Ngập lụt đô thị Cần Thơ: Quan điểm chỉ đạo và thực tiễn ứng phó

 

Ngập lụt đô thị Cần Thơ: Quan điểm chỉ đạo và thực tiễn ứng phó

Lý Quốc Đẳng (Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

 

Tóm tắt

            Các đô thị tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá, và điều đó có tầm quan trọng trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, các đô thị này dễ bị tổn thương trước những rủi ro do biến đổi khí hậu, mà điển hình là ngập lụt do vị trí các đô thị nhạy cảm, năng lực quản lý hạn chế, và tiến trình đô thị hoá không ổn định.  Với thực trạng thiên tai ngập lụt trong những năm gần đây, bài viết nhằm tìm hiểu các cơ chế quản lý rủi ro, thiên tai đo thị thông qua việc triển khai các nghị quyết, văn bản, chính sách, chương trình phát triển từ trung ương đến địa phương trong chỉ đạo ứng phó với bối cảnh ngập mới trong thành phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng cơ chế quản lý rủi ro thiên tai là sự đồng thuận, trách nhiệm, khả năng lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các bên liên quan nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề mà địa phương và cộng đồng đối mặt.  Kết quả cho thấy Thành Phố Cần Thơ triển khai tốt và hiệu quả các chương trình hành động về rủi ro, thiên tai, và chủ động chuyển hoá các chương trình vào đúng hoàn cảnh địa phương. Nghiên cứu sử dụng phương pháp quan sát, ghi chú, phỏng vấn đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan, và nguồn tài liệu thứ cấp là chủ yếu. Các địa điểm cụ thể trong thành phố mà nghiên cứu chọn bao gồm những vùng có mức độ và nguyên nhân ngập khác nhau cũng như vùng đại diện đã đô thị hoá, tiến trình đô thị hoá cao, và ven đô.

Từ khoá: Cần Thơ; Đồng Bằng Sông Cửu Long; ngập đô thị; quan điểm chỉ đạo; thực tiễn ứng phó

  1. Giới thiệu

            Các đô thị tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước trên bối cảnh toàn cầu hoá, và nó có tầm quan trọng trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, các đô thị này dễ bị tổn thương trước những rủi ro do biến đổi khí hậu, mà điển hình là ngập lụt do vị trí các đô thị nhạy cảm, năng lực quản lý hạn chế, và tiến trình đô thị hoá không ổn định. Trên cơ bản, các đô thị tại Việt Nam đang đối mặt với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách các nước có rủi ro cao từ biến đổi khí hậu trong chỉ số rủi ro toàn cầu năm 2016. Thành Phố Cần Thơ thuộc một trong năm thành phố trực thuộc trung ương từ quyết định số 22/2003/QH ngày 26 tháng 11 năm 2003 sau khi chia tách từ tỉnh Hậu Giang. Cần Thơ tọa lại ngay trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, xung quanh giáp các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, và Kiên Giang. Cần Thơ giáp Sông Hậu (nhánh Sông Mekong) với chiều dài khoảng 65 cây số, cách Biển Đông khoảng 70 cây số từ vị trí trung tâm thành phố, và khoảng 65 cây số đến biên giới với Campuchia về phía Tây Nam (Niên Giám Thống Kê, 2019)

            Trước đây, hiện tượng ngập tại Cần Thơ phân ra hai vùng rõ rệt. Vùng thứ nhất là các quận, huyện từ vị trí Quận Ô Môn lên hướng Tây Nam giáp An Giang và Kiên Giang, vùng này chịu ảnh hưởng ngập do lũ tự nhiên vì vùng này giáp Tứ giác Long Xuyên, là vùng rất trũng của đồng bằng. Vùng thứ hai là các quận huyện từ Ô Môn về hướng Đông Nam, vùng này chịu ngập do thủy triều. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, điển hình trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành phố và vùng, hiện tượng ngập tại Cần Thơ không còn như trước đây. Các vùng giáp Tứ giác Long Xuyên hạn chế ngập hay kể cả không ngập do lũ thượng nguồn vì xây bờ bao khép khín, tăng vụ, thay đổi mô hình kinh tế, khuyến nông - khuyến ngư, xây dựng các công trình công cộng, nhà ở. Các khu vực ngập do triều cường ảnh hưởng ngày nghiêm trọng hơn do khu vực này thuộc khu vực trung tâm, tốc độ đô thị hóa cao.

