Page 110 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 110

6.2.2  Các tiếp cận về nông nghiệp bền vững

               Như đã nêu, khi đề cập đến các giải pháp phát triển nông nghiệp bền
          vững cấp vùng, chúng ta cần quan tâm đến sự tổng hòa của nhiều yếu tố tác
          độ ở nhiều cấp độ khác nhau. Xét ở góc độ quản trị nông nghiệp cấp vùng, ba
          khía cạnh sau đây sẽ được cố gắng thảo luận sâu: (1) Các cấp quản lý nhà
          nước (liên quan đến nối kết vùng): cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
          (2) Các tế bào của nền kinh tế nông nghiệp (liên quan chuỗi dịch vụ và phân
          phối): nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã/trang trại, đơn vị quản lý nhà nước;
          và (3) Các lĩnh vực kinh tế tác động đến nông nghiệp (liên quan đến nối kết
          đa ngành, liên ngành, xuyên ngành): sản xuất nông nghiệp, chế biến, thương
          mại, giao thông, quản lý tài nguyên đất, quản lý môi trường,… Nói một cách
          khác, đây là bài toán liên quan đến các hệ thống phức tạp, và mỗi giải pháp
          cũng cần mang tính phức hợp, đa chiều và đồng bộ.

               Một đề xuất về quy hoạch quản lý dữ liệu cấp vùng theo nguyên lý
          CÔNG BẰNG (FAIR - Findable, Accessible, Interoperable, and Reusable)
          cũng đã được đề xuất nhằm mục tiêu này, tuy nhiên để thực hiện được đề xuất
          này cần sự nổ lực của nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là nguồn dữ liệu
          từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm/viện/trường hoạt động nghiên
          cứu (Việt và ctv., 2021). Các giải pháp dựa trên tự nhiên (NbS - Nature-based
          Solutions) là một tiếp cận cần thiết cho vùng (UN Environment Programme
          [UNEP], 2022). Giải pháp này tập trung vào ba thách thức lớn liên quan đến
          vấn đề đô thị hóa nông thôn, bao gồm: cải thiện chất lượng cuộc sống ở các
          thành phố, giảm dấu vết (footprint) sinh thái đô thị và tăng khả năng của các
          thành phố để thích ứng với biến đổi khí hậu theo cách hiệu quả về mặt chi
          phí. Mặc dù đây là các nghiên cứu hướng đến đô thị, nhưng các giải pháp này
          tác động gián tiếp đến các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng kinh tế nông
          nghiệp đặc thù như ĐBSCL, nơi mà đô thị nhỏ và các khu kinh tế nông nghiệp
          tồn tại đan xen.
               Nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA - Climate Smart Agriculture)
          là tiếp cận được FAO đề xuất từ 2009, đây là tiếp cận mang tính trực tiếp hơn
          với vấn đề phát triển nông nghiệp (McCarthy et al., 2018). CSA tập trung thu
          hút sự chú ý đến mối liên kết giữa việc đạt được an ninh lương thực và chống
          biến đổi khí hậu thông qua phát triển nông nghiệp, và các cơ hội để đạt được
          sự hợp lực lớn trong việc này. Có thể nói, tiếp cận này quan tâm đến sự tác
          động tổng hợp giữa hai nhóm yếu tố nội tại và bên ngoài đến kinh tế nông
          nghiệp, trong đó biến đổi khí hậu là yếu tố trọng tâm. Phát triển bền vững
          được quan tâm dưới góc độ bảo tồn đa dạng sinh học (biodiversity) bởi tổ

                                                                                 99
   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115