Vai trò của hợp tác xã trong chuỗi giá trị nông sản hàng hóa và xu hướng phát triển trong thời gian tới

Nguyễn Duy Cần

Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ

E-mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

1 Người nông dân và Hợp tác xã trong chuỗi giá trị nông sản hàng hóa

1.1 Giai đoạn trước Luật HTX 2012

Chuỗi giá trị nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà điển hình là chuỗi giá trị lúa gạo đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, phân tích. Theo Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2011), chuỗi giá trị lúa gạo bao gồm các công đoạn (khâu) chính: Cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến, thương mại và tiêu thụ. Trong chuỗi giá trị này, hầu hết các khâu (giá trị tăng thêm) do nhiều tác nhân tham gia, chẳng hạn như khâu cung ứng đầu vào thì do các nhà cung cấp đầu vào, các đại lý phân, thuốc, giống; khâu thu gom do các thương lái chi phối; khâu chế biến thuộc về các nhà máy xay xát, nhà máy lau bóng tư nhân; và khâu tiêu thụ do các công ty lương thực thực hiện. Nông dân, tổ hợp tác hay hợp tác xã (HTX) chỉ tham gia duy nhất một khâu trong chuỗi là sản xuất. Do vậy lợi nhuận cho người sản xuất là nông dân hay HTX là rất thấp, trong khi lợi nhận từ các khâu khác và các tác nhân khác rất cao [1],[2] . Điều này cũng giải thích lý do nông dân trồng lúa có thu nhập thấp và nghèo, trong khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu trên thế giới.

(Nguồn: Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2011))

1.2 Giai đoạn sau Luật HTX 2012 – Xu hướng chuyển đổi nâng cao chuỗi giá trị

Hiện nay, chuỗi giá trị thương mại lúa gạo của Việt Nam chủ yếu có hai kênh chính là xuất khẩu và thị trường nội địa. Kênh thị trường nội địa đi qua các khâu: từ nhà cung cấp đầu vào (đại lý vật tư, cửa hàng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); người sản xuất (chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ) qua các tầng nấc trung gian là thương lái; doanh nghiệp kinh doanh chế biến; đến người tiêu dùng qua các kênh như chợ, cửa hàng, siêu thị… Hình thức giao dịch nông sản phổ biến hiện nay là mua bán tự do giao hàng tại chỗ (kể cả tại đồng) và không có hợp đồng giữa nông dân với những người thu gom (thương lái); một số mua bán thông qua ký kết hợp đồng với doanh nghiệp; rất hạn chế giao dịch qua chợ đầu mối hay các trung tâm giao dịch nông sản. Kênh xuất khẩu, tác nhân chính là doanh nghiệp, đi qua các khâu: từ người nông dân qua các nấc trung gian là thương lái, doanh nghiệp sơ chế và xuất khẩu. Các doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung vào thu mua và xuất khẩu hàng hóa nông sản thô, chưa qua chế biến, không có thương hiệu nên giá trị thấp.

Luật HTX 2012 và kèm theo các chính sách hỗ trợ HTX của nhà nước đã đem lại những kết quả tích cực, HTX đã có những bước chuyển đáng kể trong nâng cao chuổi giá trị sản xuất hàng hóa, HTX liên kết với doanh nghiệp, tham gia trong các khâu từ thu gom đến thương mại (qua liên kết) [12]. Năm 2021, ĐBSCL có 2343 HTXNN, trong có 22% số HTX có liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh [12]. Nghiên cứu của Khổng Tiến Dũng (2021) cho thấy HTX ở An Giang có xu hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, tham gia nhiều hơn các khâu từ sản xuất, thu gom và cung ứng cho doanh nghiệp qua hình thức liên kết [10]. Nghiên cứu của Đào Anh Xuân (2021) cho thấy một xu hướng phát triển mới cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên - Sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX hầu như tham gia hầu kết các khâu trong chuỗi sản xuất hàng hóa gạo Hoa Vàng [11].  