            Hơn thế nữa, ngoài những yếu tố đô thị hóa, quy hoạch môi trường và nông nghiệp, tác giả nhận thấy rằng biến đổi khí hậu cũng là một trong những tác nhân đóng góp hiện tượng ngập trong thời gian gần đây. Thông thường, Cần Thơ có hai mùa mưa và khô rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, với lượng mưa trung bình khoảng 1.500 - 1.800 mm/năm, và lượng mưa đạt khoảng 70,4 tỷ mét khối/năm (Niên Giám Thống Kê, 2019). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng mưa thay đổi do biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp. Trong một báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi Tường (2009a), lượng mưa tăng 5% trong giai đoạn 1980-1999 tại Việt Nam. Trong một nghiên cứu của nhóm tác giả Phùng và đồng nghiệp (2012), lượng mưa tại Cần Thơ năm 1996 là 2.132 mm, tuy nhiên năm 1990 là 1.115, tức lượng mưa tăng trong hai khoảng thời gian khác nhau. Trong một nghiên cứu khác, báo cáo SCE (2013) trình bày rằng lượng mưa xảy ra nhiều nhất vào tháng 9 và 10 hàng năm, dao động từ 219,6 mm và 275,4 mm. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010, lượng mưa cao nhất là năm 2005 với 1.732 mm, và thấp nhất là năm 2009 với 1.248 mm.

            Những nghiên cứu trước đây đã thảo luận hiện tượng ngập mới này bằng các quan điểm  khác nhau. Ehlert (2010) cho rằng ngập tại Cần Thơ là do sự liên kết giữa nước trong sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị. Trong một nghiên cứu của nhóm tác giả Phùng và cộng sự (2012), nghiên cứu chỉ ra rằng ngập tại Cần Thơ là do lượng mưa gây nên. Một nghiên cứu khác lại thảo luận rằng ngập tại Cần Thơ là do sự kết hợp của triều cường và đô thị hoá (Hương & Pathirana, 2013), hay các nghiên cứu khác nói rằng đó là mối quan hệ giữa triều cường, nước thượng nguồn và lượng mưa (SCE, 2013; Garchagen, 2015; Vinh, 2016), và kể cả do sụt lún đất (Huy và cộng sự, 2016), và quy hoạch thượng nguồn (Brian, 2016).  Tuy nhiên, trong khảo sát thực tế thời gian thời gian tháng 9 và 10 năm 2019 tại hai quận Ninh Kiều và Ô Môn, kết quả cho thấy rằng hiện tượng ngập lụt mới được tao ra rong thành phố là sự tương tác các yếu tố vị trí, đô thị hoá hay quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành và vùng, biến đổi khí hậu, triều cường và hiện tượng sụt lún. Rất ít nghiên cứu phản ánh toàn diện các khía cạnh này, bài viết chỉ phản ánh thực trạng ngập lụt một số điểm tại Cần Thơ thông qua quan sát thực tế và khảo sát các bên liên quan. Kết quả cho thấy các điểm ngập mới tại Cần Thơ là sự kết hợp sáu nhân tố: vị trí, đô thị hoá hay quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành và vùng, biến đổi khí hậu, triều cường và hiện tượng sụt lún, ba (03) hiện tượng ngập được xác định trong các vùng khảo sát bao gồm: (a) vùng ngập do mưa, (b) vùng ngập do triều cường và (c) vùng ngập do cả mưa và triều cường. Các trường hợp ngập này xuất hiện dựa vào tần suất xuất hiện các hiện tượng trên, vị trí và quy hoạch cụ thể từng vùng đó.

