợi trong thanh toán Online, hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông, Nhà nước dễ kiểm soát tiền mặt trong lưu thông.

 Xây dựng “Hệ thống cảm biến thông minh”. Đứng trước những diễn biến khôn lường của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần thống nhất các thiết bị như: hệ thống nhúng, máy tính, các thuật toán,...để  xây dựng “hệ thống cảm biến thông minh” tại các cửa biển, đầu nguồn của những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu nhằm thu thập dữ liệu về chất lượng nguồn nước, việc lên xuống của dòng nước tại các điểm theo dõi; ứng dụng các cảm biến trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm nắm bắt tình trạng dinh dưỡng của đất, độ phèn, độ ẩm…. Từ đó, có các cảnh báo nhanh, kịp thời tình trạng xâm nhập mặn, ngập úng cục bộ, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, các thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp... sẽ góp phần trong ứng phó kịp thời, gần như là ngay lập tức khi tiếp nhận các thông tin được thu thập. Để từ đó, nâng cao chất lượng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh vùng ĐBSCL.

 “Di chuyển thông minh trong đô thị”, kết hợp với các cảm biến thu thập dữ liệu về giao thông, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần xây dựng đồng bộ hệ thống dịch vụ số liên quan đến di chuyển thông minh trong đô thị tại các tỉnh/thành. Người dân chỉ cần cài các App công nghệ vào điện thoại thông minh, sử dụng các hãng xe công nghệ để di chuyển đến bất cứ địa điểm nào trong vùng, sẽ giúp cho người dân giảm được chi phí di chuyển so với các hãng xe truyền thống. Còn các nhà quản lý có thể tính toán sát nhất thời gian di chuyển của các tuyến xe, nhu cầu di chuyển của người dân. Từ đó, tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển, lịch trình chạy theo lưu lượng người có nhu cầu sử dụng dịch vụ công cộng; lại vừa tiết kiệm nguyên nhiên liệu, vừa tối ưu hóa dịch vụ kinh doanh.

 “Dịch vụ thông minh”là ứng dụng di động giúp chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến công dân một cách nhanh nhất. Đây là một trong các dịch vụ số giúp chính quyền và người dân đến gần nhau nhất. Theo đó, các công ty dịch vụ quảng cáo tại các tỉnh và thành phố sẽ chuyển đến người dân các thông tin cần thiết nhất về dịch vụ nhà đất, dịch vụ việc làm; thị trường nông sản, giá cả vật tư nông nghiệp… trên môi trường số. Người dân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, có kết nối mạng Internet, sử dụng dịch vụ 3G, 4G, 5G là có thể truy cập và nắm bắt, sử dụng các thông tin nói trên khi truy cập hệ thống dữ liệu của  các tỉnh và thành phốtrên môi trường số. Nhờ đó, giúp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ tư, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Do đó, các tỉnh và thành phố cần xây dựng đề án phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, kết hợp chặt chẽ với các trường đại học trên địa bàn, nhất là Trường Đại học Cần Thơ, Đại học FPT,… để đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Đồng thời, tăng cường tập huấn những chương trình mới của chuyển đổi số cho các cán bộ thông tin và truyền thông tại các địa phương, để họ sẽ là cầu nối giúp người dân hiểu, ứng dụng quá trình chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Thứ năm, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần có quy chế rõ ràng với các cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhà mạng nhằm tăng cường tính bảo mật thông tin và tiện ích cho người dân trong quá trình sử dụng, nhằm tránh tình trạng tâm lý bất an, dè chừng của người dân khi tham gia chuyển đổi số. Nếu vi phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng, chính quyền các tỉnh và thành phố cần xử lý bằng pháp luật nghiêm minh. Đồng thời, chính quyền các tỉnh và thành phố cần đánh giá công khai các cơ quan, tổ chức và Nhà mạng nào đáp ứng tiêu chí, yêu cầu của địa phương, sẽ được tiếp tục ký kết dài hạn các hợp đồng về dịch vụ thông tin cho địa phương. Còn không, sẽ bị chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường những tổn thất cho khách hàng.

  1. KẾT LUẬN

Hiện nay, nhân loài đang sống trong một thế giới kỹ thuật số, toàn cầu và siêu kết nối. Do đó, chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra buộc các Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nếu chuyển đổi số ở vùng ĐBSCL thành công không chỉ rút ngắn khoảng cách trong sự phát triển, mà còn tạo tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, vùng cần phải khắc phục những hạn chế, thách thức. Từ chính quyền đến người dân phải đồng lòng, quyết tâm thực hiện các giải pháp sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Chính trị. (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI: “Chuyển đổi số là gì? Ý nghĩa của chuyển đổi số (Digital Transformation)”. xem trên https://fsivietnam.com.vn/ ngày 17/01/2022

Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam. (2022). https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-huy-tiem-nang-loi-the-cua-vung-dong-bang-song-cuu-long-608580.html

Unicef. (2021). Điều tra Truyền thông, công nghệ thông tin và internet Việt Nam 2020-2021. https://www.unicef.org/vietnam/media/8771/file/Truy%E1%BB%81n%20th%C3%B4ng,%20CNTT%20v%C3%A0%20internet.pdf

 

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 58

Hôm qua 118

Trong tuần 440

Trong tháng 3352

Tất cả 69070