Page 127 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 127

Phát triển nông nghiệp cần môi trường và hệ thống hạ tầng hỗ trợ kinh
          doanh thuận lợi: Môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế - xã hội và hệ thống
          hạ tầng kinh tế - kỹ thuật (Hình 7.1). Ba yếu tố này có quan hệ hỗ tương với
          nhau. Phát triển nông nghiệp và phát triển môi trường và hệ thống hạ tầng hỗ
          trợ là mối quan hệ hỗ tương.

               Phát triển nông nghiệp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, dịch
          vụ, văn hóa, sinh thái môi trường, nhà đầu tư, việc làm,… giúp phát triển kinh
          tế - xã hội - sinh cảnh nông thôn – tạo ra nơi “đáng sống” và “đáng đến để
          làm giàu”. Phát triển nông nghiệp giúp tăng thu nhập cho người dân nông
          thôn, kích thích thương mại – dịch vụ phát triển. Thu nhập tăng thêm từ kinh
          tế và dịch vụ nông nghiệp là nguồn lực để tái đầu tư hệ thống hạ tầng và dịch
          vụ công cho nông thôn. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng nông thôn
          mới thực chất.
               Nông thôn và thành thị, khu công nghiệp có tương tác về thị trường.
          Nông thôn là thị trường đầu vào cho kinh tế nông nghiệp, bao gồm: khoa học
          - công nghệ, dịch vụ, lao động chất lượng cao, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ
          thuật phục vụ chuỗi cung ứng nông sản,… từ thành thị hoặc khu công nghiệp.
          Ngược lại, thành thị và khu công nghiệp là thị trường quan trọng tiêu thụ sản
          phẩm nông nghiệp từ nông thôn. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật giữa
          nông thôn và thành thị, khu công nghiệp có vai trò quan trọng để phát huy hỗ
          tương đó (Gea et al., 2020). Thực tế đã thể hiện rõ mối quan hệ hỗ tương giữa
          các tỉnh trong vùng với thành phố Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL với thành phố
          Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

               Làm rõ nội hàm của khái niệm nông nghiệp cho thấy vai trò đa chức
          năng và đa giá trị của kinh tế nông nghiệp. Sự phát triển nông nghiệp không
          chỉ khâu sản xuất của nông dân mà còn cả chuỗi cung ứng nông sản và môi
          trường thuận lợi để quản trị và tổ chức vận hành hệ thống nông nghiệp. Phát
          triển nông nghiệp không chỉ liên quan ngành nông nghiệp - phát triển nông
          thôn mà còn phối hợp hiệu quả nhiều ngành liên quan (khoa học - công nghệ,
          công thương, giao thông - vận tải, tài nguyên thiên nhiên - môi trường, lao
          động - thương binh và xã hội, giáo dục - đào tạo).

               7.3  TIẾN  TRÌNH  CHUYỂN  ĐỔI  SẢN  XUẤT  NÔNG  NGHIỆP
          GIAI ĐOẠN 2000 – 2020
               7.3.1  Những mốc quan trọng của chính sách phát triển nông nghiệp

               Nhiều thay đổi lớn về chính sách nông nghiệp – nông thôn của Chính
          phủ đối với vùng ĐBSCL giai đoạn 1999 – 2022. Đây được xem như tiến
          trình tiến hóa trong quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp phát triển nông
          nghiệp – nông thôn Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng (Bảng 7.1).


          116
   122   123   124   125   126   127   128   129   130   131   132