Khai thác tiềm năng, lợi thể để phát triển du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh

Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ

 

Tóm tắt: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước ta, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, Đồng bằng sông Cửu Long được ca ngợi là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm - cá” của Việt Nam. Bài viết này phân tích các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

 Từ khóa: du lịch nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm du lịch

 Abstract: EXPLOITING THE POTENTIAL AND ADVANTAGES FOR AGRITOURISM DEVELOPMENT IN THE MEKONG DELTA 

The Mekong Delta is the largest agricultural production region in our country, annually producing over 50% of rice output, 65% of aquaculture output, and 70% of fruits; 95% of rice exports, and 60% of fish exports in Vietnam. Therefore, the Mekong Delta is praised as the "rice bowl", "fruit bowl" and "shrimp - fish bowl" of Vietnam. This article analyzes the potential and advantages to develop agricultural tourism in the Mekong Delta, contributing to creating livelihoods, improving people's incomes, and enhancing local socio-economic development.

Keywords: agritourism, Mekong Delta, tourism products

 

  1. Đặt vấn đề

Du lịch và nông nghiệp là hai lĩnh vực kinh tế đang ngày càng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người trên toàn cầu. Sự giao hòa, cộng hưởng giữa du lịch và nông nghiệp đem lại nhiều giá trị thặng dư trên các mặt kinh tế - xã hội. Đồng thời, sự kết tinh mối quan hệ giữa hai ngành này đã tạo ra một loại hình du lịch mới: Du lịch nông nghiệp (Agritourism). Loại hình du lịch đang trở thành xu thế phát triển du lịch mạnh mẽ trên thế giới, có sức thu hút du lịch rất cao.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đã thúc đẩy du khách tìm về những khung cảnh hoang sơ với những vẻ đẹp bình dị, không khí trong lành và những giá trị văn hóa truyền thống, nơi mà làn sóng văn minh đô thị chưa tác động tới. 

Phát triển du lịch nông nghiệp tạo ra tác động kép, thúc đẩy sự phát triển cả  du lịch và cả nông nghiệp. Một mặt, du lịch nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách, bảo đảm cho du lịch phát triển. Mặt khác, du lịch nông nghiệp lại góp phần quảng bá và tiêu thụ nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.

Với một nền nông nghiệp nhiệt đới đa dạng theo vùng miền, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nông nghiệp hàng đầu ở nước ta, được mệnh danh là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm - cá” của cả nước cùng với hệ sinh thái phong phú đa dạng, khung cảnh sông nước hiền hòa, người dân thân thiện, mến khách và những giá trị văn hóa đặc sắc tạo ra những tiềm năng, thế mạnh to lớn về du lịch nông nghiệp. 

Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhỏ lẻ, tự phát; sản phẩm du lịch nông nghiệp còn nghèo nàn, đơn điệu, kiểu “cây nhà lá vườn”, chất lượng chưa cao; chưa hình thành sự liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách cho du lịch nông nghiệp; người nông dân chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch một cách bài bản,…

Thực trạng trên cho thấy vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để phát huy các tiềm năng, lợi thế về du lịch nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo ra “hiệu ứng kép” cho cả du lịch và nông nghiệp cùng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

  1. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu là các nguồn thông tin thứ cấp được thu thập từ các công trình nghiên cứu, các báo cáo tổng kết, dự án quy hoạch và các nguồn dữ liệu liên quan khác như bản đồ, hình ảnh, video,… Các nguồn dữ liệu này được hệ thống hóa và phân tích phục vụ giải quyết vấn đề nghiên cứu.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích định tính kết hợp các phương pháp so sánh, tổng hợp, phân tích tương quan và phương pháp bản đồ, phương pháp khảo sát thực tế. Ngoài ra, phương pháp phân tích SWOT nhằm đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, có hội và thách thức trong phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng với tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL.   

