Page 371 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 371

Kể từ khi khái niệm logistics được thực sự biết đến sau khi Việt Nam
          chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO (11/1/2007), hoạt động
          logistics trong nông nghiệp tại Việt Nam chủ yếu chịu sự chi phối của quá
          nhiều bên trung gian, đa số là các thương lái. Bên trung gian này rất am hiểu
          về địa phương, có phương tiện vận tải đường thủy và hệ thống kho rải khắp
          ven sông. Thương lái thu mua và vận chuyển nông sản bằng cách tập trung
          khai thác mạng lưới sông ngòi dày đặc.

               Hoạt động logistics khởi đầu với công đoạn vận chuyển từ nông dân đến
          nhà máy hoặc tới các vựa nông sản để đóng gói vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
          Tiếp theo đó, với sự mở rộng hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, công tác
          bảo quản lạnh được chú trọng nhiều hơn, từ đó dịch vụ logistics nông sản được
          tích hợp thêm sản phẩm bảo quản lạnh và được thực hiện chủ yếu bởi các đơn
          vị cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL). Hầu hết, các doanh nghiệp
          logistics tại Việt Nam chỉ phụ trách các mảng như làm thủ tục hải quan, cho
          thuê phương tiện vận tải, kho bãi cho các công ty logistics nước ngoài.

               12.7.2  Hiện trạng dịch vụ logistics ở ĐBSCL

               Hiện nay, logistics bao gồm cả dịch vụ vận tải và cơ sở hạ tầng ở các
          điểm nút như cảng, sân bay, kho bãi, bốc dỡ. Hoạt động này phụ thuộc rất lớn
          vào năng lực của cơ sở hạ tầng, nếu năng lực hạ tầng không đủ thì logistics
          không thể hoạt động được. Công nghệ bảo quản trái cây chưa phát triển, chỉ
          có thể vận chuyển bằng đường hàng không nên chi phí cao, khó cạnh tranh.
          Do đó, các công ty nên đặc biệt lưu ý đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
          Khi trái cây được bảo quản đủ điều kiện thì mới đi được đường biển. Hiện tại
          đối với một số mặt hàng, cước hàng không so với cước đường biển cao gấp
          khoảng 15 lần.

               Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2021),
          ĐBSCL là trung tâm lớn phát triển nông nghiệp về sản xuất lúa gạo, trái cây,
          nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông
          - lâm - thủy sản của cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo,
          tôm nước lợ, cá tra và trái cây. Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL hiện còn thiếu
          các trung tâm logistics trọng điểm, các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi
          container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn
          thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn,… Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua
          nhiều địa điểm và phải đưa lên thành phố Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi.
          Trong khi đó, hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với
          nhu cầu phát triển.



          360
   366   367   368   369   370   371   372   373   374   375   376