[Tọa đàm 12/2023]: “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long: Vai trò và giải pháp đáp ứng của Công nghệ - Kỹ thuật và Công nghệ thông tin - Chuyển đổi số”

Sáng ngày 15/12/2023, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Tọa đàm SDMD trực tuyến thường kỳ lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề: “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long: Vai trò và giải pháp đáp ứng của Công nghệ - Kỹ thuật và Công nghệ thông tin - Chuyển đổi số”. Tọa đàm diễn ra trực tiếp tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT, trực tuyến trên nền tảng Zoom và được phát trực tiếp trên Fanpage SDMD 2045 (fb.com/sdmd2045), Trường ĐHCT (fb.com/CTUDHCT).

Tham dự Tọa đàm, có PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội; Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group; GS. Tanaka Yuji, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ kỹ thuật; PGS.TS. Nguyễn Nguyên Minh, Tổ chức CSIRO, Úc; GS.TS. Hsieh-Lung Hsu, Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc lập Trung ương Đài loan; PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học từ các các tổ chức quốc tế, cơ quan, sở ngành các tỉnh, thành; các viện, trường, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Về phía Trường ĐHCT có GS.TS. Hà Thanh Toàn, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCT, Trưởng Ban chỉ đạo SDMD 2045; đại diện Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường.

 Toàn cảnh Tọa đàm lần thứ 8 năm 2023 tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT

 Các đại biểu tham dự bằng hình thức trực tuyến

Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn 2045 (the Forum of Sustainable Development of the Mekong Delta - SDMD 2045) là diễn đàn được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì từ năm 2022, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, giải pháp cho chính phủ, các cơ quan ban ngành; đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững ĐBSCL. Trong khuôn khổ của Diễn đàn SDMD 2045, Tọa đàm trực tuyến hằng quý được tổ chức với các chủ đề khác nhau. Tọa đàm lần thứ 8 với chủ đề: “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long: Vai trò và giải pháp đáp ứng của Công nghệ - Kỹ thuật và Công nghệ thông tin - Chuyển đổi số”.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCT, Trưởng Ban chỉ đạo SDMD 2045 phát biểu khai mạc

ĐBSCL được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, có vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp của cả nước. Quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, chiến lược của Đảng, vùng đã nỗ lực tiến hành Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong suốt nhiều năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của vùng theo chiều hướng tích cực. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, vai trò của Công nghệ - Kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số không ngừng được nâng cao, là mục tiêu được quan tâm hàng đầu nhằm đề xuất các giải pháp hiệu quả, đáp ứng cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa vùng ĐBSCL trong thời đại mới. Tọa đàm SDMD lần thứ 8 tiếp tục là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước từ Trung ương đến địa phương cùng chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và có giá trị cao cùng với kinh nghiệm quý báu, từ đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Tọa đàm diễn ra với ba tham luận đề dẫn với nội dung xoay quanh: Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ kỹ thuật và Công nghệ thông tin đáp ứng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ĐBSCL, Phát triển và sử dụng năng lượng xanh: Nền tảng cho Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, Phát triển các công nghệ dẫn dắt cho Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Xu thế và hợp tác các bên. Ngoài ra, các đại biểu tham dự đã sôi nổi thảo luận về các nội dung xoay quanh: Thực trạng, cơ hội và giải pháp phát triển ngành công nghiệp Chip chất bán dẫn ở Việt Nam; Áp dụng chuyển đổi số xây dựng nhà máy thông minh; Canh tác lúa không phát thải carbon; Tiềm năng và giải pháp Logistics Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hành trình phát triển bền vững.

TS. Trần Thanh Hùng, Trường Bách Khoa, Trường ĐHCT báo cáo với tiêu đề “Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ kỹ thuật và Công nghệ thông tin đáp ứng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ĐBSCL”. Báo cáo đã chỉ ra thực trạng phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa vùng ĐBSCL. Chủ trương và Chiến lược phát triển ĐBSCL của Đảng và Nhà nước đã đặt ra yêu cầu đối với năng lực đào tạo của các trường đại học vùng ĐBSCL. Báo cáo cũng đề xuất giải pháp tập trung phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL, đảm bảo phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Ông Nguyễn Đức Ngọc, Phó Giám đốc Ban Đầu tư, Tập đoàn Trung Nam trình bày tham luận với chủ đề: Phát triển và sử dụng năng lượng xanh: Nền tảng cho Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Theo đó, báo cáo chia sẻ về tác động của hiệu ứng nhà kính và Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và cam kết của Việt Nam. Các nội dung về phát triển năng lượng tái tạo trong các quy hoạch ngành tại Việt Nam, phát triển năng lượng Hydro tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất phát triển năng lượng xanh ở ĐBSCL.