  1. Nội dung nghiên cứu

3.1. Khái niệm du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị của ngành nông nghiệp và các yếu tố liên quan để tạo thành các sản phẩm du lịch: từ tư liệu sản xuất, con người, quy trình sản xuất, phương thức tập quán và kỹ thuật canh tác đến sản phẩm nông nghiệp và những yếu tố tự nhiên gắn với hệ sinh thái nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước,… 

Theo Christine Tew (2010): Du lịch nông nghiệp là một thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động tham quan trang trại hoặc các quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp với mục đích nhận thức, sở thích, giáo dục hoặc nghỉ dưỡng, bao hàm trong đó cả tài nguyên nông nghiệp, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn.  

Theo David Preece (2015): Du lịch nông nghiệp là hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp và của cộng đồng nhằm giới thiệu với du khách về quá trình sản xuất và các di sản nông nghiệp của vùng nông thôn.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa có khái niệm chính thức về loại hình du lịch này. Trong thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch đã tổ chức khá nhiều hội thảo liên quan đến du lịch nông nghiệp. Nhìn chung, có thể hình dung nội hàm du lịch nông nghiệp như sau: (1) Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp nhằm thu hút du khách đến các địa bàn hoạt động liên quan đến nông nghiệp; (2) Mục đích cơ bản là tăng thu nhập cho nông dân thông qua sinh kế mới là làm du lịch nông nghiệp nhưng vẫn duy trì hoạt động nông nghiệp vốn có của người nông dân; (3) Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động thể chất và tinh thần gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm công việc và đời sống người nông dân; (4) Kết hợp các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như những ngành nghề truyền thống.       

Sản phẩm du lịch nông nghiệp bao gồm 4 loại cơ bản là: (1) Sự hấp dẫn du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp như: đồng ruộng, nhà xưởng, nông cụ, quy trình sản xuất; (2) Các sự kiện đặc biệt liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn như: triển lãm, hội chợ, hội nghị, hội thảo; (3) Các hoạt động giải trí trên địa bàn như: đi bộ đường dài, đi xe đạp, cưỡi động vật, dã ngoại, khám phá cảnh quan nông thôn, tận hưởng không gian xanh mát, không khí trong lành hoặc trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp như gieo cấy, chăm sóc cây trồng và gia súc, thu hoạch nông sản,…; (4) Các dịch vụ liên quan như: phòng nghỉ, ăn uống, cắm trại, bán lẻ hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ,...

Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp là trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng đến cả những ao nuôi, cơ sở thuần dưỡng động, thực vật hoang dã. Các chủ thể tham gia tổ chức du lịch nông nghiệp có thể là chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp,...

Như vậy, phạm vi của du lịch nông nghiệp rất rộng. Cũng vì vậy, người ta có thể gọi du lịch nông nghiệp là du lịch canh nông, du lịch nông thôn, du lịch làng bản, du lịch trang trại, du lịch đồng quê,…  

Phát triển du lịch nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc khai thác các tiềm năng du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Nhiều chương trình du lịch đang thu hút khách du lịch như: tham quan nông trại chăn nuôi bò sữa, vườn cây trái, vườn rau, vườn hoa kiểng, làng bè nuôi thủy sản,…

Đến với các điểm du lịch nông nghiệp, du khách rất thích thú được tham quan, được tự tay hái trái và thưởng thức trái cây tươi ngon tại vườn, được trải nghiệm và thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn. Du khách còn có thể mua đặc sản, quà lưu niệm từ những sản vật và nguyên liệu tại chỗ qua bàn tay khéo léo của những người thợ địa phương. Ngoài ra, du khách còn được tham gia rất nhiều hình thức hoạt động khác như: tát mương bắt cá, chụp hình tại các vườn cải, vườn hoa,… 

3.2. Tiềm năng du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long  

Với diện tích khoảng 4 triệu ha, ĐBSCL là châu thổ rộng lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á và là châu thổ lớn thứ 6 trên thế giới. Sông Mekong cũng là sông lớn nhất Đông Nam Á và là một trong 10 sông lớn nhất thế giới, được coi là dòng sông mẹ bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng, tạo nên một nền nông nghiệp trù phú, cảnh quan sông nước hữu tình. ĐBSCL hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp.