Sơ đồ 2. Chuỗi giá trị lúa gạo hàng hóa tỉnh An Giang (2020)

(Nguồn: Khổng Tiến Dũng (2020))

Sơ đồ 3. Sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm gạo Hoa Vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp. (Nguồn: Đảo Anh Xuân (2021))

Hiện tại có rất ít doanh nghiệp, HTX tập trung đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Gần đây chỉ một vài doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo: đi từ cung ứng đầu vào đến khâu cuối cùng là tiêu thụ kể cả nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp tư nhân đang lớn mạnh là Công ty Hồ Quang Trí với thương hiệu gạo ST25 ngon nhất thế giới cũng đã sản xuất theo hết chuỗi giá trị, từ cung cấp đầu vào là giống đến thu gom, chế biến và đến khâu cuối cùng là tiêu thụ kể cả trong nước và xuất khẩu.

Theo một báo cáo về chuỗi giá trị lúa gạo tỉnh Sóc Trăng của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sóc Trăng cho thấy doanh nghiệp hay công ty sản xuất tham gia hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo với đối tượng gạo ST20 chất lượng cao đem lại giá trị và lợi nhuận cao, nông dân tham gia trong chuỗi cũng hưởng lợi cao hơn nhờ giá bán cao. Trong khi đó, với nhóm nông dân trồng lúa khác, sản xuất không theo chuỗi giá trị và nhiều tác nhân tham gia, đem lại giá trị và thu nhập thấp hơn [3].

Điều này cũng cho thấy rằng: nông dân cá thể, nhỏ lẻ không có khả năng để sản xuất theo hết chuỗi giá trị lúa gạo và lợi nhuận từ khâu sản xuất là rất thấp; chỉ có doanh nghiệp, HTX “kiểu mới” mới có khả năng đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại sản xuất bền vững và giá trị, lợi nhuận cao. Hợp tác xã, tổ hợp tác hiện tại quy mô nhỏ, thiếu các nguồn lực và khả năng để đóng vai trò như doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây cũng là con đường đi tới của HTX để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất.

Sơ đồ 4: Chuỗi giá trị lúa gạo tỉnh Sóc Trăng.

(Nguồn: Vũ Bá Quan (2018))

 

2 Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc: Hợp nhất các HTX cấp xã để gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh và nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp

2.1 Hợp nhất các HTX cấp xã để gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh

Theo các báo cáo Shuzo (2008) HTX nông nghiệp Nhật Bản có lịch sử ra đời rất lâu. Các HTX giai đoạn đó cũng đã thực hiện các hoạt động căn bản như cung ứng vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng tập thể các máy móc thiết bị [6]. HTX ở Nhật không ép buộc nông dân, mà HTX được phát triển với sự hợp tác tự nguyên của nông dân, xây dựng thành một hệ thống HTX từ trung ương đến địa phương. HTX hoạt động với tinh thần là tương trợ lẫn nhau, các hộ xã viên đóng góp cổ phần và thông qua đại hội xã viên bầu ra Ban quản lý HTX. Theo Iwamoto (2016) HTX ở Nhật cũng đã trãi qua những giai đoạn khó khăn và thay đổi để hoàn thiện. Năm 1947 sau thế chiến thứ II, Nhật Bản bắt đầu vực dậy nền kinh tế và Luật HTX kiểu mới ra đời. Nhiều HTX từ các làng xã được thành lập và hầu hết mọi nông dân Nhật Bản đều tham gia HTX. Không lâu sau khi HTX kiểu mới thành lập, hầu hết HTX rơi vào tình thế thất bại trong kinh doanh do lạm phát cao sau chiến tranh, tài sản kế thừa từ HTX cũ xuống cấp, kỹ năng quản kém của lãnh đạo HTX; năm 1951 HTX Nhật Bản bắt đầu tái cấu trúc và điều chỉnh lại luật HTX dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Trong lịch sử phát triển HTX ở Nhật Bản đã nhiều lần hợp nhất để có một HTX nông nghiệp JA ngày nay. Sự phát triển HTX nông nghiệp ở Nhật Bản có những dấu mốc đáng chú ý như sau [7]:

