Tọa đàm SDMD lần thứ 9 năm 2024 “Công nghệ thực phẩm - sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long”

Sáng ngày 22/3/2024, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Tọa đàm SDMD trực tuyến thường kỳ lần thứ 9 năm 2024 với chủ đề: “Công nghệ thực phẩm - sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Chương trình diễn ra trực tiếp tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT, trực tuyến trên nền tảng Zoom và các nền tảng mạng xã hội của Trường ĐHCT.

Tải về tài liệu tọa đàm: Link

 Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, có Ông Enrico Padula, Tổng Lãnh sự Ý tại Thành phố Hồ Chí Minh; GS. Tanaka Yuji, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Giai đoạn 2 Nhật Bản; Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương; PGS. TS. Lê Thị Hồng Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà quản lý, nhà khoa học từ các các tổ chức quốc tế, cơ quan, sở ngành các tỉnh, thành; các viện, trường, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng các đại biểu tham dự trực tuyến trên các nền tảng.

Về phía Trường ĐHCT có GS. TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường; GS. TS. Hà Thanh Toàn, Nguyên Hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo SDMD 2045; GS. TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cùng cán bộ, giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường.

Các đại biểu, lãnh đạo đại diện các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tham dự trực tuyến

Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045 (the Forum of Sustainable Development of the Mekong Delta - SDMD 2045) là diễn đàn được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì từ năm 2022, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành; đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS. TS. Hà Thanh Toàn chia sẻ: “Hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong vùng ĐBSCL đang đứng trước thách thức và cơ hội rất lớn để chuyển đổi mở rộng quy mô cơ cấu, gia nhập thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế; xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, giữa nông dân với các cơ sở chế biến và cơ sở kinh doanh để kết nối được lợi ích với nhau cùng phát triển”.

GS. TS. Hà Thanh Toàn phát biểu tại buổi Tọa đàm

ĐBSCL là một trong những vùng nông nghiệp phát triển hàng đầu của Việt Nam, có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp của cả nước và được xem là trung tâm của nguồn cung ứng nông sản đa dạng và phong phú. Do đó, ngành công nghệ thực phẩm đóng vai trò then chốt trong việc trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

PGS.TS. Lý Nguyễn Bình, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường ĐHCT tham luận về vấn đề "Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ và chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông - thủy sản ĐBSCL". Báo cáo đã nhìn nhận và thảo luận về những giải pháp và hướng đi để xây dựng một lực lượng lao động có trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành nông - thủy sản trong vùng.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng sẽ trình bày về "Các rào cản trong tiếp cận thị trường cho sản phẩm từ nông sản ĐBSCL và giải pháp phát triển bền vững". Thông qua bài báo cáo, Ban chỉ đạo SDMD 2045 đã có những phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp thích hợp, đóng góp vào việc mở rộng thị trường và xây dựng một cơ sở nông nghiệp bền vững trong vùng.

TS. Regine Stockmann, tổ chức CSIRO Úc đã trình bày về "dinh dưỡng và thực phẩm: từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đến ươm tạo doanh nghiệp và thương mại hóa". Theo đó, báo cáo đã chỉ ra cơ hội và thách thức trong việc tạo ra những sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chất lượng cao, đồng thời khai phá tiềm năng thị trường và thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghệ thực phẩm trong tương lai

Ông Toshinao Tanaka, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam tham luận về vai trò của hợp tác giữa các bên: Doanh nghiệp, Viện Trường và Chính quyền địa phương trong quá trình chế biến nông - thủy sản. Báo cáo chỉ ra sự hợp tác giữa các bên là một yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững trong quá trình nuôi trồng và chế biến nông - thủy sản.

Trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thực phẩm đã trở thành một yếu tố không thể thiếu để tối ưu hóa quá trình sản xuất và chế biến nông sản. Các phương pháp công nghệ tiên tiến đã được áp dụng để tăng cường năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Bằng cách này, ngành công nghiệp thực phẩm không chỉ góp phần tăng cường nền kinh tế địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Enrico Padula chia sẻ về “Bảo tồn và phát huy các đặc sản và văn hóa ẩm thực cho phát triển bền vững: Kinh nghiệm từ Ý”. Báo cáo đã chỉ ra việc bảo tồn và phát huy các đặc sản và văn hóa ẩm thực đang trở thành một ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tọa đàm diễn ra với năm tham luận với nội dung xoay quanh: đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ và chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông – thủy sản ĐBSCL; các rào cản trong tiếp cận thị trường cho sản phẩm từ nông sản ĐBSCL; dinh dưỡng và thực phẩm: từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đến ươm tạo doanh nghiệp và thương mại hóa; chế biến nông - thủy sản: vai trò của hợp tác các bên doanh nghiệp – viện trường – chính quyền địa phương và Bảo tồn và phát huy các đặc sản và văn hóa ẩm thực cho phát triển bền vững: Kinh nghiệm từ Ý.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt đã trình bày về “Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến nông sản và vấn đề sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng”

TS. Phan Thị Kim Liên, Trường Đại học Công thương Việt Nam trình bài về “Độc tố nấm mốc trong thực phẩm và chiến lược giảm thiểu nấm mốc”

Ông Nguyễn Đình Truyên, Trung tâm Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường vùng 6, Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có báo cáo về “Nguyên liệu nông sản, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc”

Chị Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Cục quản lý chất lượng, Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon OCOP) đã trình bày về “Đẩy mạnh hoạt động đưa hàng nông sản ĐBSCL vào kênh bán lẻ hiện đại”

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Cần Thơ đã giới thiệu về “định hướng và giải pháp phát triển Trung tâm Liên kết Sản xuất cung ứng, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL Thành phố Cần Thơ”

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã có những trao đổi về nguồn nhân lực của ngành thủy sản Việt Nam và các cơ hội, thách thức của xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tương lai

Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Văn phòng Thương mại Ý tại Việt Nam đã có những ý kiến trình bày về chia sẻ kinh nghiệm và định hướng về sản phẩm truyền thống và sản phẩm OCOP, ông lưu ý thêm về các điều kiện để xuất khẩu sản phẩm

Kết luận Tọa đàm, GS. TS. Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh, trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa vùng ĐBSCL, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất cần được giải quyết trong vấn đề sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL; việc cần làm là liên kết, hợp tác, chia sẻ giữa các cơ quan - doanh nghiệp - viện trường. Trường ĐHCT sẽ sử dụng các kết quả quan trọng từ Tọa đàm để tiếp tục đề xuất đến các cơ quan nhà nước, cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực của các trường đại học và kỹ thuật công nghệ từ các doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

GS. TS. Nguyễn Thanh Phương phát biểu tại buổi Tọa đàm

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, nhằm đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực về Công nghệ thực phẩm, Trường ĐHCT đã tiến hành ký kết hợp tác với Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐHCT và Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐHCT và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Qua 58 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHCT ngày càng toàn diện hơn trong tất cả lĩnh vực. Trong bối cảnh mới, nguồn nhân lực và tri thức mới, Nhà trường cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác với nhiều đơn vị trong nước và quốc tế; nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; đưa vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, đúng với vị thế và tiềm năng của vùng đất Chín Rồng.

Ảnh lưu niệm

 

(Ban Biên tập Website) 

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

MẠNG XÃ HỘI


Facebook
Youtube
Instagram

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 131

Hôm qua 157

Trong tuần 1714

Trong tháng 7874

Tất cả 36668