Nơi đây không chỉ được biết đến như là một trung tâm nông nghiệp lớn nhất ở Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng đến phạm vi toàn cầu. Hiện nay, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của Việt Nam (Chính phủ, 2017).

Với hệ thống canh tác đa dạng dựa trên nền sản xuất lúa, ĐBSCL phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu có sự phân hóa không gian đã tạo nên những tiểu vùng sinh thái nông nghiệp với những đặc trưng riêng. Dưới góc độ sinh thái nông nghiệp, có thể chia ĐBSCL thành 6 tiểu vùng. Mỗi tiểu vùng đều có những tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn, hạn chế riêng để phát triển du lịch nông nghiệp

a) Tiểu vùng Đồng bằng trung tâm

Tiểu vùng Đồng bằng trung tâm còn gọi là tiểu vùng ven sông Tiền - sông Hậu. Đây là địa bàn có tiềm năng và lợi thế lớn nhất về nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. Do được bồi đắp phù sa màu mỡ cùng với nguồn nước dồi dào nên nông nghiệp ở tiểu vùng này rất phát triển với hệ thống canh tác đa dạng, trình độ thâm canh cao. Hệ thống canh tác chính trong tiểu vùng gồm: lúa 3 vụ, lúa 2 vụ, lúa 1 vụ + màu và cây ăn trái. Đặc biệt, ở đây có các địa bàn trồng cây ăn trái rất nổi tiếng với “nền văn minh miệt vườn” tạo điều kiện phát triển loại hình du lịch miệt vườn với nhiều loại trái cây đặc sản như: xoài, sầu riêng, vú sữa, cam, bưởi, dâu, chôm chôm,…

b) Tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười còn gọi là tiểu vùng đồng lũ kín do địa hình trũng thấp nhưng có các gò đất cao ở xung quanh tạo thành hệ thống đê tự nhiên cản trở việc thoát lũ ra biển. Trước kia, nơi đây là vùng đất chua phèn, ngập sâu vào mùa lũ và gần như bị bỏ hoang. Người dân sinh sống chủ yếu bằng việc khai thác các sản vật thiên nhiên sẵn có như lúa mọc hoang (gọi là lúa nổi hoặc lúa trời), bông điên điển, bông súng, thủy sản,…

Sau nhiều năm thực hiện các công trình thủy lợi để “rửa phèn”, “ngọt hóa” và điều tiết nước, tiểu vùng này đã chuyển thành một địa bàn nông nghiệp phát triển với hệ thống canh tác chính gồm: lúa 2 vụ, lúa 1 vụ, chuyên màu và cây ăn trái.

Hiện nay, hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười còn lưu giữ được phương thức canh tác lúa nổi truyền thống rất đặc sắc, tạo tiềm năng cho các hoạt động du lịch nông nghiệp trải nghiệm như tìm hiểu giống lúa nổi thích nghi cao trong môi trường ngập lũ, thân cây lúa vươn dài theo mức nước dâng; tìm hiểu “nghề” đập lúa trời mọc tự nhiên ở Đồng Tháp Mười,… Những năm gần đây, người dân Đồng Tháp Mười còn sáng tạo mô hình “du lịch mùa nước nổi” rất độc đáo và đặc sắc. 

c) Tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên

Tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên còn gọi là tiểu vùng đồng lũ hở do địa hình có dạng lòng máng thấp dần ra biển Tây nên nước lũ thoát ra biển nhanh hơn so với Đồng Tháp Mười. Đáng lưu ý địa bàn này có dãy núi Thất Sơn với cảnh quan đẹp, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và nhiều loại cây đặc sản như: thốt nốt, su su, các loại cây dược liệu và cây ăn trái.