  • Năm 1947 luật HTX nông nghiệp Nhật Bản ban hành, nhiều HTX được thành lập ở mỗi xã trong cả nước. Hầu hết nông dân vào HTX. Sớm sau khi HTX mới được thành lập, hầu hết HTX thất bại trong kinh doanh do làm phát sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, tài sản thừa kế của HTX cũ xuống cấp, lãnh đạo HTX quản lý kém.
  • Năm 1951, Nhật Bản tái cấu trúc và điều chỉnh lại luật HTX. Lúc này HTX được kiểm soát bởi Chính phủ.
  • Năm 1957 luật HTX sửa đổi và thành lập Liên đoàn HTX Trung ương.
  • Năm 1961 Chính phủ ban hành các luật hiện đại hóa nông nghiệp, bao gồm HTX nông nghiệp. Theo đó, HTX hợp nhất lại để trở thành HTX quy mô lớn hơn (HTX cấp quận); không còn HTX nhỏ lẻ cấp xã. Kết quả là năm 1961 có 12.050 HTX, đến năm 1974 giảm xuống chỉ còn 4.972 HTX, và năm 2015 chỉ còn 708 HTX nông nghiệp.
  • HTX nông nghiệp Nhật Bản không coi trọng về số lượng mà coi trọng về chất lượng. Số HTX giảm, trong khi số thành viên mỗi HTX cấp quận tăng lên, chẳng hạn năm 2005 là 10.371 tăng lên 14.249 ở năm 2015 (Hình 1). Hợp nhất HTX ở Nhật Bản giúp quy mô kinh doanh của HTX mở rộng và tài chánh mạnh lên!

Hình 1: Số lượng HTX và số thành viên/HTX của HTXNN Nhật Bản.

(Nguồn: Izumi Iwamoto (2016))

 

Tương tự, kinh nghiệm phát triển HTX nông nghiệp ở Hàn Quốc cũng đã trãi qua quá trình tương tự [8], [9].

  • Năm 1949 Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận thành lập HTX nông nghiệp. Giai đoạn 1950~ 1953, chiến tranh Triều Tiên xảy ra nên HTX chưa hoạt động.
  • Năm 1952~ 1953: Phong trào HTX thực hành nông thôn được phát triển khắp vùng nông thôn.
  • Năm 1957, Hàn Quốc ban hành luật HTX Nông nghiệp và luật Ngân hàng nông nghiệp. Điều này cho thấy Chính phủ Hàn Quốc có chủ trương phát triển đồng bộ HTX và tài chính nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
  • Năm 1958, khai trương HTX nông nghiệp và Ngân hàng nông nghiệp.
  • Năm 1961: Khai trương HTX nông nghiệp kiểu mới bằng việc sáp nhập HTX nông nghiệp và NH nông nghiệp. Lúc này có 21.042 HTX, với trung bình mỗi HTX có 82 thành viên.
  • Giai đoạn 1963~ 1967: Hợp nhất HTX cấp làng/xã lần 1; giai đoạn 1969~ 1973: Hợp nhất HTX ban đầu theo quận/huyện lần 2. Kế quả là năm 1973, Hàn Quốc hoàn thành hợp nhất HTX. Lúc này có 1.549 HTX với số lượng thành viên mỗi HTX tăng lên (1,331 thành viên/HTX) (Hình 2).

Hình 2: Số lượng HTX và số thành viên/HTX của HTXNN Hàn Quốc.

(Nguồn: Park (2013))

Trong khi đó, HTX nông nghiệp Việt Nam vẫn còn coi trọng về số lượng, chất lượng HTX đang từng bước cải thiện nhưng chưa đáng kể. Số lượng HTX gia tăng hàng năm, số thành viên/HTX có xu hướng giảm, ngược với kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc (Hình 3). Kinh nghiệm hợp nhất HTX ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh sự thành công, giúp quy mô kinh doanh của HTX mở rộng và tài chánh mạnh lên!

