Page 179 - SDMD CNKT va CNTT trong tien trinh CNH_HDH DBSCL
P. 179
Vinh và Bến Tre với lần lượt 23.371 ha, 16.919 ha, 12.224 ha và 2.237 ha
(Dang et al., 2018). Bệnh chậm lớn do vi khuẩn EHP gây ra cũng được biết
đến là căn bệnh nguy hiểm gây tổn thất cho người nuôi tôm vì nó trực tiếp
làm giảm chất lượng sản phẩm so với tôm khỏe mạnh. Khi nhiễm bệnh, tôm
thường xuất hiện các triệu chứng như vỏ mềm, bơi lảo đảo và giảm ăn. Người
nuôi áp dụng điều trị bằng thuốc kháng sinh để kiểm soát bệnh. Điều này dẫn
đến dư lượng thuốc trong sản phẩm, gây vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm
ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, trong hệ thống sản xuất
tôm thâm canh cao, việc sử dụng các chất kháng sinh trong quá trình sản xuất
để ngăn chặn và điều trị các căn bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản
phẩm, đặc biệt là xuất khẩu. Suzuki and Vu (2013) phát hiện rằng 100% sản
phẩm tôm nhập khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đã được kiểm tra sau khi
phát hiện ethoxyquin - chất chống ôxy hóa thức ăn thủy sản tồn dư trong tôm,
ảnh hưởng tới sức khỏe con người (xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 5 năm
2012 đến tháng 01 năm 2014).
Về vấn đề nuôi trồng, bệnh do vi khuẩn và vi rút làm giảm sút sản lượng
tôm nghiêm trọng. Các căn bệnh gây tỷ lệ chết cao khiến cho số lượng tôm
sụt giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu cung cấp tôm thành phẩm cho tiêu thụ trong
nước và xuất khẩu. Một bằng chứng về thiệt hại là bệnh viêm gan tụy đã làm
giảm 50% tổng sản phẩm tôm của Việt Nam vào năm 2011 (Boonyawiwat et
al., 2018). Các bệnh trên tôm bùng phát ở các nước châu Á đã làm gián đoạn
chuỗi cung ứng vào năm 2012 và 2013 trên toàn cầu. Vào năm 2019, Việt
Nam tiếp tục thiệt hại khoảng 6.200 ha liên quan đến các căn bệnh như viêm
gan tụy, đốm trắng và chậm lớn. Để giảm thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn Việt Nam tuyên truyền và tập huấn mô hình thực hành nuôi
tôm an toàn và phát triển lực lượng đặc nhiệm quốc gia để kiểm soát bệnh
viêm gan tụy (Dang et al., 2018). Bên cạnh đó, việc kiểm soát bệnh trong các
trại tôm giống, chọn lựa tôm cha mẹ và con giống, đánh giá chất lượng nước
được xem xét một cách nghiêm túc để bảo vệ ngành nuôi trồng tôm nhằm
mục đích tăng sản lượng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
9.3 ỨNG DỤNG HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐỊA LÝ VÀ MÁY
HỌC TRONG NUÔI TÔM
Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong nông nghiệp đem lại
giá trị đáng kể cho người nông dân. Công nghệ này giúp người sản xuất có
thể dễ dàng theo dõi được sự sinh trưởng của giống loài, thổ nhưỡng, mùa
màng, sâu bệnh và rất nhiều yếu tố khác. GIS đã được triển khai để xác định
165