Đặc biệt, núi Cấm là điểm du lịch hấp dẫn ở tiểu vùng này, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch dựa vào nông nghiệp như: tham quan cánh đồng thốt nốt và nghề nấu đường thốt nốt, tham quan vườn rừng, tắm và ngâm chân bằng thảo dược, mua và thưởng thức các đặc sản địa phương,… 

d) Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau

Tiểu vùng này nổi tiếng với hệ sinh thái rừng ngập mặn U Minh cùng với nguồn tài nguyên sinh vật rất phong phú như: chim, trăn, rùa, rắn, tôm, cá và ong mật. Nơi đây có khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Đây cũng là địa bàn nuôi trồng thủy sản hàng đầu ở ĐBSCL và cả nước. 

e) Tiểu vùng Đồng bằng ven biển

Tiểu vùng Đồng bằng ven biển còn gọi là tiểu vùng Hạ châu thổ. Đây là nơi có sự tác động mạnh mẽ của thủy triều đưa nước mặn theo các sông rạch vào đất liền làm cho đất bị nhiễm mặn, nhất là vào mùa khô. Hoạt động nông nghiệp ở đây diễn biến theo mùa rõ rệt với sự thay đổi 2 pha theo chu kỳ: ngọt - mặn. Pha ngọt diễn ra vào mùa mưa, người dân lợi dụng nước trời để trồng lúa; pha mặn diễn ra vào mùa khô, khi nguồn nước ngọt suy giảm, xâm nhập mặn gia tăng thì người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Một số nơi đất cao thì trồng cây ăn trái.

Đặc biệt, ở tiểu vùng này có đặc sản dừa Bến Tre tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch “Xứ Dừa” như: tham quan vườn dừa và thưởng thức nước dừa tươi tại vườn; tham quan, thưởng thức và mua sắm tại làng nghề làm kẹo dừa, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa,…    

f) Tiểu vùng Biển đảo ĐBSCL

Tiểu vùng này có đặc điểm rất độc đáo là hai mặt giáp với hai chế độ thủy triều khác nhau: phía biển Đông là chế độ bán nhật triều không đều, phía biển Tây là chế độ nhật triều không đều. Tiểu vùng này là vùng biển rộng lớn, có các đảo như: Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Nghệ, Hòn Rái (Kiên Giang), Hòn Khoai, Hòn Chuối (Cà Mau) và các quần đảo: Tiên Hải, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu (Kiên Giang).

Nơi đây có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú, rất thuận lợi để kết hợp du lịch nông nghiệp với du lịch sinh thái. Các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phát triển mạnh với những sản phẩm đa dạng như: tôm, cá, sò huyết, ngọc trai,… là cơ sở để tạo thành nhiều loại sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Nhìn chung, loại hình du lịch nông nghiệp có tiềm năng lớn và được du khách ưa chuộng ở ĐBSCL là du lịch miệt vườn. “Miệt vườn” cách gọi của người dân ĐBSCL đối với địa bàn trồng cây ăn trái tập trung quy mô lớn ở tiểu vùng Đồng bằng trung tâm và rải rác ở nhiều tiểu vùng khác. Nơi đây còn có những loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, quýt hồng Cái Bè (Tiền Giang), bưởi Năm Roi Bình Minh, chôm chôm An Bình (Vĩnh Long), dâu Hạ Châu Phong Điền, mận An Phước Tân Lộc (Cần Thơ),…

Với các loại trái cây tươi ngon, thay đổi theo mùa cùng với không gian xanh mát và thanh bình, không khí trong lành, thoáng đãng, các miệt vườn ĐBSCL thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, đời sống miệt vườn với những nét văn hóa truyền thống, được ca ngợi là “văn minh miệt vườn” là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tiểu vùng này. 

Nghề trồng lúa ở ĐBSCL đã hình thành và phát triển hàng trăm năm với những đặc sản nổi tiếng như: Nàng Thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Nàng Nhen, Huyết Rồng, Nanh Chồn,…cùng với nhiều mô hình canh tác lúa kết hợp với những sản phẩm khác rất đa dạng và độc đáo theo điều kiện sinh thái từng địa phương với những kho tàng tri thức bản địa đặc sắc, tạo tiềm năng to lớn để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Đến với ĐBSCL, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa trải dài tít tắp, tưởng như vô tận; được nghe giới thiệu về các loại gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương; tìm hiểu các công cụ lao động truyền thống như: dao phát cỏ, nọc cấy, lưỡi liềm, lưỡi hái, cối xay lúa, cối giã gạo,… Du khách còn được tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại làng nghề và thưởng thức các món ăn chế biến từ gạo như: bánh tráng, bánh hỏi, bánh canh, bún, hủ tiếu,…

Năm 2019, gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. Đây không những là thành tựu đáng tự hào của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và của ĐBSCL, mà còn là cơ hội để phát triển du lịch nông nghiệp, thu hút khách du lịch đến tham quan và thưởng thức đặc sản gạo ngon nhất thế giới này.  