 

Hình 2: Số lượng HTX và số thành viên/HTX của HTXNN Việt Nam.

(Nguồn: Bộ NN & PTNT (2021))

 

2.2 Kinh nghiệm của Nhật Bản - HTX nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp

Đặc điểm rất đặc thù của HTX nông nghiệp Nhật Bản là hình thức hợp tác trong phân phối chứ không hợp tác trong sản xuất. HTX nông nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu: cung cấp cho nông dân các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, hoá chất nông nghiệp, thức ăn, trang thiết bị sản xuất và kỹ thuật cho sản xuất trồng trọt và chăn nuôi gia súc cũng như các hàng hoá cần dùng cho nông hộ; và thứ hai là giúp cho người nông dân tiêu thụ các sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản dự trữ và bán các sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế [4],[5]. Ngày nay HTX nông nghiệp ở Nhật Bản làm hơn thế nữa, cung cấp dịch vụ, sản phẩm của HTX đến tận người tiêu dùng, cửa hàng và hệ thống siêu thị.

Hầu hết các HTX nông nghiệp Nhật Bản hoạt động theo hình thức HTX nông nghiệp đa chức năng về hoạt động kinh doanh. Các HTX đa chức năng không bị hạn chế về qui mô hoạt động, họ tham gia hầu hết các hoạt động và dịch vụ từ marketing, cung ứng vật tư, nhận tiền gửi và cho vay, bảo hiểm, hướng dẫn kinh doanh nông nghiệp cho nông dân; HTX tổ chức sản xuất kinh doanh như một hệ thống liên hoàn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, HTX có hệ thống chế biến các nông sản để đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị và cung cấp cho các hệ thống siêu thị để tiêu thụ cũng của các HTX. Những hoạt động chính của HTX nông nghiệp Nhật bản bao gồm [4],[5]:

  • Hoạt động chế biến nông sản: Chế biến được xem là thế mạnh của các HTX nông nghiệp Nhật Bản. Hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản của HTX nông nghiệp có 4 vai trò (i) hình thành giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và đưa giá trị đó vào khu vực nông thôn; (ii) tăng nhu cầu đối với nông phẩm thông qua việc tạo ra và phát triển thực phẩm mới; (iii) duy trì sự cân đối giữa cung cầu thông qua việc phân chia thị trường và tích trữ; và (iv) tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn. Nhờ sự phát triển của hoạt động chế biến mà nông sản của HTX làm ra không sợ dư thừa, được mùa rớt giá, mà ngược lại chế biến làm tăng thêm giá trị cho nông sản sản xuất từ hộ nông dân.
  • Hoạt động tiếp thị và tiêu thụ nông sản: Đây là hoạt động hết sức quan trọng đối với các HTX nông nghiệp Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm cho nông hộ, tăng thu nhập cho xã viên. Công việc nầy HTX là nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, phân phối trong hệ thống chung của HTX. Ngày nay HTX không dừng lại ở nhiệm vụ phân phối cho các chợ đầu mối, đại lý mà còn chế biến các hàng hóa cung cấp trực tiếp cho người tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị, nhà hàng địa phương.
  • Dịch vụ cung ứng hàng hoá: HTX nông nghiệp Nhật Bản đảm bảo cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống của xã viên với chất lượng cao và giá cả thích hợp. Bằng việc cạnh tranh với những người bán hàng tư nhân, HTX mang lại cho nông dân nhiều lợi ích hơn trên cả hai khía cạnh giảm chi phí và tăng chất lượng hàng mua được, đồng thời góp phần tăng tính hiệu quả của HTX. Hiện nay, tỷ lệ xã viên mua hàng thông qua dịch vụ HTX nông nghiệp Nhật Bản rất cao.
  • Hoạt động tín dụng: Hoạt động của HTX tín dụng nông nghiệp là hoạt động tương hỗ - tức là vừa nhận tiền gửi của xã viên vừa cho xã viên vay lại nhằm cải thiện đời sống của họ. Ngoài việc giao dịch như một ngân hàng độc lập phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX còn là nơi tiếp nhận vốn cho vay và nhận hỗ trợ lãi suất của nhà nước nhằm đảm bảo cung cấp nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp cho xã viên sản xuất nông nghiệp.
  • Hoạt động bảo hiểm cộng đồng và phúc lợi xã hội: Với nhu cầu của mức sống cao, HTX nông nghiệp ký trực tiếp hợp đồng bảo hiểm với xã viên. Bảo hiểm cộng đồng của HTX khác với các tổ chức bảo hiểm khác là bảo hiểm bao gồm cả hoạt động kinh doanh và hoạt động cứu trợ sinh mạng và tổn thất. Một phần số tiền bảo hiểm cộng đồng được giữ lại trong HTX để trở thành nguồn vốn bảo vệ môi trường sống, duy trì các kế hoạch trung và dài hạn có liên quan đến nông thôn như các loại hình phúc lợi, khôi phục môi trường nông thôn.
  • Một điểm nổi bật của HTX nông nghiệp Nhật Bản là chú trọng việc đào tạo nhân lực cho HTX. Các tổ chức Liên hiệp HTX tỉnh, quốc gia đều coi trọng nhiệm vụ này. Trong điều hành, quản lý HTX họ đều thuê người có trình độ chuyên môn, có năng lực để quản lý HTX. Vì vậy mới phát triển bền vững, không thất bại.

