PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Title: Development of scientific technology human resources in the Mekong Delta

            Hồ Thị Hà* và Nguyễn Thành Nhân

Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Cần Thơ

*Người chịu trách nhiệm về bài viết: Hồ Thị Hà (email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)

TÓM TẮT

Trong những năm qua, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay tại ĐBSCL, thì nguồn nhân lực KH&CN của Vùng chưa thực sự trở thành “nền tảng” và “động lực” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với giới hạn bài viết, nhóm tác giả đi sâu đánh giá thực trạng nguồn nhân lực KH&CN, phân tích điểm mạnh và hạn chế, từ đó tìm ra các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực KH&CN vùng ĐBSCL hiện nay.

ABSTRACT

Over the past years, the human resources of science and technology (S&T) of the Mekong Delta region have changed in both quantity and quality, making an important contribution to the socio-economic development of the region. However, to meet the requirements of the Industrial Revolution 4.0 for sustainable development and adaptation to climate change in the Mekong Delta, the region's S&T human resources still have not become the “foundation” and “driving force” for the socio-economic development. Within this article, the authors deeply assess the current situation of S&T human resources, analyze strengths and limitations, thereby finding solutions to develop S&T human resources in the Mekong Delta today.

Từ khóa: Khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế - xã hội

Keywords: Human resources of science and technology, –socio-economic development, science and technology, the Mekong Delta

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung và nguồn nhân lực KH&CN nói riêng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt đối với vùng ĐBSCL hiện nay. Tuy nhiên, cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực KH&CN của Vùng hiện nay còn nhiều bất cập; đầu tư xã hội cho hoạt động nghiên cứu KH&CN còn thấp, hiệu quả chưa cao; chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý của Vùng. Vì vậy, cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển KH&CN và nâng cao vai trò của nguồn nhân lực KH&CN, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển.

  1. NỘI DUNG
    • Khái niệm và vai trò của nguồn nhân lực KH&CN

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhân lực KH&CN bao gồm những người đáp ứng được một trong những điều kiện sau đây: Đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng, làm việc trong một ngành, lĩnh vực KH&CN; Đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng, nhưng không làm việc trong một ngành, lĩnh vực KH&CN nào; Chưa tốt nghiệp đại học và cao đẳng nhưng làm một công việc trong một lĩnh vực KH&CN đòi hỏi trình độ tương đương. Đây chính là khái niệm nguồn nhân lực KH&CN theo nghĩa rộng. Theo đó, có thể hiểu nguồn nhân lực KH&CN bao gồm cả những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng làm những công việc có trình độ tương đương (OECD, 1995).

Ở Việt Nam, theo quan niệm phổ biến thì nhân lực KH&CN ở nước ta gồm 5 thành phần chủ yếu sau đây:

(1) Viên chức làm công tác nghiên cứu khoa học (giữ các chức danh khoa học như trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp), làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (học viện, viện nghiên cứu, trường đại học…); (2) Viên chức giữ các chức danh công nghệ (kỹ thuật viên, kỹ sư, kỹ sư chính, kỹ sư cao cấp) làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp KH&CN. (3) Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về KH&CN ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có tham gia hoặc chỉ đạo công việc nghiên cứu phục vụ việc hoạch định các quyết sách, quyết định quan trọng về KH&CN trong thẩm quyền của mình. (4) Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài làm việc trong lĩnh vực KH&CN tại Việt Nam. (5) Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích khoa học kỹ thuật, có sáng kiến cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống (Trần Văn Ngợi, 2022).

Từ những quan điểm trên về nguồn nhân lực KH&CN, nhóm tác giả quan điểm: Nguồn lực khoa học công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 02 thành phần chủ yếu sau đây: Đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý tại Sở, Ban ngành (kể cả quản lý doanh nghiệp) và đội ngũ nguồn nhân lực KH&CN tại các đơn vị, tổ chức: Cán bộ nghiên cứu trong các viện, trường đại học; Cán bộ kỹ thuật, công nghệ làm việc trong các doanh nghiệp; Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội yêu thích KH&CN, có sáng kiến cải tiến, ứng dụng KH&CN vào đời sống.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nguồn nhân lực KH&CN trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Trong Nghị quyết số 27/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp, hiện đại hóa đất nước xác định: “đầu tư cho nguồn nhân lực KH&CN, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2008). Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Nguồn nhân lực KH&CN là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức KH&CN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2012). Vì vậy, ĐBSCL cần có chiến lược xây dựng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

  • Thực trạng phát triển nguồn nhân lực KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua
  • Thành tựu trong phát triển nguồn nhân lực KH&CN vùng ĐBSCL