            Trước tình hình ngập mới này, tăng cường năng lực quản lý là biện pháp cần thiết trước tiên nhằm hạn chế rủi ro, tác động và tổn thương; đảm bảo ổn định cuộc sống nhân dân. Trong một nghiên cứu của Tuấn (2020), Việt Nam từ năm 2007 đã có những chính sách và thể chế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cho cả nước bao gồm Cần Thơ, chẳng hạn chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2011, khung kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu 2008-2020, Nghị Quyết 120 về Phát triển Bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long (PTBV ĐBSCL), qui hoạch tổng thể kinh tế- xã hội ĐBSCL 2020- 2030. Trong một nghiên cứu khác của nhóm Michael và đồng nghiệp (2016), nhóm tác giả cho rằng các công trình cải tạo thành phố và quy hoạch đã tạo hệ luỵ rủi ro ngập lụt thiên tai cho thành phố, do đó cần có một quy hoạch tích hợp, liên ngành để giảm rủi ro tình trạng này cho thành phố. Liên quan đến chiến dịch thích nghi trong bối cảnh ngập lụt, Mohanasundar và đồng nghiệp (2018) đề xuất Cần Thơ cần xây dựng mô hình mẫu nhằm hạn chế rủi ro ngập lụt thiên tai cho cộng đồng trong bối cảnh ngập mới này, mô hình mẫu này có thể đo lường và có giá trị trong việc trì hoãn ngập khi đê không có hiệu quả nhằm tránh ngập cho các vùng trong thành phố. Liên quan đến quản lý rủi ro ngập lụt, Mathias (2015) sử dụng khái niệm “phân quyền” nhằm tìm hiểu quá trình quản lý ngập lụt tại Cần Thơ, Mathias chỉ ra rằng sự phân quyền từ trung ương chưa rõ ràng trong tiến trình thực thi mặc dù Việt Nam cơ bản có những luật, chính sách, các chương trình phát triển khá tốt. Cơ thế quản lỷ rủi ro thiên tai mặc dù có đề cập tất cả các bên liên quan để tham gia, tuy nhiên vai trò của cấp phường (cộng đồng) vẫn chưa được tham gia. Mathias (2015) chỉ ra ằng rằng vấn đề giảm thiểu rủi ro tại đô thị được giao cho cơ sở hạ tầng quản lý, nhưng điều đó thực sự chưa đủ, chúng ta cần những hành động mới và hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, tác giả cũng thảo luận rằng rủi ro đô thị vẫn do cơ quan phát triển nông thôn quản lý, các lãnh đạo vẫn nghĩ rằng rủi ro thiên tai là do tự nhiên gây ra chẳng hạn như biến đổi khí hậu; họ vẫn không chú ý thêm các chính sách, cơ chế mới nhằm giảm tổn thương từ rủi ro đó, Ủy ban Mục tiêu Chương trình Quốc gia về Rủi ro thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào hạ tầng hơn là mô hình thể chế. Ngoài ra, thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa chuyển thành quy hoạch hoặc quản lý đô thị cụ thể.  Tác giả đề xuất rằng quản lý rủi ro đô thị cần được hợp tác với tất cả các bên liên quan để giải quyết các vấn đề, những người ra quyết định có cách tiếp cận mới để thực hiện các hành động khác nhau và ở các cấp độ khác nhau, các dự án lớn giải quyết ngập cần có sự tham gia nhiều nơi và cấp khác nhau, kể cả người dân để mang tính đồng thuận cao và san sẽ quyền hạn đồng đều cho các bên.

            Cần Thơ là một thành phố trẻ, năng động và có cơ chế quản lý tốt trên hầu hết phương diện. Trong bối cảnh ngập đô thị - hiện tượng ngập mới thành phố, Đảng và Nhà Nước có những quan điểm, hành động ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro, tác động và tổn thương cho nhân dân thành phố. Trên thực tế, vấn đề ngập lụt được Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố quản lý và điều phối, cơ quan chịu trách nhiệm chính của Sở là Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Lụt Bão, thuộc Chi Cục Thuỷ Lợi của thành phố. Nhìn chung, vai trò của Ban Chỉ đạo là quản lý, theo dõi và cảnh báo các sự kiện thiên tai tại thành hố Cần Thơ thông qua các đài Khí tượng Thuỷ văn (KTTV), Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên tai (BCH PCTT) của Tung Ương (TW) và các văn phòng các chi cục quản lý thiên tai Miền Nam. BC quan tâm các vấn đề liên quan đến thiên tai của thành phố, ngập lụt là một trong những thiên tai trọng tâm mà ban chỉ đạo quan tâm vì cơ bản Thành phố Cần Thơ là địa bàn xảy ra ngập từ trước đến nay. Hơn thế nữa, nước ngập đô thị vẫn chưa được xem là thiên tai nghiêm trọng và cần quan tâm đúng từ các cơ quan chức năng để giải quyết. Vấn đề này hiện tại chỉ được xem là tình trạng ngập và thoát nước của nội ô đô thị, do đó các dự án, công trình hiện tại chủ yếu do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đề xuất quy hoạch, thiết kế và thi công (thực hiện). Trong khi đó, BCH và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị tham gia góp ý và hạn chế kiến thức chuyên môn về vấn đề này.

