Page 5 - Toan canh nguon nhan luc DBSCL va vai tro cua truong DHCT
P. 5

LỜI GIỚI THIỆU


               Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi,
          có 18 triệu người đang sinh sống, chiếm gần 19% dân số cả nước và có nhiều thuận
          lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước sự tác động của biến đổi khí hậu
          toàn cầu, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong bối cảnh
          cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ mạnh mẽ, ĐBSCL đang đối
          mặt với nhiều thách thức. Làm thế nào để duy trì lợi thế hiện có, khắc phục các khó
          khăn, thích ứng nhanh với những tiến bộ của nhân loại,... đang là câu hỏi lớn cần có
          lời giải đáp thỏa đáng để đồng bằng phát triển.
               Nghiên cứu và kinh nghiệm của các quốc gia đã cho thấy đầu tư cho giáo dục
          và đào tạo, đầu tư chiều sâu cho nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt cho phát triển
          kinh  tế  -  xã  hội.  Các  khó  khăn  về  điều  kiện  tự  nhiên,  cơ  sở  hạ  tầng,  vốn,…
          là trở lực nhưng chưa phải là lớn nhất và hoàn toàn có thể khắc phục được. Trái lại,
          khi yếu kém và thiếu thốn về nguồn nhân lực có chất lượng sẽ ảnh hưởng sâu sắc
          đến tiến trình phát triển, thậm chí dẫn đến những thất bại đáng tiếc. Vì vậy, đầu tư
          cho con người luôn là đầu tư khôn ngoan nhất, là chìa khóa mở cánh cửa đến sự tiến
          bộ và phát triển.
               Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện để có nguồn nhân lực
          chất lượng theo yêu cầu ngày càng cao cho ĐBSCL, trong đó, giải pháp đào tạo được
          đề cập hàng đầu. Ấn phẩm “Toàn cảnh nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long
          và vai trò của Trường Đại học Cần Thơ” mô tả bức tranh tổng thể về nguồn nhân
          lực ở ĐBSCL, đề cập đến công tác đào tạo nguồn nhân lực của các cơ sở giáo dục
          đại học, trong đó, Trường Đại học Cần Thơ có sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên
          cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của vùng và quốc gia, đóng góp hữu
          hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng, bồi dưỡng nhân tài và phát triển
          khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia. Từ đó, các giải
          pháp phát triển nguồn nhân lực và những hành động thiết thực được đề xuất nhằm
          thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, gia tăng trình độ học vấn
          cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực cho sự phát triển toàn
          diện của vùng ĐBSCL.
               Cảm ơn nhóm tác giả đã làm việc nỗ lực để ấn phẩm được ra đời đúng dịp
          Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL lần thứ nhất
          (SDMD 2022), một sự kiện quan trọng của vùng. Rất mong quý độc giả đón nhận
          ấn phẩm như là một tài liệu tham khảo quý giá để cùng tự hào và đồng hành với
          Trường Đại học Cần Thơ trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho
          ĐBSCL.
                                                                            NGUYỄN THANH PHƯƠNG
                                           Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường
                                                                                Trường Đại học Cần Thơ
   1   2   3   4   5   6   7   8   9   10