Bài học rõ nét nhất nhận thấy từ mô hình phát triển HTX nông nghiệp Nhật Bản đó là tổ chức một cách linh hoạt và hiệu quả của qui mô HTX, coi trọng chất lượng hơn số lượng HTX; HTX tổ chức theo hệ thống liên hoàn nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, đa dạng hoá và mở rộng ra nhiều loại hình hoạt động nông nghiệp, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ và phúc lợi xã hội của HTX, coi trọng vấn đề đào tạo nhân lực cho hợp tác xã. 

3 Thách thức mới của nông dân trong hội nhập và chuỗi giá trị nông sản

Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó đỉnh cao là gia nhập WTO, cộng đồng kinh tế các nước Asian (AEC) và mới đây Việt Nam đã tích cực tham gia ký kết CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Trong bối cảnh đó, Việt Nam có cơ hội trong phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức mới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nông dân phải đối đầu với sự cạnh tranh của nhiều đối thủ sản xuất kinh doanh mạnh, cụ thể nông dân phải cạnh tranh với hàng hoá nông sản nhập khẩu và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của nông dân các nước mạnh hơn với sự tổ chức rất tốt về hệ thống và quy mô cũng như sự hợp tác trong sản xuất kinh doanh ở đỉnh cao. Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam với hình thức kinh tế hợp tác như tổ hợp tác, HTX nông nghiệp qui mô nhỏ, tổ chức yếu kém, chưa đủ mạnh và đem lại hiệu quả. Trong xu hướng phát triển nông nghiệp thời kỳ hội nhập, người nông dân cần được liên kết lại, xây dựng và phát triển HTX kiểu mới theo mô hình tiên tiến và đủ mạnh để giúp họ quản lý tốt, tổ chức cung ứng đầu vào và đầu ra hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế ở hầu hết các địa phương ĐBSCL nói chung, và tỉnh Tiền Giang nói riêng, HTX nông nghiệp quy mô nhỏ, hạn chế về quản lý, chưa đáp ứng đầy đủ các mong mỏi của nông dân, đặc biệt trong xu thế mới của sản xuất kinh doanh nông nghiệp tính canh tranh ngày càng cao và khắc nghiệt [4].

Những hạn chế về cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng như những thách thức mới trong khi Việt Nam gia nhập CPTPP được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và nông nghiệp đặc biệt quan tâm đó là:

  • Sản xuất nông nghiệp Việt Nam ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ;
  • Do sản xuất quy mô nhỏ lẻ nên giá thành sản xuất cao, tổn thất sau thu hoạch cao;
  • Chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chưa phát triển phổ biến, nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất;
  • Việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm còn yếu, kiểm soát và bảo đảm chất lượng hạn chế;
  • Xuất khẩu tăng về số lượng, nhưng chất lượng, giá trị còn thấp;
  • Tài nguyên nông nghiệp và môi trường chưa được bảo vệ tốt;
  • Doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới chậm, đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp còn thấp.