            Với thực trạng thiên tai ngập lụt trong những năm gần đây và những ý kiến khác nhau từ các nhà khoa học, tác giả xem xét rằng cơ chế quản lý ngập lụt đô thị tại Cần Thơ rất hiệu quả trong hệ thống quản lý nhà nước, và cơ chế quản lý đã phản ứng nhanh  từ hệ thống chính trị đến người dân đô thị nhằm hạn chế rủi ro và những tổn thương vốn có.  Tác giả  muốn tìm hiểu rằng các cơ chế rủi ro thiên tai đô thị được quản lý như thế nào thông qua triển khai các nghị quyết, văn bản chính sách, chương trình phát triển từ trung ương và quốc tế? Và chính quyền địa phương chỉ đạo ứng phó như thế nào trong hoàn cảnh ngập mới trong thành phố? Kết quả thảo luận được kỳ vọng sẽ góp phần vào bối cảnh phát triển của thành phố nói riêng và các vùng khác của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

  1. Địa điểm và phương pháp nghiên cứu

            Thành Phố Cần Thơ được chọn điểm nghiên cứu với những lý do sau. Thứ nhất, Cần Thơ vì là một những thành phố, tốc độ đô thị hoá cao. Thứ hai, Cần Thơ là đô thị sông nước, giáp Sông Hậu và tọa lạc vị trí gần biển, địa hình thấp, do đó tính tổn thương của thành phố sẽ nhạy cảm hơn so với các vùng khác. Thứ ba, Cần Thơ tọa lạc ở vị trí trung tâm ĐBSCL, có thể nói là đô thị chịu nhiều áp lực trong bối cảnh phát triển và biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, vị trí Cần Thơ là trung nguồn của Sông Hậu (thượng nguồn là An Giang, Đồng Tháp và hạ nguồn là VĩnhLong, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng), do đó Cần Thơ cũng chịu ảnh hưởng cơ chế quản lý nước của hai vùng này. Theo NGTK (2019), dân số Cần Thơ khoảng 1.272.822 người, tổng số nữ là 638.977 người và nam là 633.845 người, trong đó dân số đô thị là 853.945 người. Có 8 quận huyện thuộc thuộc thành phố, trong đó có 5 quận đô thị bao gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt. Trong đó, quận Ninh Kiều là quận trung tâm của Cần Thơ.

            Tác giả sử dụng kỹ thuật quan sát, ghi chú, phỏng vấn đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan, và sử dụng nguồn tài liệu thứ cấp là chủ yếu. Các địa điểm cụ thể trong thành phố được chọn bao gồm những vùng có mức độ và nguyên nhân ngập khác nhau cũng như vùng đại diện đã đô thị hoá, tiến trình đô thị hoá cao, và ven đô. Đối tượng nghiên cứu là những hộ ảnh hưởng ngập từ các vùng ngập được chọn. Các bên liên quan bao gồm các sở ban ngành, phòng ban, hội, nhóm trong thành phố. Kỹ thuật phân tích bao gồm phân tích các tài liệu thứ cấp như nghị quyết, chính sách, nghị định liên quan, và phân tích cách thực hành và ứng xử của các bên liên quan liên quan đến đối tượng bị ảnh hưởng, kể cả những thực hành hàng ngày của người bị ảnh hưởng bởi ngập tại các vùng nghiên cứu.

  1. Kết quả nghiên cứu

3.1. Hiệu quả hóa quá trình cơ chế quản lý rủi ro thiên tai

            Có thể nói, Việt Nam có hệ thống chính sách, nghị quyết, các chương trình hợp tác, nghị định,…khá tốt liên quan đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững, cũng như các chương trình biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế,…và Thành phố Cần Thơ đã vận dụng phù hợp vào hoàn cảnh và tình hình cụ thể cho các vấn đề liên quan tại thành phố. Hai nghị quyết quan trọng có tính ảnh hưởng cho thành phố bao gồm, Nghị quyết 76 ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Thủ Tướng Chính Phủ về phòng, chống thiên tai (số: 76/NQ-CP ngày 18/6/2018), và Nghị Quyết 120 ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (số: 120/NQ-CP ngày 17/11/2017) được tách riêng cho Đồng bằng sông Cửu Long từ Nghị Quyết 136 ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững (số: 136/NQ-CP ngày 25/09/2020 ).  Sau khi hai nghị quyết được ban hành, Cần Thơ đã xây dựng những kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nghị quyết trên. Cụ thể, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Thủ Tướng Chính Phủ về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành Phố Cần Thơ (số: 131/KH-UBND ngày 29/8/2018), và Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ cũng giao các sở ban ngành liên quan thực hiện triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Thủ Tướng Chính Phủ tại các địa bàn trong thành phố (số: 84/KH-UBND ngày 9/5/2018). Uỷ ban nhân dân thành phố (UBND TP) triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 76 thông qua triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và kế hoạch 84/KH-UBND của uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện Nghị Quyết 120. Lý do mà UBND TP triển khai thực hiện như vậy vì Nghị Quyết 120 (mà cụ thể là kế hoạch 84/KH-UBND) mang tính chi tiết, cụ thể liên quan đến biện pháp phòng, chống thiên tai trong thành phố.