Ngoài ra, ĐBSCL còn có thể phát triển nhiều loài hình sản phẩm du lịch khác gắn với các món ăn đặc sản địa phương mang nét đặc trưng của miền châu thổ phì nhiêu, màu mỡ này như: cá lóc nướng trui, cá tai tượng chiên xù, xôi vồng, canh chua cá bông lau,… 

Với khí hậu ổn định, ít có bão, không có mùa Đông lạnh, ĐBSCL có thể phát triển du lịch nông nghiệp rải đều trong năm, giảm bớt tính mùa vụ trong du lịch. Mặt khác, sản phẩm du lịch nông nghiệp có thể kết hợp với các loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mua sắm,…

Vì vậy, ở ĐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch và kết nối thành các chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp theo chiều dọc và theo chiều ngang, tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển các mô hình liên kết giữa các địa phương trong và ngoài ĐBSCL. Đặc biệt, các đặc sản nổi tiếng của ĐBSCL có thể tạo thành các chuỗi liên kết toàn cầu để thu hút khách du lịch quốc tế đến với vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong hùng vĩ và trù phú này.  

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL cũng còn không ít những khó khăn, thách thức như kiến thức và kỹ năng du lịch của người dân địa phương còn hạn chế, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch chưa được đầu tư phát triển, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, bãi đậu xe, các cơ sở dịch vụ du lịch,…

Bên cạnh đó, người dân ĐBSCL vốn quen sống dựa vào tự nhiên, sản xuất nhỏ lẻ, mức thu nhập không cao nên nguồn vốn đầu tư cho du lịch nông nghiệp của các hộ dân có hạn.

Đặc biệt, ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến tình trạng triều cường, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn cùng với nhiều thiên tai khác là thách thức nghiêm trọng trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển du lịch nông nghiệp nói riêng, gây thiệt hại đến các hoạt động du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng. 

3.3. Thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long  

Với những tiềm năng to lớn như trên, hoạt động du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL đã có bước phát triển đáng kể, đem lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, xã hội và môi trường. Loại hình du lịch nông nghiệp hình thành và phát triển sớm nhất ở ĐBSCL là du lịch miệt vườn. Từ các vườn cây ăn trái xanh tươi trù phú sẵn có, các hộ dân ở miệt vườn ĐBSCL đã bắt tay vào làm du lịch với các sản phẩm du lịch như: tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn, mua trái cây và các sản phẩm từ trái cây, thưởng thức các món ăn miệt vườn và các giá trị văn hóa bản địa như: nghe đờn ca tài tử, tham quan các di tích, lễ hội, tìm hiểu phong tục tập quán địa phương,…

Ngoài ra, du khách có thể đi bộ, đạp xe trên đường làng hoặc ngồi xuồng ba lá đi theo kênh rạch để tham quan khung cảnh làng quê thanh bình, trải nghiệm đời sống nông dân miệt vườn như: trồng và chăm sóc cây, thu hái trái cây, chế biến các món ăn miệt vườn. Hiện nay, nhiều điểm du lịch miệt vườn đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch như ở Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang), Cù lao An Bình (Vĩnh Long), các nhà vườn du lịch ở huyện Phong Điền, ở cù lao Tân Lộc (Cần Thơ), …   

Bên cạnh đó, các mô hình du lịch nông nghiệp dựa trên các hoạt động chăn nuôi, thủy sản cũng được quan tâm đầu tư phát triển như: Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), Làng cá bè Châu Đốc (An Giang), Khu nuôi cấy ngọc trai Phú Quốc (Kiên Giang). Nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tổ chức thành công cho các du khách trải nghiệm các hoạt động đánh bắt cá truyền thống: tát mương bắt cá, câu cá (Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ,…), săn cá hô trên sông Mekong ở Phú Tân (An Giang), thẻ mực ở Phú Quốc (Kiên Giang),... 

