Thách thức trong chuyển đổi số trong nông nghiệp và kiến nghị giải pháp phát triển trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long

Vũ Sơn*

Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

*Người chịu trách nhiệm về bài viết: Vũ Sơn (email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

TÓM TẮT

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và tại Việt Nam nói chung cũng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. Bài viết này tập trung vào các khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua các khái niệm và kinh nghiệm thực tại, một số giải pháp được đề xuất nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với giá trị sản phẩm cao hơn bằng phương pháp hiệu quả hơn thời gian tới.

ABSTRACT

Digital transformation in agriculture is an essential global process. Digital transformation activities are taking place in Vietnam and especially in the Mekong Delta. This article focuses on the difficulties and challenges in digital transformation in agriculture in the country in general and the Mekong Delta in particular. Through concepts and practical experiences, some solutions are proposed to promote digital transformation in agricultural development in the Mekong Delta from agricultural production to agricultural economy with higher product value by a more efficient method next time.

 

I. Chuyển đổi số trong nông nghiệp tại ĐBSCL

I.1.  Thực trạng  phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL


Điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4% năm), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ – cùng nhau chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%. (Nguồn: Ban chuyên môn - SDMD 2022)

Tuy nhiên, thách thức với ngành nông nghiệp tại ĐBSCL là không nhỏ:

Về phương diện kinh tế, thách thức đầu tiên là ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính sách kiên quyết giữ đất lúa đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng. Thứ hai, là nền nông nghiệp của ĐBSCL chậm hiện đại hoá, nền nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún, đây chính là rào cản lớn cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nguồn lực đất đai chưa được phân bổ một cách hiệu quả, trong đó khoảng một nửa diện tích vẫn độc canh cây lúa. Thứ ba, là vốn đầu tư hạn chế. Tỷ trọng vốn đầu tư của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số, thu và chi ngân sách Nhà nước trên đầu người của ĐBSCL cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước. Những thách thức này làm tốc độ tăng trưởng GRDP của ĐBSCL thấp, chỉ đạt 5,31%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, thấp nhất trong bốn vùng kinh tế trọng điểm. Hệ quả là ĐBSCL mặc dù giàu có về tài nguyên, phong phú về tiềm năng nhưng tiếp tục tụt hậu về mặt kinh tế.

Về phương diện xã hội, thách thức đầu tiên là thiếu việc làm ở nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của ĐBSCL năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn ĐBSCL cao gấp đôi so với khu vực thành thị (3,97% so với 1,87%). Thứ hai là tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP.HCM. Thách thức thứ ba là tình trạng nghèo, thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước. Thứ tư là vốn tri thức và kỹ năng của lao động còn thấp, ĐBSCL có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước.

Về phương diện môi trường, thách thức đầu tiên là các tác động từ thượng nguồn Mekong. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn. Thách thức thứ hai là suy giảm nguồn nước, hệ thống thủy điện sông Mekong đã tác động đến đến dòng chảy, làm giảm đáng kể mực nước sông Mekong, đồng thời gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu. Thứ ba là chất lượng đất trồng suy giảm, ở khu vực thượng nguồn (Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên), hệ thống đê bao và các tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây đã ngăn không cho nước lũ vào sâu trong nội đồng và khiến đất đai ngày càng suy kiệt. Tất cả những điều này làm giảm chất lượng đất canh tác và kết quả cho thấy khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng ĐBSCL có đất trồng trọt bị thoái hoá. Thứ tư là biến đổi khí hậu, kết quả dự phòng BĐKH giai đoạn 2030 – 2040 cho thấy nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn, diện tích ngập do lũ sẽ tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng gia tăng, … Những tác động này ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn.

Vậy để phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả, cần có giải pháp công nghệ đột phá để người sản xuất có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn bằng các phương pháp sản xuất hiệu quả hơn. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm việc tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế là giải pháp tối ưu cho phát triển nông nghiệp ĐBSCL.