            Liên quan đến Nghị Quyết 120 và Kế hoạch thực hiện số 84 của UBND, các vấn đề cụ thể và phù hợp được đề ra để góp phần giúp thành phố chống chịu với biến đổi khí hậu tốt hơn. Cụ thể trong bản kế hoạch, UBND TP triển khai sâu rộng công tác truyền thông đến các cấp, và các ngành bằng nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư nắm bắt và triển khai thực hiện; đồng thời, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào các hoạt động thường xuyên của sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện của Thành phố. Liên quan đến quy hoạch, UBND TP tập trung rà soát quy hoạch hợp lý cho các quận đô thị của thành phố với mục đích hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội và tác động của môi trường, biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, UBND TP cũng lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị như: quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch thoát nước, quy hoạch cấp nước. UBND TP cũng phân bổ ngân sách phù hợp cho các ngành liên quan đến nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể từ năm 2016 đến 2019, UBND TP đã phân bổ tổng cộng 3.828,8 tỷ đồng, trong đó ngành phát triển đô thị hơn 2.650 tỷ đồng. Có thể thấy rằng thành phố có kế hoạch hành động khá nhanh nhằm triển khai các hoạt động liên quan đến vấn đề mà trung ương đề cập.

3.2. Hợp tác quốc tế trong quản lý rủi ro thiên tai

            Tác giả nhận thấy rằng cả hai Kế hoạch 136 và 84 từ Nghị quyết 76 và 120 của Thủ tướng Chính phủ đều đề cập đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, phối hợp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng chiến lược quản lý rủi ro thiên tai và phát triển cơ sở dữ liệu về rủi ro thiên tai, kể cả nguồn tài trợ quốc tế. Giai đoạn 2010- 2020, Việt Nam tham gia hai mạng lưới quốc tế lớn mà mục đích chính của hai mạng lưới này giúp thành phố có khả năng chống chịu hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mạng lưới các thành phố Châu Á có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu (ACCCRN) với ngân sách Quỹ Rockefeller (Mỹ), Cần Thơ là một trong 10 thành phố Châu Á, và một trong ba thành phố tại Việt Nam tham gia mạng lưới này, mục đích của mạng lưới là giúp thành phố nhận ra tiềm tàng các tác động từ biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai. Nhóm  thực hiện các dự án cho mạng lưới này là Văn Phòng Công Tác Biến Đổi Khí Hậu (CCCO), tất cả các cở ban ngành cùng tham gia, cơ quan quản lý gián tiếp thuộc UBND. Một trong những dự án mà nhóm CCCO thực hiện tại Cần Thơ đó là hoạt động “nâng cao nhận thức của sinh viên Khmer tại Trường Đại học Cần Thơ về biến đổi khí hậu”, mục tiêu chính của hoạt động này nhằm nâng cao kiến thức của sinh viên Khmer thông qua các buổi tập huấn, nghiên cứu, và chuyến đi thực tế. Hoạt động đã thu hút sự tham gia hơn 70 sinh viên Khmer tại Trường Đại học Cần Thơ và các sinh viên đã cải thiện kiến thức về biến đổi khí hậu cho bản thân mình. Cụ thể, vài sinh viên tham gia làm nghiên cứu để tốt nghiệp ra trường với đề tài liên quan đến biến đổi khí hậu mà các bạn không nghĩ mình sẽ thực hiện. Trường hợp điển hình, sinh viên T.B.N (K36- Ngành Phát Triển Nông Thôn)Thôn đã vận dụng kiến thức được học từ tập huấn để thực hiện đề tài tốt nghiệp năm 2014.

            Sáng kiến mạng lưới thứ hai là 100 Resilient Cities (100RC), chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu do Quỹ Rockerfller (Mỹ) khởi xướng, mục đích tham gia chương trình này để giúp thành phố xanh, bền vững, chủ động và hội nhập, có cuộc sống thịnh vượng, an toàn từ những cú sốc và áp lực, và không một ai bị bỏ lại phía sau. Nhóm  thực hiện các dự án cho chương trình này là Văn phòng Thích nghi Cần Thơ (CRO), hầu như tất cả các cở ban ngành cùng tham gia, cơ quan quản lý gián tiếp thuộc UBND. Một trong những hành động của chương trình là phát triển và thí điểm  hạ tầng xanh tại công viên Rạch Ngỗng, khu vực Thới Nhựt, An Khánh, Ninh Kiều, hành động này thực thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021 với mục đích tạo không gian công cộng và xây dựng sự gắn kết cộng đồng, góp phần giúp thoát nước mưa tốt hơn,  tăng khả năng lọc, chứa và giải phóng áp lực cho hệ thống thoát nước ngầm cũng như cải thiện chất lượng nước và không khí khu vực xung quanh.