Ở ĐBSCL còn có nhiều làng nghề gắn với nông nghiệp hoặc là công việc của người nông dân lúc “nông nhàn” cũng trở thành những điểm du lịch làng nghề hấp dẫn như: làng nghề làm bánh tráng, bánh pía, kẹo mè, lạp xưởng, nấu đường thốt nốt; làng nghề đan lưới, đan lờ, lọp; làng nghề dệt chiếu, dệt thổ cẩm, làm gốm,… của các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa,… Đặc biệt, ở ĐBSCL có nhiều làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống nổi tiếng hàng trăm năm, nay đã trở thành các điểm du lịch hấp dẫn như: Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Làng hoa Chợ Lách (Bến Tre), Làng hoa Bà Bộ (Cần Thơ), …     

Tại An Giang, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Phát triển du lịch nông nghiệp với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông dân Hà Lan (Agritera). Giai đoạn 1 (2007-2009), Dự án đã xây dựng mô hình thí điểm tại ba địa bàn: xã Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), xã Tân Trung (Phú Tân) và xã Văn Giáo (Tịnh Biên). Giai đoạn 2 (2011-2014), Dự án đã mở rộng mô hình ra 15 xã trong toàn tỉnh. Qua hai giai đoạn triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu nhập của hộ dân tăng từ 2 triệu đồng/tháng lên 10-15 triệu đồng/tháng (Nguyễn Thị Sơn và Nguyễn Phú Thắng, 2014).

Với sự đầu tư phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng, hoạt động du lịch ở ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Năm 2018, ĐBSCL đã đón hơn 40 triệu lượt du khách, tăng 16,8% so với năm 2017. Trong đó, có hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2019, toàn vùng đón 47 triệu lượt du khách, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30 nghìn tỷ đồng (Ngọc Mai, 2020). 

Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL còn không ít những khó khăn và hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của vùng. Các hoạt động du lịch nông nghiệp còn mang tính tự phát theo từng hộ gia đình; chưa chú trọng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn khách; vai trò của cộng đồng trong du lịch nông nghiệp chưa rõ nét; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chất lượng chưa cao; hoạt động thông tin, quảng bá sản phẩm còn hạn chế,…          

3.4. Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long         

Trên cơ sở các tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL, để khai thác tốt hơn các nguồn lực vốn có, vùng ĐBSCL cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

- Xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL theo các vùng sinh thái nông nghiệp gắn với định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp, độc đáo của mỗi địa phương. Kết hợp khai thác các sản phẩm OCOP (one commune, one product - mỗi xã, phường một sản phẩm) của các địa phương để tạo thành các sản phẩm du lịch vừa quảng bá giới thiệu đặc sản địa phương với du khách, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.   

- Tăng cường phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp theo hướng liên kết thành chuỗi giá trị, gắn với chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, cũng như toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây, thủy sản và các đặc sản địa phương.

- Vừa chú trọng duy trì và khai thác các mô hình nông nghiệp truyền thống, nhất là các đặc sản địa phương, vừa tăng cường phát triển và khai thác các mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường.

- Đầu tư có trọng điểm, phát triển từng bước vững chắc nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Tránh phát triển ồ ạt, dàn trải, tự phát dẫn đến hiệu quả thấp hoặc gây ra những nguy cơ suy thoái môi trường tại các điểm du lịch nông nghiệp.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp thông qua các lớp tập huấn cho nông dân về du lịch nông nghiệp. Đồng thời, cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch nông nghiệp như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ,…

- Tăng cường thông tin, quảng bá du lịch để các doanh nghiệp lữ hành và du khách biết đến các điểm du lịch nông nghiệp và các sản phẩm du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL.

- Phát triển du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng thông qua cơ chế phối hợp giữa các hộ dân làm du lịch nông nghiệp với các bên liên quan như: chính quyền và đoàn thể các cấp, doanh nghiệp lữ hành, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà tư vấn,… Tức là, xây dựng mô hình liên kết 4 nhà để phát triển du lịch nông nghiệp: nhà nông – nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học.   

- Bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch thông qua việc nâng cao nhận thức và hành động vì môi trường của người dân và khách du lịch. Đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng ở khu du lịch, cải tạo cảnh quan nhằm tăng cường không gian xanh kết hợp trồng hoa, cây cảnh để tạo tiểu cảnh cho khách chụp hình. Tổ chức tốt hệ thống thu gom, xử lý chất thải,…      

  1. Kết luận

Thiên nhiên đã ưu đãi cho ĐBSCL những nguồn tài nguyên quý giá để trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản. Đây chính là những tiềm năng, thế mạnh để ĐBSCL phát triển du lịch nông nghiệp, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng châu thổ xanh tươi, trù phú này.

Với vị thế là vùng trong điểm số 1 về lương thực, thực phẩm của cả nước, được mệnh danh là “vựa lúa”, “vựa trái cây”, “vựa tôm - cá” của Việt Nam, ĐBSCL hoàn toàn có thể đi theo con đường phát triển dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp - nông thôn nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình, có thể triển khai ngay theo những mô hình và quy mô khác nhau dựa trên những nguồn lực vốn có của nông dân có sự hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi về vốn vay, miễn giảm về thuế.

Phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn có ý nghĩa đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời, còn kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ như vận chuyển, viễn thông, thương mại,… 

Như vậy, phát triển du lịch nông nghiệp góp phần quan trọng cho sự chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế ĐBSCL từ nông nghiệp sang dịch vụ, từ đó, hình thành cơ cấu “dịch vụ - công - nông nghiệp”. Điều đó có nghĩa là, từ chỗ tập trung vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, ĐBSCL sẽ chuyển sang tổ chức cung cấp các sản phẩm dịch vụ đi cùng quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua việc tổ chức cho du khách đến tham quan và trải nghiệm toàn bộ hệ thống sản xuất cung ứng nông sản cùng với các yếu tố tự nhiên và văn hóa gắn với hệ thống đó ở ĐBSCL. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ, 2017. Nghị quyết số 120/NQ - CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509 &_page=1&mode=detail&document_id=192249
  2. Chính phủ, 2019. Du lịch Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, đón 18 triệu lượt khách quốc tế. http://baochinhphu.vn/Du-lich/Du-lich-Viet-Nam-tang-truong-than-ky-don-18trieu-luot-khach-quoc-te/383674.vgp
  3. Christine Tew, 2010. Importance of Agritourism for agripreneur goal accomplishment. Thesis of Faculty of the Graduate School University of Missouri.
  4. David Preece, 2015. Agritourism: An American Perspective, APO Agritourism Conference Presentations - West Java Indonesia, July 28, 2015.
  5. Gia Huy, 2021. Du lịch Việt Nam 2021 tìm thời cơ trong thách thức. https://dangcongsan.vn/chao-xuan-tan-suu-2021/dat-nuoc-vao-xuan/du-lich-viet-nam2021-tim-thoi-co-trong-thach-thuc-574536.html
  6. Huỳnh Biển, 2019. Khai thác mỏ vàng du lịch nông nghiệp. https://baocantho.com.vn/khai-thac-mo-vang-du-lich-nong-nghiep-a111479.html
  7. Ngọc Mai, 2020. Làm gì để phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long? https://baophapluat.vn/lam-gi-de-phat-trien-du-lich-dong-bang-song-cuu-longpost347393.html
  8. Nguyễn Thị Sơn và Nguyễn Phú Thắng, 2014. Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh An Giang, Tạp chí khoa học Trường ĐHSP TP HCM, số 6/2014.
  9. Trung Hiếu, 2019. Gạo ST25 của Sóc Trăng được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. https://bnews.vn/gao-st25-cua-soc-trang-duoc-cong-nhan-la-gao-ngonnhat-the-gioi-nam-2019/139941.html.

 

 

 

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 11

Hôm qua 99

Trong tuần 838

Trong tháng 4592

Tất cả 77480