Tính hết năm 2021, dân số của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là 17.422.620 người (chiếm 17,7% dân số cả nước) (TCTK, 2022). Năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của ĐBSCL là gần 9.4 triệu lao động giảm 0,94% so với năm 2020, chiếm 53,7% so với dân số của vùng ĐBSCL. Trong đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chiếm 14,6%. Riêng nguồn nhân lực KH&CN có trình độ đại học chiếm 5,2% năm 2019, tăng 2,9% so với năm 2009. Nguồn nhân lực KH&CN của vùng ĐBSCL gia tăng trong thời gian qua là do hệ thống giáo dục đại học tại đây đã đẩy mạnh vai trò đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2018 - 2019, hệ thống giáo dục đại học vùng ĐBSCL đã xây dựng 17 trường đại học (11 trường công lập, 6 trường dân lập, tư thục) và một số phân hệ đại học tại thành phố Cần Thơ, Bến tre và Cà Mau. Tổng số sinh viên đại học đang đào tạo là 127.379 và số sinh viên tốt nghiệp là 22.108 người (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019). Hàng năm, các trường đại học tại vùng ĐBSCL đã cung ứng cho thị trường lao động khoảng 25.863 sinh viên đại học và 1.780 thạc sỹ, tiến sỹ KH&CN với các chuyên ngành: kinh tế, nông nghiệp, công nghệ, khoa học, môi trường.... Trong đó, nổi bật nhất là vai trò của Trường Đại học Cần Thơ đã cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao với 9.307 sinh viên đại học và 918 thạc sĩ, tiến sĩ; Đại học Trà Vinh là 3.694 sinh viên đại học và 494 thạc sĩ, tiến sĩ; Đại học Đồng Tháp là 3.495 sinh viên đại học và 134 thạc sĩ, tiến sĩ (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019).

Với nguồn nhân lực KH&CN này, sau khi tốt nghiệp, họ đã chủ động tham gia vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vào các tổ chức KH&CN, không chỉ phát huy trình độ chuyên môn được đào tạo, mà còn đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chuyên môn của mình tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Với sự đóng góp đắc lực của nguồn nhân lực KH&CN, đã góp phần đưa ĐBSCL trở thành “vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu” (Bộ Chính trị, 2022).

  • Hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực KH&CN vùng ĐBSCL

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay đã tạo ra "cú sốc” cho ĐBSCL, những công nghệ mới như internet vạn vật, dữ liệu lớn, tối ưu hóa công nghiệp chế tạo - chế biến nhờ trí thông minh nhân tạo, hiệu chỉnh gen không chỉ đối với thực vật mà cả con người... đã làm thay đổi cách người dân ĐBSCL sống, làm việc, sản xuất và tương tác với nhau. Đồng thời, biến đổi khí hậu đã đặt ĐBSCL trước những thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử. Thực tiễn này đòi hỏi vùng ĐBSCL phải biết tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn nhân lực KH&CN của vùng ĐBSCL đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặc dù tỷ lệ dân số được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở ĐBSCL có thay đổi nhưng chậm hơn so với các vùng, miền khác, nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL hiện nay. Cụ thể, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên không qua đào tạo chiếm 90,3%. Tỷ lệ lao động giản đơn trong cả nước là 33,2% thì ở ĐBSCL là 35,9%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ từ trung cấp trở lên trong cả nước là 19,2% thì ở ĐBSCL là 9,7%, thấp nhất cả nước. Không chỉ thiếu và yếu nguồn nhân lực KH&CN, mà ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”, vì nguồn nhân lực KH&CN đang di dân lên các tỉnh miền Đông Nam Bộ tìm kiếm việc làm với thu nhập cao hơn đang diễn ra rất báo động.

      (Nguồn: Tổng cục Thống kê, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, 2019)

Mặt khác, thế mạnh nghiên cứu khoa học còn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, còn các lĩnh vực khác đang rất yếu. Đồng thời, trong tổng số nguồn nhân lực KH&CN vùng ĐBSCL, thì đội ngũ “tinh hoa”, đi đầu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng không nhiều, chủ yếu tập trung ở các trường đại học lớn như Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh, Đại học Y Dược Cần Thơ...; còn tại các sở, ban, ngành ở địa phương vẫn chưa được phát huy. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN ở các địa phương còn nhiều bất cập; đầu tư của các tỉnh và thành phố cho KH&CN còn thấp và hiệu quả chưa cao; chưa gắn kết chặt chẽ giữa kết quả nghiên cứu với chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL hiện nay.

