Page 353 - Nong nghiep DBSCL hien trang va dinh huong phat trien (GS.TS. Nguyen Thanh Phuong)_16x24_(392p)
P. 353
pháp đo đạc nồng độ nitrite tự động sử dụng cảm biến quang học cho độ chính
xác cao nhưng chi phí đầu tư thiết bị lên đến vài nghìn đô la.
Để giúp người nuôi tôm có thể tiếp cận giải pháp đo nồng độ nitrite tự
động với chi phí thấp, nhóm nghiên cứu tại Bộ môn Điện tử Viễn thông, Khoa
Công nghệ đã xây dựng giải pháp đo đạc nitrite tự động bằng phương pháp
so màu ứng dụng chip cảm biến màu và công nghệ IoT (Danh et al., 2021).
Như mô tả ở Hình 12.21, nước từ ao nuôi tôm được hòa trộn với thuốc thử
nitrite theo tỷ lệ định trước. Cảm biến màu thực hiện đo màu sắc của dung
dịch để từ đó tính toán nồng độ nitrite trong mẫu nước. Thiết bị có khả năng
đo đạc nồng độ nitrite trong khoảng 0-5 mg/lít với sai số khoảng 10% khi so
sánh với kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm bằng máy phân tích quang
phổ. Kết quả nghiên cứu này cung cấp cho người nuôi thủy sản một giải pháp
khả thi để kịp thời ứng phó trước sự thay đổi bất lợi của nồng độ nitrite trong
ao nuôi.
Hình 12.21. Thiết bị đo nitrite tự động: (a) Sơ đồ nguyên lý hoạt động;
(b) Hình ảnh thiết bị được thử nghiệm tại bể nuôi tôm - Khoa Thủy sản, Trường ĐHCT
12.3.3 Các yếu tố tác động đến việc ứng dụng công nghệ IoT
Việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đang là xu hướng tất
yếu, giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản và thích
ứng với sự biến đổi của điều kiện môi trường. Tuy nhiên, theo số liệu được
công bố năm 2020 (Lâm, 2020), cả nước hiện mới chỉ có 46 doanh nghiệp
nông nghiệp công nghệ cao trong số hàng nghìn doanh nghiệp nông nghiệp.
Bên cạnh các vấn đề khó khăn như cơ chế chính sách, quy hoạch đất đai và
thị trường tiêu thụ, các vấn đề về nguồn vốn, nhân lực và khoa học - công
nghệ cũng được xem là các rào cản chính của việc đưa công nghệ cao vào sản
xuất nông nghiệp.
342