Page 34 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 34
lãnh thổ rộng lớn (Khoa, 2003), Bản đồ phân bố các nhóm đất chính được thể
hiện qua chi tiết qua Hình 2.1.
2.1.1.2 Đất phù sa
Đất phù sa ở ĐBSCL có diện tích 1,16 triệu ha phân bố đều khắp các
tỉnh, thành ĐBSCL. Đất được hình thành từ trầm tích trẻ Aluvi, có nguồn gốc
từ sông, đầm lầy và không chứa tầng phèn cũng như tầng sinh phèn trong
phẫu diện. Hầu hết đất phù sa hiện nay ở ĐBSCL canh tác lúa 2 đến 3 vụ, lúa
màu hoặc chuyên màu. Dựa vào mức độ phát triển, hình thái phẫu diện đất và
vị trí của đất, đất phù sa được chia làm các nhóm: (i) đất phù sa ven sông và
(ii) đất phù sa xa sông.
Theo Khoa (2003), nhóm đất phù sa ven sông chiếm diện tích nhỏ
(khoảng 1 triệu ha/toàn quốc và gần 4% (150.955 ha) so với diện tích các
nhóm đất khác ở ĐBSCL) phân bố dọc theo hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu
và các con sông chảy từ huyện Tân Châu, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang
đến gần vùng cửa sông đổ ra biển của các huyện, tỉnh nằm về phía Đông đồng
bằng. Nhóm này bao gồm chủ yếu là các loại đất phù sa đang được bồi hoặc
không được bồi. Theo hệ thống phân loại của Bộ Nông nghiệp Mỹ
(USDA/soil taxonomy), nhóm này là tập hợp của những đơn vị đất như: Typic
Fluvaquents, Aeric Fluvaquents, Typic Ustifluvents. Đất được phát triển hoàn
toàn trên trầm tích sông, nước ngọt được bồi tích phù sa hằng năm, tập trung
ở địa hình từ trung bình đến cao, có độ cao tuyệt đối từ 1-1,2 m.
Nhóm đất phù sa xa sông thường phân bố thành dãy dài có dạng khép
kín nằm phía trong cùng của nhóm đất phù sa ven sông được bồi hàng năm.
Nhóm này chiếm diện tích tương đối lớn, khoảng 2 triệu ha/toàn quốc và gần
24% (894.509 ha) so với các nhóm đất khác ở đồng bằng. Nhóm đất này có
thể tìm thấy rải rác ở các ĐBSCL. Nhóm đất bao gồm các biểu loại đất có
tầng mặt đọng mùn, đang phát triển và một số đơn vị đất khác còn ảnh hưởng
của sự bồi tụ phù sa theo triều sông hàng tháng và lũ hàng năm (Khoa, 2003).
23