Page 355 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 355
12.4 TỰ ĐỘNG HÓA
Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp với chủ đề “Khát vọng nông
nghiệp Đất Chín Rồng xanh - sinh thái - bền vững”, do Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân của 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng
ĐBSCL phối hợp tổ chức tại Kiên Giang ngày 06 tháng 3 năm 2022 nhận
định rõ: ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có; đặc
biệt, nền sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu hạ tầng logistics và nguồn nhân
lực là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn trong vùng (Tiếp, 2022). Dù vậy, quá trình từng bước công nghiệp
hóa và hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đã và đang được triển khai. Phần
này sẽ trình bày về những nỗ lực của trường ĐHCT trong việc ứng dụng lĩnh
vực tự động hóa trong nông nghiệp ở ĐBSCL.
12.4.1 Quá trình phát triển
Việc ứng dụng tự động hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp chỉ
thuộc mức 2 của tiêu chuẩn ISA-95/IEC62264, được từng bước phát triển ở
ĐBSCL trong khoảng hơn 20 năm qua. Bắt đầu từ những ứng dụng đơn giản
như sấy bảo quản, đến cân, đong, đo, đếm trong các nhà máy xay xát. Từ khi
thiết bị điều khiển khả trình PLC (programmable logic controller) được phổ
biến ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XXI, các dây chuyền tự động hóa
phục vụ phân loại, đóng gói,… đã được phát triển mạnh mẽ trong các doanh
nghiệp trong chế biến nông sản.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các ứng dụng tự động
hóa trên nền tảng máy tính cá nhân cũng đã và đang được phát triển mạnh,
xuất hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, từng bước tiến lên mức 2 và
mức 3 của tiêu chuẩn ISA-95/IEC62264 trong thời gian tới.
12.4.2 Hiện trạng ứng dụng công nghệ tự động hóa ở ĐBSCL
Công nghệ tự động hóa ở ĐBSCL tập trung phát triển trong các lĩnh
vực như chế biến nông sản, thủy hải sản, bảo quản sau thu hoạch, chăn nuôi,…
Ngoài ra, các lĩnh vực phụ vụ đời sống xã hội khác, gián tiếp phục vụ cho
nông nghiệp như cấp thoát nước, cung cấp điện, hệ thống thủy lợi, xử lý chất
thải,… cũng được từng bước tự động hóa.
Giải pháp tự động hóa công tác quản lý và cung cấp nước sạch (Nguyên
và ctv., 2022), như minh họa trên Hình 12.22, cho phép người quản lý, vận
hành hệ thống cung cấp nước sinh hoạt với tính năng giám sát các thông số
về lưu lượng, áp lực tại các điểm nhánh trên mạng lưới các đường ống cấp
nước. Các thông số này giúp phát hiện sớm các sự cố trên đường ống như vỡ
ống, rò rỉ, giờ cao điểm sinh hoạt,... Ngoài ra, người vận hành cũng có cơ sở
để điều áp nhằm đảm bảo lưu lượng trên các tuyến ống đáp ứng tốt nhất nhu
cầu của người sử dụng và tiết kiệm năng lượng.
344