“Phát triển các công nghệ dẫn dắt cho Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa: Xu thế và hợp tác các bên” được trình bày bởi GS. Hsieh-Lung Hsu, Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan. Báo cáo chỉ ra điểm mạnh, lợi thế và khó khăn, thách thức của ĐBSCL trong bối cảnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, điểm qua những công nghệ dẫn dắt tiềm năng như: công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng xanh, công nghệ y sinh, nông nghiệp thông minh, kinh tế tuần hoàn, an ninh mạng…, bên cạnh đó không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng để đạt được mục tiêu hiện đại hóa.

Qua các báo cáo tham luận của các diễn giả, GS. Tanaka Yuji, Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật kiến nghị hướng tới phát triển bền vững thì cần cẩn trọng trong sử dụng các nguồn năng lượng, đảm bảo giữ gìn các nguồn tài nguyên, phát triển con người và bảo vệ môi trường.

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày về thực trạng, cơ hội và giải pháp phát triển ngành công nghiệp Chip chất bán dẫn ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam chia sẻ các yếu tố kích hoạt tiềm lực cho sự phát triển bền vững ĐBSCL gói gọn trong 4 chữ C: Cơ chế, chính sách - Cơ hội - Con người - Cộng đồng.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ chia sẻ bức tranh toàn cảnh về chiến lược phát triển tổng thể thành phố Cần Thơ.

Ông Bùi Văn Chương, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ quá trình áp dụng chuyển đổi số xây dựng nhà máy thông minh.

GS. Yu-Min Wang, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Bình Đông, Đài Loan trình bày nghiên cứu về sản xuất lúa không phát thải carbon

Ông Võ Hoàng Khôi, Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong, Tiềm năng và Giải pháp Logistics Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Ô. Huỳnh Phạm Quốc Đạt, Siemens Việt Nam chia sẻ về nội dung “giảm phát thải” trong hành trình phát triển bền vững tại Seimens Việt Nam.

Kết luận Tọa đàm, GS.TS. Hà Thanh Toàn cảm ơn các đại biểu đã trình bày các tham luận và thảo luận tích cực, qua đó cho thấy thực trạng của ĐBSCL, nhu cầu đối với khoa học công nghệ; những chia sẻ của doanh nghiệp về khả năng hỗ trợ sự phát triển ĐBSCL và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế. GS.TS. Hà Thanh Toàn nhấn mạnh, trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hóa vùng ĐBSCL, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất; việc cần làm là liên kết, hợp tác, chia sẻ giữa các cơ quan - doanh nghiệp - viện trường. Trường ĐHCT cam kết sử dụng các kết quả quan trọng từ Tọa đàm để tiếp tục đề xuất đến các cơ quan nhà nước, cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực của các trường đại học và kỹ thuật công nghệ từ các doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Nhân Tọa đàm lần này, nhằm đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực về Công nghệ - Kỹ thuật, Công nghệ thông tin - Chuyển đổi số, Trường ĐHCT tiến hành ký kết hợp tác với ĐH Bách Khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam.

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội và PGS.TS. Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHCT ký kết thỏa thuận hợp tác

 Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng trung Nam và PGS.TS. Trần Trung Tính ký kết thỏa thuận hợp tác

 

Các đơn vị trao quà lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Các tham luận tại diễn đàn: Click vào đây để xem

THÔNG TIN LIÊN HỆ 


Văn phòng tại Trường Đại học Cần Thơ
Khu II, Đường 3/2, P. Xuân Khánh, Ninh Kiều
Điện thoại: 02923 830428

Email: sdmd2045@ctu.edu.vn

 

LƯỢT TRUY CẬP


Hôm nay 33

Hôm qua 58

Trong tuần 91

Trong tháng 2119

Tất cả 80951