Page 48 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 48
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp tổ chức xây dựng và ban
hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo định kỳ 10 năm
theo lĩnh vực quản lý; tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp vào chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, thuộc phạm vi quản lý
phù hợp với tình hình thực tiễn.
2.2.3.2 Tầm nhìn phát triển dài hạn
Nghị quyết 120/NQ-CP (Chính phủ, 2017) là điểm mới trong chính sách
của nhà nước về phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi
khí hậu. Hai điểm mới, nổi bật nhất trong Nghị quyết 120 là:
a) Biến “nguy cơ” thành “thời cơ”
Đây là ý tưởng về sự “thuận thiên” trong phát triển vùng ĐBSCL. Trước
sức ép hạn, mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún… người dân
đồng bằng châu thổ đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Nguồn nước
phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất sẽ ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm. Do đó,
ĐBSCL rất cần có vốn đầu tư để xây dựng công trình chống sạt lở quy mô,
công trình cung cấp nước cho toàn vùng. Đối với vấn đề này, mỗi địa phương
không có khả năng thực hiện được vì cần nguồn vốn lớn. Ngoài ra, ĐBSCL
rất cần dự báo của cơ quan chuyên môn về biến đổi khí hậu để có sự chuẩn bị
kịp thời khi có những tác động tiêu cực xảy ra.
Quan điểm của nhà nước, cụ thể đối với ngành nông nghiệp, là biến bất
lợi thành lợi thế; coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển. Trước
mắt cần phát triển nông nghiệp đồng bằng bền vững theo 3 vùng: vùng
thượng, vùng giữa và vùng ven biển. Trong đó, vùng thượng sẽ tập trung phát
triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng
trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng
giữa phát triển nông nghiệp miệt vườn - trung tâm chuyên canh trái cây lớn
nhất ĐBSCL và cả nước. Cuối cùng là vùng ven biển, nơi phát triển nông
nghiệp dựa vào nước mặn và lợ để phát huy lợi thế thủy sản, kết hợp vùng lúa
gạo đặc sản, cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn.
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp cần triển khai theo hướng xoay
trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển đồng bằng thành
vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Không cứng nhắc duy trì sản xuất
lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và
lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng,
khai thác tốt thị trường trong nước.
37