 

 I.2. Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 tại ĐBSCL đã giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể là giúp tự động hóa giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh,... để thực hiện canh tác an toàn. Ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân phát triển kinh tế và có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại ĐBSCL còn những khó khăn, thách thức, điển hình như:

- Nhận thức hạn chế

 Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tại ĐBSCL tuy không mới nhưng lại cũng chưa hoàn toàn gắn liền với sản xuất và cuộc sống của người dân. Vấn đề nằm ở chỗ có thể khái niệm chuyển đổi số trong nông nghiệp còn mông lung đối với các các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là với người nông dân. Hiện nay, nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp có thể nói là đang bị phóng đại ra nhiều lần, là phải ứng dụng công nghệ hiện đại này, ứng dụng mô hình kia. Đặc biệt với sự phát triển quá nhanh của công nghệ, người nông dân có thể bị “ngộp” công nghệ, không biết phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào và tiếp cận ra sao. Điều này gây khó khăn rất lớn cho chuyển đổi số trong nông nghiệp tại ĐBSCL.

Cần phải đưa khái niệm chuyển đổi số đến với các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân đơn giản hơn, thân thuộc hơn. Việc chuyển đổi hình thức ghi chép từ sổ sách sang lưu trữ files điện tử, files excel, word đã có thể coi là bước đầu trong chuyển đổi số; kiểm tra vườn, ruộng qua hình ảnh đã là chuyển đổi số… Từ những khái niệm hết sức cơ bản, dễ hiểu đó đã giúp các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân cảm thấy rằng mình đã đang trong quá trình chuyển đổi số rồi.

Nhưng cũng phải chỉ rõ ra rằng chuyển đổi số không phải chỉ là ứng dụng khoa học công nghệ, không chỉ là cơ giới hóa, không chỉ là đầu tư trang thiết bị mà quan trọng hơn cả đó là tái cơ cấu mô hình quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường. Chuyển đổi số cần sự đồng bộ nhận thức, toàn bộ các mắt xích trong hệ thống phải hiểu được khái niệm thực sự về chuyển đổi số để việc chuyển đổi số hiệu quả hơn, lan tỏa nhanh hơn và ứng dụng tốt hơn. Đây là thách thức rất lớn, vì sự chênh lệch đào tạo, học vấn và thế hệ.

- Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập

Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu số hóa đồng bộ, hiện đại (cây trồng, vật nuôi, các văn bản chính sách đã được số hóa). Tuy nhiên, hạ tầng kết nối của ĐBSCL còn chưa đồng bộ, chi phí 3G, 4G còn cao, chưa tạo cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử. Do đó, việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn: sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản. 

Quan trọng hơn là chưa có sự đồng bộ trong dữ liệu, vì nông nghiệp của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng không có các cơ sở sản xuất lớn và quy mô như các quốc gia khác mà bị chia nhỏ rất nhiều. Chính vì thế, để tiết kiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, cần phải có dữ liệu dùng chung, sự chia sẻ thông tin, số liệu và chia sẻ công nghệ.

- Chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn còn hạn chế

Dù công nghệ có phát triển đến đâu, điều cốt lõi nhất vẫn là con người, mọi ý tưởng, vận hành, thực thi vẫn đến từ con người. Trong nông nghiệp số, ngoài tư liệu sản xuất truyền thống, nguồn nhân lực còn phải sử dụng dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy, ngoài kỹ năng sản xuất, cần thêm kiến ​​thức và kỹ năng về kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật số và công nghệ sinh học… Tuy nhiên, trình độ chuyên môn tại khu vực còn hạn chế. Ngoài ra, hầu hết người lao động, người nông dân chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên khó thao tác và đánh giá hiệu quả. Có thể nói, rào cản này đang là trở ngại lớn cho việc triển khai công nghệ số trong ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới.

II.        KIẾN NGHỊ

- Thứ nhất: Tập trung cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngày lớn của khu vực

Lực lượng lao động cần được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo bao gồm: Lực lượng lao động đang làm việc trong cả hai khối tư nhân và hành chính công; Những sinh viên trẻ – lực lượng lao động kế cận. Học sinh các cấp cần được làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai có khả năng thích nghi với tương lai từ công nghệ và chuyển đổi số. Người lao động cần có được các kỹ năng kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội) với các kỹ năng mềm để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp.