  1. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC KH&CN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG HIỆN NAY

Thứ nhất, các tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long phải nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực KH&CN

Để nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, trước hết người đứng đầu hệ thống chính trị, các tỉnh và thành phố cần phải nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Bởi khi người đứng đầu hệ thống chính trị các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL hiểu được vị trí, vai trò của nguồn nhân lực KH&CN, họ sẽ chỉ đạo, đề ra và giám sát các quyết định, chính sách đến tận cấp cơ sở để phát triển nguồn nhân lực này một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, thông qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng, họ chỉ đạo cho các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương trong phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Chỉ khi cả hệ thống chính trị đến quần chúng nhân dân hiểu được vị trí, vai trò của nguồn nhân lực KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, sẽ tạo ra sự đồng thuận thúc đẩy nguồn nhân lực KH&CN phát triển.

Về phía đội ngũ KH&CN, phải tự nâng cao nhận thức về trọng trách của mình trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL. Đòi hỏi họ phải tự giác, tích cực, nhiệt tình trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đây là cách tốt nhất để nguồn nhân lực KH&CN tự khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL

 Thứ hai, các tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long phải có chính sách phát triển nguồn nhân lực KH&CN

Các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KH&CN trẻ tài năng; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.

Muốn động viên nguồn nhân lực KH&CN phát huy hết năng lực của mình, trước hết người đứng đầu hệ thống chính trị các tỉnh và thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phải có chính sách về lương, thưởng xứng đáng cho nguồn nhân lực KH&CN. Đồng thời, phải xây dựng chính sách về thưởng, phạt một cách rõ ràng và minh bạch, nhằm tạo ra tâm lý tin tưởng, yên tâm, cảm giác an toàn cho người lao động. Qua đó, họ sẽ làm việc bằng sự hăng say và tất cả sức sáng tạo của mình, tránh trường hợp chế độ lương, thưởng không phù hợp và không rõ ràng gây khó khăn đến đời sống nguồn nhân lực KH&CN hoặc gây bất đồng, nghi ngờ trong nội bộ các nhà khoa học với nhau.

Các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần đổi mới cơ chế tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN để bảo đảm các nguồn nhân lực KH&CN được trọng dụng, đãi ngộ năng lực, cống hiến thực tế; khuyến khích họ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc giao, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cho các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, cần tiến hành áp dụng phương thức tuyển chọn công khai đối với các tổ chức, cá nhân trong vùng để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của các tỉnh và thành phố. Tạo sự công bằng, khách quan trong việc phân giao và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học.

Các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần xây dựng môi trường làm việc khoa học để nguồn nhân lực KH&CN phát huy tài năng, đó không chỉ để thu hút mà còn là cơ sở để giữ chân nhân tài. Nếu người làm khoa học mà không có đủ điều kiện về trang thiết bị, vật tư, tài chính, không có những cộng sự tốt, không có một môi trường thật sự dân chủ, tự chủ trong nghiên cứu thì dù chế độ ưu đãi về nhà ở, tiền lương có tốt cũng khó thu hút nhân tài. Do đó, các tỉnh và thành phố cần thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, tạo điều kiện hợp lý để nguồn nhân lực thoải mái lao động, sáng tạo, nghiên cứu.

Đồng thời, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần tăng cường mức chi hằng năm từ ngân sách địa phương và Trung ương cho ngành giáo dục và đào tạo, KH&CN, công tác phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Duy trì và phát triển các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của các tỉnh và thành phố, liên kết chặt chẽ, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trên địa bàn hoạt động và phát triển. Bởi các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực KH&CN, mà còn là nơi đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, điển hình như Trường Đại học Cần Thơ.

Thứ ba, các tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực KH&CN

            Để thu hút nguồn nhân lực KH&CN cho vùng ĐBSCL, các tỉnh và thành phố cần tập trung đầu tư phát triển và nâng cao năng lực nghiên cứu cho các tổ chức KH&CN như: Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; Trung tâm Nghiên cứu giống thủy sản… Bởi các đơn vị trên sẽ là nòng cốt cho việc phối hợp triển khai các hoạt động KH&CN giữa các tổ chức, cá nhân trong vùng ĐBSCL với các Viện, Trường, các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN. Qua đó, không chỉ tăng hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại địa phương, mà còn góp phần thu hút nguồn nhân lực KH&CN cho Vùng.

Ngoài việc thu hút nguồn nhân lực KH&CN làm việc dài hạn, các tỉnh/thành vùng ĐBSCL cần có những chính sách khuyến khích các hình thức hợp đồng tư vấn, làm việc ngắn hạn với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Xây dựng chính sách thu hút những nhà khoa học, chuyên gia tầm cỡ quốc tế gốc Việt có năng lực, trình độ, hiểu biết khoa học, công nghệ tiên tiến và sẵn lòng đóng góp cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Trên thực tế mục tiêu thu hút những đối tượng này về làm việc lâu dài là rất khó thực hiện nhưng vẫn có thể thu hút sự đóng góp của đối tượng này trong ngắn hạn và đối với từng chương trình nghiên cứu cụ thể. Những nguồn nhân lực KH&CN các vùng/miền khác có nhu cầu về nước sinh sống và làm việc lâu dài tại đây, chính quyền các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cũng nên quy hoạch, bố trí xây dựng khu vực dành riêng cho đối tượng này cư trú lâu dài với những tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng vật chất và hạ tầng xã hội cao.