            Ngoài hai chương trình nêu trên, UBND TP còn quản lý vốn ODA từ nước ngoài (chủ yếu là Ngân hàng Thế giới). Mục đích của nguồn vốn này nhằm giảm rủi ro thiên tai ngập tại các khu vực đô thị trung tâm và tăng cường kết nối các khu vực đô thị với nhau. Nguồn vốn sẽ được dùng để bảo vệ 2.675 ha và 432.400 người. Một trong những dự án cốt lõi mà vốn ODA thực hiện tại Cần Thơ là dự án cải tạo “Hồ Búng Xáng” thuộc địa bàn 3 phường: Xuân Khánh, An Khánh và An Hoà (Ninh Kiều), với ngân sách khoảng 200 tỷ đồng. Dự án này góp phần cải thiện vệ sinh môi trường khu vực nói riêng và góp phần tích trữ nước, giảm thiểu rủi ro ngập cho khu vực và thành phố nói chung, dự án hiện nay đã đi vào giai đoạn cuối của dự án.

3.3.  Sự tham gia từ hệ thống chính trị trong quản lý rủi ro thiên tai

            Hiện tượng ngập mới gây ra nhiều khó khăn và bất lợi cho người dân, chẳng hạn người dân di chuyển qua lại khó khăn hơn; cơ thể nhạy cảm với nước ngập và gây ra bệnh; ảnh hưởng tài sản gia đình; thiếu ngủ do lo lắng và mất chỗ ngủ;… Trên thực tế, rủi ro được hình thành từ sự tổn thương vốn có của con người trong xã hội và hiểm nguy trong môi trường tự nhiên. Nói một cách khác, rủi ro được tạo ra từ sự tương tác của tổn thương và thiên tai nào đó (ngập là một ví dụ), và nó ảnh hưởng hay tác động đến tài sản trong hệ thống con người (Birkmann, 2013). Với những rủi ro tác động đó từ ngập lụt, các cấp chính quyền, các ngành huy động vào cuộc để hạn chế rủi ro đến mức có thể đến đối tượng bị ảnh hưởng. Nói một cách khác, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tham gia phòng, chống những rủi ro ngập gây ra đến đối tượng bị ảnh hưởng.

            Trong 24 gia đình tham gia nghiên cứu (3 phường bao gồm An Hoà, An Bình của Ninh Kiều và Châu Văn Liêm của Ô Môn), có 17 gia đình trong nhóm thu nhập thấp, 05 gia đình trong nhóm thu nhập trung bình và 02 gia đình trong nhóm thu nhập cao. Đối với những gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp, do điều kiện kinh tế khó khăn, giải pháp tự sửa sang nhà lại là không thể, do đó đối tượng này thường lệ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tác giả có tiếp cận gia đình chú Đ. (An Bình), một trong những gia đình được hỗ trợ xây lại nhà để chống ngập, chú Đ. chia sẻ “Gia đình tôi vui lắm khi nhà nước hỗ trợ xây căn nhà này chứ không thôi nhà tôi phải chịu ngập hoài. Nhà tôi nghèo lắm, không có khả năng tự xây lại đâu! Được chính quyền quan tâm vậy là quý lắm!”. Nhà chú Đ. sát sông lớn, do đó nước từ sông chảy vào nhà rất nhanh trong mỗi lần triều cường, năm qua năm chú sống như vậy, nhất là mấy năm gần đây. Chú Đ. giờ không làm gì được do bệnh, chỉ phụ thuộc vào vợ chú là Cô A. (bán vé số) nuôi cả gia đình, chú và cô không có con cái, sống trong căn nhà nhỏ và thấp. Nhận thấy khó khăn và cấp thiết trường hợp gia đình cô và chú, Khu Vực có gửi hồ sơ từ đề xuất của gia đình, và Uỷ Ban Nhân Dân Phường quyết định hỗ trợ số tiền 50,000,000 đồng để chú và cô xây lại căn nhà của mình và  thoát ngập. Trong một trường hợp khác, Chị C. (Châu Văn Liêm) là phụ nữ Khmer nghèo, hàng ngày chị làm công việc bán thời gian cho một gia đình khác cùng phường và thu nhập không ổn định. Trong thời gian gần đây, nhà của chị bị ngập rất nghiêm trọng, là một trong những nhà ngập nặng nhất trong phường. Trong thời gian xảy ra ngập lụt, chính quyền địa phương kết hợp với các ban ngành, hội, nhóm cũng đi thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chị, Chị C. chia sẻ “Thấy nhà mình bị ngập vậy, địa phương cũng đến thăm hỏi coi có sao không. Khi thấy họ làm vậy, thấy cũng vui vui. Rồi họ cũng tặng ít quà và đồ ăn này nọ, rồi ít tiền nữa, mừng lắm!” Có thể thấy, mặc dù gia đình chị C. chưa được hỗ trợ, chị cũng thấy an tâm và vui khi chính quyền quan tâm gia đình mình.