Và khi gia nhập CPTPP, sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ đương đầu với các thách thức không thể tránh khỏi: Thách thức về sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thách thức về sản xuất chất lượng cao; thách thức về sản xuất số lượng lớn; thách thức về cạnh tranh; và thách thức về giá rẻ; …

Sơ đồ 3. Hạn chế của chuỗi giá trị nông nghiệp hiện tại.

Một cách tổng quát, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều hạn chế của chuỗi giá trị nông nghiệp hiện tại, bao gồm nhiều tầng nấc, manh mún, phân tán, sự tham gia của nhiều tác nhân quy mô nhỏ vào các khâu cung ứng đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến (Sơ đồ 3). Những hạn chế và các thách thức này chắc chắn rằng nông dân cá thể không thể giải quyết được, chỉ có doanh nghiệp, HTX, THT đủ mạnh mới có thể giải quyết được.

4 Vai trò của HTX NN trong cuộc chiến với thách thức mới và chuỗi giá trị nông sản

Từ những phân tích trên cũng như thực tế cho thấy, để nâng cao chuỗi giá trị hay sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thì chỉ có doanh nghiệp, HTX đủ mạnh mới làm được (HTX Nhật Bản, Mô hình sản xuất lúa gạo của tập đoàn Lộc Trời, Mô hình sản xuấ lúa ST của Công ty Hồ Quang Trí). Có ba vấn đề cốt lõi vừa là cứu cánh vừa là chiến lược lâu dài cho phát triển HTX và phát huy vai trò của HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm:

4.1 Giải quyết những thách thức mới trong sản xuất nông nghiệp - Sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (vai trò của HTX)

Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo và những vấn đề liên quan ở trên cho thấy rằng nếu người sản xuất (nông dân), HTX, THT được liên kết với nhà doanh nghiệp, công ty thì sẽ giảm đi các khâu trung gian và lợi nhuận cho người sản xuất được gia tăng. Hiện nay, HTX chưa đủ mạnh để sản xuất theo chuỗi giá trị, việc tăng cường sự liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sản phẩm, gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập chỉ là giải pháp cứu cánh có thể phát huy. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài là HTX sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, là con đường đi tới phát triển bền vững của HTX.

Để giải quyết các thách thức mới (thách thức về sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); thách thức về sản xuất chất lượng cao; thách thức về sản xuất số lượng lớn; thách thức về cạnh tranh; và thách thức về giá rẻ) mà sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt, chỉ có doanh nghiệp, HTX đủ mạnh mới có thể thực hiện được:

  • Giải pháp cho thách thức ATVSTP: Áp dụng VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSTP, nông nghiệp hữu cơ. Chỉ có doanh nghiệp, HTX đủ mạnh mới có thể áp dụng và thực hiện hiệu quả.
  • Giải pháp cho thách thức chất lượng cao: Sản xuất theo chuỗi giá trị - ứng dụng KHCN các khâu của chuỗi giá trị.
  • Giải pháp cho thách thức về số lượng lớn: Ngày nay sản xuất theo cánh đồng lớn, sản xuất theo HTX, THT thì mới đáp ứng về số lượng lớn của thị trường.
  • Giải pháp cho thách thức về cạnh tranh: Xây dựng thương hiệu! Đây cũng là vai trò của doanh nghiệp, HTX. Muốn cạnh tranh được hàng hóa phải xây dựng thương hiệu, đây cũng là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, HTX trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
  • Giải pháp cho thách thức về giá rẻ: Các giải pháp đó là giảm thất thoát sau thu hoạch; Cơ giới hóa, tự động hóa; Chế biến để tận dụng; Chế biến nâng cao giá trị là con đường mà doanh nghiệp, HTX có thể tham gia và hướng tới. Đây cũng là khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản.