Thứ tư, có chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển KH&CN trong các ngành, lĩnh vực nhằm thu hút nguồn nhân lực KH&CN cho đồng bằng sông Cửu Long

            Muốn thu hút nguồn nhân lực KH&CN và phát huy vai trò của đội ngũ nhân lực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần phải xây dựng các kế hoạch ưu tiên đầu tư KH&CN trong các ngành/lĩnh vực của địa phương mình một cách rõ ràng, nhằm định hướng hoạt động KH&CN cho tổ chức và cá nhân làm nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần thu hút nguồn nhân lực KH&CN đến với vùng ĐBSCL.

Về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: các tỉnh/thành cần tập trung vào các định hướng sau: Nghiên cứu đẩy mạnh cải cách hành chính: Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, hành chính, định hướng chiến lược hình thành, phát triển chính quyền nông thôn hiệu quả. Nghiên cứu đặc điểm hình thành và phát triển văn hóa, dân tộc, tôn giáo trên địa bàn các tỉnh và thành phố. Nghiên cứu cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn và đề xuất định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh/thành vùng ĐBSCL theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng…

            Về lĩnh vực khoa học tự nhiên: Tập trung nghiên cứu xây dựng luận chứng khoa học về quy luật, điều kiện tự nhiên để góp phần giải quyết những vấn đề trọng yếu trước mắt và lâu dài như: an ninh lương thực, sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên; đặc biệt là công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

            Các hướng phát triển công nghệ ưu tiên:

            Công nghệ thông tin và truyền thông: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện và làm chủ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ phần mềm và nội dung số, công nghệ an toàn, an ninh mạng và bí mật thông tin; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, quản lý nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ…

             Công nghệ sinh học: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, enzym-protein, công nghệ sinh học, nano sinh học và công nghệ gen. Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học vào một số lĩnh vực chủ yếu: Nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng công nghiệp sinh học trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật công nghệ cao, đóng góp ngày càng gia tăng cho nền kinh tế. Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón chức năng, thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh; nhiên liệu sinh học. Tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, giống sạch bệnh, có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện sinh kế vùng ĐBSCL; Nghiên cứu xác định và phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trong sản xuất nông thủy sản. Bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý nguồn gen quí hiếm; bảo vệ đa dạng sinh học; xử lý ô nhiễm môi trường.

            Công nghệ môi trường: Phát triển công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện vùng ĐBSCL. Ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại các địa phương. Phát triển công nghệ tái chế chất thải từ các quá trình sản xuất kinh doanh trên địa bàn vùng ĐBSCL.

            Công nghệ vật liệu mới và công nghệ chế tạo máy - tự động hóa: Tập trung nghiên cứu tiếp nhận, ứng dụng và phát triển các công nghệ vật liệu mới, hiện đại cụ thể như:  Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sản xuất vật liệu compozit, vật liệu nano sử dụng trong nông nghiệp và bảo vệ môi trường; sản xuất vật liệu tiên tiến từ nguồn nguyên liệu sinh học, phụ phẩm nông nghiệp, v.v. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa đo lường và xử lý thông tin…

  1. KẾT LUẬN

Phát triển nguồn nhân lực KH&CN được Đảng, Nhà nước ta xem là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với vùng ĐBSCL hiện nay, để thích ứng với biến đổi khi hậu, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội, không có con đường nào khác là Vùng phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ KH&CN. Các tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ những giải pháp, chính sách để phát triển, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN. Đây là cách duy nhất giúp các tỉnh và thành phố khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực KH&CN hiện nay, tạo “nền tảng” và “động lực” thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Chính trị. (2022). Nghị quyết số 13 – NQ/TW ngày 02 – 04 – 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2019). Niên giám thống kê, năm học 2018 - 2019

Đảng Cộng sản Việt Nam. (2008). Nghị quyết số 27/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa X: Về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hiện, đại hóa đất nước

Đảng Cộng sản Việt Nam. (2012) Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngợi.V.T. (2022). Thực trạng nhân lực khoa học công nghệ trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay. https://tcnn.vn/news/detail/36061/Thuc_trang_nhan_luc_khoa_hoc_cong_nghe_trong_cac_co_quan_nha_nuoc_o_Viet_Nam_hien_nayall.html

Tổng cục Thống kê. (2020). Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội

Tổng cục Thống kê. (2021). Niên giám thống kê năm 2021, Nxb. Thống kê, Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 30

Hôm qua 58

Trong tuần 88

Trong tháng 2116

Tất cả 80948