            Một trong những cách giải quyết ấn tượng trong cách ứng phó kịp thời và nhanh của thành phố là UBND luôn chỉ đạo, phối hợp kịp thời đến các ban ngành để giải quyết những vấn đề xảy ra trong thời gian ngập nhằm giải quyết và hạn chế giảm thiểu rủi ro đến mức có thể. Cụ thể, UBND phối hợp các ngành liên quan và chỉ đạo cơ quan truyền thông như các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí,…thông báo các khoảng thời gian về khả năng ngập, dự báo ngập ở các điểm trong thành phố cho toàn dân được biết. Hơn thế nữa, UBND TP còn chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường dâng cao nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh trên địa bàn thành phố. O’Brien và cộng sự (2014) thảo luận trong nghiên cứu của nhóm rằng người tình nguyện đóng góp vào giảm thiểu ngập rất hiệu quả, họ tham gia vào các hoạt động trong các giai đoạn của các sự kiện ngập. Trong khoảng thời gian triều cường dâng cao theo dự báo, UBND TP cũng chỉ đạo đối tượng liên quan như công an, cảnh sát, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, và công ty thoát nước cùng tham gia giải quyết nước ngập, hỗ trợ người đi đường như dắt xe, sửa  xe nếu xe tắt máy, hướng dẫn đi lại và tránh các tuyến đường ngập nặng,…đặc biệt giúp đỡ những đối tượng có tính nguy cơ rủi ro cao như phụ nữ, người lớn tuổi, trẻ em,…một chị đi đường chia sẻ “Tôi thấy việc làm quá thiết thực, xe tôi chế máy do nước sâu quá, không có mấy anh công an thì không biết làm sao?” Có thể thấy, vai trò tình nguyện tham gia hỗ trợ người ảnh hưởng là hoạt động thiết thực, cấp bách và kịp thời mà vai trò lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo rất hiệu quả.

  1. Thảo luận và Kết luận

4.1. Thảo luận

            Cơ chế quản lý rủi ro thiên tai là sự đồng thuận, trách nhiệm, khả năng lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các bên liên quan nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề mà địa phương và cộng đồng mình đối mặt. Thành phố Cần Thơ triển khai tốt và hiệu quả các chương trình hành động về rủi ro thiên tai, và chủ động chuyển hoá các chương trình vào đúng hoàn cảnh địa phương. Thực tế cho thấy thành phố đã có một tích hợp liên ngành để giảm rủi ro thiên tai cho thành phố (Michael và cộng sự, 2018), và các mô hình mẫu rất cần thiết cho việc dự đoán nhằm tránh ngập và thiệt hại cho thành phố (Mohanasundar và cộng sự, 2018). Cơ chế quản lý rủi ro thiên tai là sự tham gia của toàn dân, tức các ngành và cấp đều tham gia, kể cả sự tham gia của người dân địa phương, đó sự tham gia cấp cộng đồng rất quan trọng và góp phần vào quản lý hiệu quả cơ chế (Mathias, 2015). Tuy nhiên, tác giả cũng quan điểm rằng các chương trình chính sách phát triển liên quan vẫn còn hạn chế, nhất là nguồn lực, quy hoạch, sự liên kết các ngành và vùng, những mặc hạn chế đó có thể tạo hiện tượng ngập ngày càng nghiêm trọng hơn, tạo ra nhiều tổn thương và rủi ro hơn cho thành phố và người dân. Do đó, cơ chế quản lý rủi ro thiên tai cần chặc chẽ thêm, mạnh mẽ thêm, minh bạch hơn, và chia sẻ quyền lực phù hợp để có thể đạt hiệu quả hơn quan điểm chỉ đạo về phòng tránh rủi ro ngập lụt trong thành phố.