4.2  Tăng cường chức năng HTX NN kiểu mới và theo kinh nghiệm của Nhật Bản

Ðiều 4 Luật Hợp tác xã năm 2012 xác định các sản phẩm, dịch vụ của HTX cung cấp cho thành viên (TV) là:

  • Mua chung sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để phục vụ cho TV;
  • Mua sản phẩm, dịch vụ từ thị trường để bán cho TV;
  • Bán chung sản phẩm, dịch vụ của TV ra thị trường;
  • Mua sản phẩm, dịch vụ của TV để bán ra thị trường;
  • Chế biến sản phẩm của TV;
  • Cung ứng phương tiện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ TV;
  • Tín dụng cho TV;
  • Các hoạt động khác theo quy định của Ðiều lệ HTX.

Rất cần thiết để củng cố các HTX nông nghiệp hiện tại và tăng cường các chức năng này thì HTX mới phát triển vững mạnh và phát huy chuỗi giá trị sản phẩm. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, HTX nông nghiệp kiểu mới Việt Nam hiện nay cần thiết tăng cường 4 chức năng hoạt động như sau:

  • Xây dựng kế hoạch trung hạn của HTX;
  • Tiêu thụ tập trung qua HTX;
  • Cung ứng tập trung qua HTX; và
  • Tín dụng nội bộ cho HTX.

Tăng cường các chức năng HTX theo kinh nghiệm của Nhật Bản là vấn đề khá mới đối với HTX quy mô nhỏ lẻ của ĐBSCL, do đó việc đào tạo cho HTX là rất cần thiết. Kinh nghiệm của Nhật Bản rất đề cao vấn đề đào tạo nhân lực cho HTX để tổ chức quản lý tốt, phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả và bền vững. Đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho HTX và nông dân. Người làm quản lý HTX hay tổ chức sản xuất kinh doanh phải được đào tạo bài bản và có năng lực chuyên môn [4],[5]. Đây cũng là yêu cầu để xây dựng lòng tin, trước hết của các thành viên với HTX, chỉ có xây dựng được lòng tin với HTX thì mới có thể phát triển bền vững. Cũng giống như sản phẩm hàng hóa cần phải có thương hiệu, uy tín mới đứng vững; HTX nông nghiệp cũng cần xây dựng lòng tin, uy tín và thương hiệu mới tồn tại và phát triển. Một khi các chức năng của HTX được tăng cường thì mới phát huy chuỗi giá trị nông sản của HTX.

4.3 Hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn huyện/tỉnh để mở rộng quy mô và tăng cường các nguồn lực -  Củng cố Liên hiệp HTX

Một vấn đề khác đang hiện hữu là các HTX nông nghiệp ở ĐBSCL đa số nhỏ và yếu. HTX hiện tại manh mún, phân tán, quy mô nhỏ, thậm chí là HTX gia đình. Ở ĐBSCL, bình quân có 69 thành viên/HTX, một số tỉnh HTX chỉ có 20-40 thành viên/HTX. Mỗi HTX có cách làm, tiêu chuẩn và quản lý khác nhau, thiếu sự liên kết và thậm chí cạnh tranh lẫn nhau và làm suy yếu nhau ngay trên cùng địa phương. Các HTX không tập trung được nguồn lực và sức mạnh trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức tiêu thụ và thị trường tiêu thụ. Ngành quản lý không nắm bắt được thông tin, nhu cầu sản xuất và tiêu thụ để có kế hoạch điều tiết trong sản xuất và tiêu thụ. Do vậy, xu hướng tương lai cần hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn cùng huyện hoặc tỉnh để tập trung sức mạnh các nguồn lực HTX mới phát triển vững mạnh. Thực tế các địa phương đã hình thành các Liên hiệp HTX nhưng còn hạn chế về đường hướng hoạt động. Giai đoạn trước mắt có thể củng cố lại các Liên hiệp HTX, các Liên hiệp HTX cũng cần đào tạo, đầu tư có định hướng và tập trung thì mới giúp HTX phát triển vững mạnh, sản xuất như một hệ thống liên hoàn, và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của HTX [4].