- Thứ hai: Thay đổi tư duy về chuyển đổi số

Cần phải đơn giản hóa khái niệm, nêu rõ cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp là tái cơ cấu mô hình quản lý, sản xuất nông nghiệp theo công nghệ số. Hơn nữa, trách nhiệm chuyển đổi số là của tất cả mọi thành phần trong xã hội. Phải cho mình là một nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số, phải thay đổi, cập nhật để bắt nhịp chung với sự phát triển của công nghệ và thị trường. Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài có vai trò là đầu tàu trong chuyển đổi số, tuy nhiên các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình và người nông dân phải cố gắng đi theo các tiêu chuẩn chung về công nghệ để đáp ứng ứng được nhu cầu chung và bắt nhịp được các xu thế mới. Khi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình tiệm cận với trình độ khoa học công nghệ, với việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp lớn thì mặt bằng chung chuyển đổi số trong nông nghiệp của ĐBSCL mới cải thiện được.

- Thứ ba: Đề cao tính liên kết

Để phát triển đồng bộ và tạo khối phát triển chung, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình phải đề cao tính liên kết. Đặc biệt là tính liên kết với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tối ưu hóa việc chia sẻ và khai thác data phục vụ quản lý và sản xuất, kết hợp đầu tư hạ tầng chung để có giảm gánh nặng tài chính, từ đó đầu tư bắt kịp với trình độ khoa học công nghệ và tốc độ chuyển đổi số trong nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành. Đầu tư cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp cần quy mô diện tích, vốn lớn, chính vì thế cần có sự liên kết vừa để đầu tư vừa để có đủ quy mô ứng dụng các công nghệ sản xuất.

Việc đầu tư kho cơ sở dữ liệu dùng chung, hệ thống xử lý dữ liệu chung, hệ thống tích hợp các phần mềm sản xuất vào hệ thống chung cần huy động nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn, trong các giai đoạn đầu địa hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, UBND và các cơ quan quản lý địa phương, đặc biệt là sở khoa học và công nghệ, sở thông tin và truyền thông cần đi nghiêm túc đặt vấn đề xây dựng hạ tầng các trung tâm xử lý số liệu, từ đó lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số ở ĐBSCL.

Sự liên kết tạo khả năng cạnh tranh cao cho khu vực, tạo ra quá trình trao đổi, học hỏi và chia sẻ thông tin từ đó đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng.

- Thứ tư: Đẩy mạnh công tác truyền thông

Cần xây dựng một hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý. Các cấp lãnh đạo, quản lý địa phương và khu vực cần truyền tải, phổ cập các thông tin về chuyển đổi số trong các ngành, đặc biệt là về nông nghiệp đến các thành phần trong xã hội, thúc đẩy và khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẹ, hộ gia đình và người nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Phổ cập thông tin về chuyển đổi số trong nông nghiệp với tần suất xuất hiện nhiều hơn từ đó thay đổi tư duy, nhận thức về chuyển đổi số. Khái niệm về chuyển đổi số sẽ gần gũi hơn, từ đó việc chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ không còn bị xa vời và sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân, trở thành yêu cầu cơ bản trong phát triển sản xuất của doanh nghiệp, trở thành tiêu chuẩn đào tạo của khu vực, tiêu chuẩn tuyển dụng lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại học Fullbright, năm 2022 - “Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng Sông Cửu Long.”

Báo Cần Thơ Online, tháng 08 năm 2022 - “Đồng bằng sông Cửu Long cần cuộc chuyển đổi lớn - Báo Cần Thơ Online.”

Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021 - “Chuyển đổi số là gì?”; Cẩm nang Chuyển đổi số, trang 21 - 23.

Trương Minh Thái, Trương Xuân Việt, Nguyễn Hiếu Trung, Lê Văn Vàng, Lê Nguyễn Đoan Khôi, Dương Nhựt Long, Trần Ngọc Hải, Nguyễn Nguyên Minh, Hà Thanh Toàn, năm 2022 - “Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở vùng ĐBSCL một số kết quả nghiên cứu ứng dụng CNTT&TT của trường đại học Cần Thơ”; Tài liệu SDMD 2045.

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 11

Hôm qua 99

Trong tuần 838

Trong tháng 4592

Tất cả 77480