4.2. Kết luận

            Có thể cho thấy cơ chế quản lý rủi ro thiên tai tại Thành phố Cần Thơ kịp thời, hiệu quả và và căn cứ theo các văn bản chính sách, nghị quyết từ cấp trên để thi hành. Thành phố đã có những vận dụng hợp lý các chương trình và chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết các vấn đề cần thiết mà người dân địa phương cần. Hơn thế nữa, thành phố cũng chủ động tham gia các chương trình sáng kiến, mạng lưới quốc tế, và nguồn vốn để học hỏi và chia sẻ vấn đề liên quan nhằm cải thiện thể chế và tăng cường khả năng chống chịu cho thành phố tốt hơn. Liên quan đến những vấn đề cấp bách, thực tiễn riêng và nguyện vọng của nhân dân thành phố, các cấp chính quyền, các ngành huy động vào cuộc để hạn chế thiệt hại và rủi ro đến đối tượng bị ảnh hưởng trong thành phố. Nói một cách khác, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tham gia phòng, chống những rủi ro ngập gây ra đến đối tượng bị ảnh hưởng.

Tài liệu tham khảo

            Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. (2009a). Biến đổi khí hậu, kịch bản nước biển dâng tại Việt Nam, Cổng Thông Tin Chính Phủ.

            Chính phủ. (2017). Nghị Quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu, Văn Phòng Chính Phủ.

            Chính phủ. (2018). Nghị Quyết về công tác phòng, chống thiên tai , Văn Phòng Chính Phủ.

            Đài Khí Tượng Thuỷ Văn Thành phố Cần Thơ. (2019). Tin cảnh báo triều cường trên các sông rạch thành phố Cần Thơ, 2019.

            Elert, J. (2010). Sống với ngập lụt, kiến thức bản địa tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển, 2010.

            Vinh, K. Q. (2016) Ngập tại Cần Thơ: Nguyên nhân và giải pháp, CCCO, 2016.

            Hương, P.T., & Pathirana, E. (2013). Tác động đô thị hoá và biến đổi khí hậu trong điều kiện ngập tại Cần Thơ, Tạp Chí Earth Syst Sci.

            Huy và cộng sự (2016). Kế hoạch phát triển vùng ven đô  và vấn đề ngập lụt: câu chuyện về khu đô thị phát triển mới Cần Thơ, ISET.

            Mohanasundar và cộng sự (2018). Các chiến dịch thích nghi để cải thiện ngập cho Cần Thơ, Tạp Chí Springer.

            Mathias, Garschagen (2015). Phân quyền quản lý rủi ro đô thị trong hệ thống nhà nước: chương trình, các bên liên quan và tranh luận tại Việt Nam. Tổ Chức Quốc Tế Habitat.

            Mathias, Garschagen (2015). Thay đổi rủi ro? Cơ chế rủi ro thiên tai đô thị tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển hoá, Tạp Chí Pacific Affairs.

            Nhóm CRO. (2019). Chiến dịch thích nghi Cần Thơ đến năm 2030, Văn Phòng Thích Nghi Cần Thơ và Quỹ Rockefeller.

            Niên Giám Thống kê. (2019). Niên Giám Thống kê Thành phố Cần Thơ. Cục Thống Kê Thành phố Cần Thơ.

            O’Brien và cộng sự (2014a). Tình nguyện viên đóng góp thích nghi với ngập, Tạp Chí Cơ Quan Môi Trường.

            Phùng và cộng sự (2012). Tác động biến đổi khí hậu tại Thành phố Cần Thơ. Sở Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ.

            SCE. (2013). Lập kế hoạch khả năng chống chịu toàn diện để quản lý rủi ro tổng hợp lũ lụt (Báo cáo cuối cùng). Viện trợ của Úc. Việt Nam.

            Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. (2019). Thông báo  số 2478/TB-SGDDT về việc cho học sinh nghĩ học trong những ngày triều cường đầu tháng chín Âm Lịch đạt đỉnh tại địa bàn TP cần Thơ.

            Tuấn, L. A. (2020). Tác động biến đổi khí hậu tại vùng Mekong: sự tổn thương và tiếp cận chính trị, Rosa Luxemburge Stiftung, 2020.

            Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ (2018). Thông báo số: 131/KH-UBND: Kế hoạch triển hai thực hiện nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính Phủ về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành Phố Cần Thơ.

            Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Cần Thơ. (2018). Thông báo số: 84/KH-UBND: Kế hoạch triển hai thực hiện nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính Phủ về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 33

Hôm qua 58

Trong tuần 91

Trong tháng 2119

Tất cả 80951