Hiện tại, HTX ở Việt Nam giống như bối cảnh HTX ở Nhật Bản hay HTX ở Hàn Quốc 60-70 năm về trước, hệ thống HTX nông nghiệp ở làng/xã rất nhỏ (không nhân viên, không văn phòng, không kinh doanh). HTX nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc phải hợp nhất lại để tập trung nguồn lực, đủ lớn và đủ mạnh mới sản xuất và kinh doanh hiệu quả, lớn mạnh như ngày nay.

5 Kết luận

Để phát huy vai trò của HTX trong chuỗi giá trị nông sản, HTX cần thay đổi tư duy về tổ chức hoạt động, tăng cường chức năng HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm - con đường HTX tiến tới để hội nhập, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, HTX cần tạo bước đột phá - hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn huyện/tỉnh để tập trung nguồn lực sức mạnh phát triển,củng cố Liên hiệp HTX là các bước đi cụ thể cho phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới ở ĐBSCL một cách hiệu quả trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]   Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2011). Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 19a, 96-108.

[2]   Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2013). Giải pháp nâng cấp chuỗi giá trị gạo đặc sản “ST5” tỉnh Sóc Trăng. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 27D: 25-33.

[3]   Vũ Bá Quan (2018). Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị giống lúa ST20 ở Sóc Trăng. http://www.sotuphapsoctrang.gov.vn/snnptnt/1282/30591/53961/264632/Mo-hinh-hieu-qua/LIEN-KET-SAN-XUAT-NANG-CAO-CHUOI-GIA-TRI-GIONG-LUA-ST20-O-SOC-TRANG.aspx.

[4]   Nguyễn Duy Cần và Hà Thanh Toàn (2018). Chuyển biến của phát triển Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại ĐBSCL – Đề xuất giải pháp phát triển theo kinh nghiệm HTX nông nghiệp tiên tiến của Thái Lan và Nhật Bản. Bài trình bày tại Hội thảo về Phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại tỉnh Tiền Giang, 22/3/2018.

[5]   Sato Chikara (2018). JICA Agricultural Cooperative Project in Vietnam (2008-2011, 2012-2015). Bài trình bày tại Hội thảo về Phát triển mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại tỉnh Tiền Giang, 22/3/2018.

[6]Shuzo Teruoka (2008). Agriculture in the Modernization of Japan (1850-2000). Manohar Publishers & Distributors. 375pp.

[7]   Izumi Iwamoto (2016). Agricultural Cooperative in Japan. Paper presented at Seminar on Agricultural Cooperative in Japan. Can Tho University, Can Tho City, 29/8/2016.

[8]   Park Seong-Jae (2013). Development experiences of agricultural cooperatives in Korea. Korea Rural Economic Institute, South Korea. https://www.kdevelopedia.org/Resources/view/--05201502050136553.do.

[9]   Choi Jae-Hak (2006). Agricultural cooperatives in Korea. FFTC-NACF International Seminar on Agricultural Cooperatives in Asia: Innovations and Opportunities in the 21st  Century, Seoul, Korea, 11-15 September 2006.

[10] Khổng tiến Dũng (2021). Phân tích chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng gắn kết doanh nghiệp và HTX tại tỉnh An Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 57(5D), 259-270.

[11] Đào Anh Xuân (2021). Sản xuất theo chuỗi giá trị: Hướng phát triển mới cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-huong-phat-trien-moi-cho-hop-tac-xa-dich-vu-nong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-phu-yen-81373.htm.

[12] Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (2021). Tổng kết 10 năm thi hành Luật hợp tác xã năm 2012. Tài liệu Hội nghị toàn quốc. Hà Nội 12/2021.

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 33

Hôm qua 58

Trong tuần 91

Trong tháng 2119

Tất cả 80951